Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung kể từ giữa tháng 6 và đang chuẩn bị cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nhà báo Javier Blas viết trên Bloomberg rằng Pháp - nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu - sẽ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực duy trì nguồn cung điện cho mùa đông năm nay.
“Thủ đô Paris luôn rạng rỡ vào mùa thu và mùa đông. Tuy nhiên, kinh đô ánh sáng sẽ kém hấp dẫn hơn nhiều nếu nó chìm trong bóng tối”, ông viết.
Hiện, hơn nửa trong số 57 nhà máy điện hạt nhân do Electricite de France SA (EDF), tập đoàn điện lực lớn nhất nước Pháp, vận hành đang bảo trì khẩn cấp. Pháp thậm chí đang nhập khẩu điện từ Anh và một số quốc gia khác, bao gồm cả Tây Ban Nha, để bù đắp thiếu hụt.
Điều này khiến cho giá bán điện tại Pháp tăng đột biến. Theo thống kê, giá điện bán buôn của Pháp trong tháng 12 gần như cao hơn gấp đôi so với ở Đức.
Pháp lo ngại về thiếu hụt khí đốt trong mùa đông sắp tới. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, phản ứng chung của các nhà lãnh đạo châu Âu đối với nguy cơ Nga sẽ “vũ khí hoá” khí đốt tự nhiên là không phù hợp.
Hôm 20/7, Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong những tháng tới nhằm chuẩn bị kho dự trữ cho mùa đông.
Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp, tất cả 27 nước thành viên sẽ nỗ lực để giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% trong giai đoạn tháng 8/2022-3/2023. Vào cuối tháng 9 tới, các nước sẽ phải công bố lộ trình để đạt được mục tiêu trên.
Việc thực hiện sẽ mang tính bắt buộc nếu EC cho rằng nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng là nghiêm trọng. Uỷ ban châu Âu cũng đề nghị các nước thành viên trao cho EU thẩm quyền đặc biệt trong phân bổ khẩu phần khí đốt cho các nước thành viên trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt tới châu Âu.
Tờ Financial Times nhận định trong bối cảnh mùa đông sắp đến, việc yêu cầu các nước thành viên cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt sẽ là một “cuộc thử nghiệm” tính đoàn kết và thống nhất của EU khi đối mặt với cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng với những hậu quả của cuộc chiến này. Không rõ khối này sẽ có đề xuất khác thay thế hay không.
Theo Bloomberg, giải pháp cần thiết hiện là một hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ quốc gia nhằm giải quyết mối đe dọa, với ba ưu tiên.
Một là cần trợ cấp thanh toán hoá đơn tiền điện dựa trên thu nhập đối với các hộ gia đình nghèo. Hai là quản lý lượng điện sử dụng hợp lý hơn, cân đối nhu cầu sử dụng của các khu công nghiệp và hộ dân cư. Bên cạnh đó, EU cần phải hành động để loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
“EU nên tăng cường đầu tư vào năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thay thế khác”, Uỷ ban châu Âu nhấn mạnh.