Nhiệt độ kỷ lục trong mùa hè này đã thúc đẩy nhu cầu dùng điện và sản xuất điện hạt nhân, thủy điện và than đá, đúng vào thời điểm châu Âu tìm cách cắt giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
“Châu Âu từng hy vọng mùa hè là lúc giải phóng thị trường năng lượng. Nhưng đợt nắng nóng này khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng và tình hình trong mùa đông tới có vẻ tồi tệ. Nó gần với tình huống xấu nhất của chúng tôi”, Fabian Ronningen - nhà phân tích tại công ty tư vấn Rystad - nhận định.
Toàn châu Âu ghi nhận mức nhiệt rất cao. Nhiệt độ cao cũng là nguyên nhân gây ra cháy rừng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, trong khi cơ quan dự báo thời tiết Vương quốc Anh - Met Office - lần đầu tiên đưa ra “cảnh báo đỏ”.
Không chỉ vậy, nhiệt độ tăng cao cũng thúc đẩy nhu cầu dùng điều hòa, nhưng lại gây hạn chế sản xuất điện hạt nhân ở Pháp và Thụy Sĩ do nước sông quá nóng, trong khi sản lượng thủy điện giảm do hạn hán, theo Financial Times.
Giới khoa học cho rằng gián đoạn trong cung cấp điện vì nắng nóng sẽ ngày càng trở nên phổ biến do biến đổi khí hậu. Không chỉ vậy, tình hình cũng dẫn đến giá điện tăng kỷ lục, ngay cả khi giá khí đốt đã giảm trong những ngày gần đây.
Tìm cách lấp đầy khoảng trống
Các lò phản ứng hạt nhân tại Pháp cần dùng nước sông để làm mát, trong khi nước nóng được thải ngược trở lại sông. Tuy nhiên, nhiệt độ đang đạt ngưỡng quy định ngăn việc xả nước nóng gây hại cho môi trường địa phương.
Cơ quan quản lý của Pháp đã bỏ qua quy định trong tháng này đối với 4 nhà máy do EDF điều hành nhằm “đảm bảo an toàn của mạng lưới điện” và cho phép các nhà máy tiếp tục hoạt động.
Cháy rừng hoành hành ở khu vực Losacio của miền Tây Bắc Tây Ban Nha vào tháng 7 này. Ảnh: AP. |
“Thật kỳ lạ khi họ nâng mức giới hạn này lên”, chuyên gia Reinhard Uhrig từ Friends of the Earth Austria nhận định, nói thêm động thái này cho thấy “sự tuyệt vọng của chính quyền Pháp”.
Pháp - thường là nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu - thậm chí đang nhập khẩu điện từ Anh và các quốc gia khác, bao gồm cả Tây Ban Nha, để bù đắp thiếu hụt.
William Peck, nhà phân tích thị trường điện EU tại ICIS - cho biết giá bán buôn điện ở Pháp và Đức đang trên đà đạt mức cao nhất theo tuần và theo tháng, kể từ khi 2 nước tự do hóa thị trường vào cuối những năm 1990, ngay cả sau khi điều chỉnh giá theo lạm phát.
Mong mỏi một mùa đông ấm áp
Trong khi đó, nhiệt độ cao và lượng mưa thấp ở Đức đã khiến nước sông Rhine giảm xuống mức thấp nhất vào tháng 7 trong hơn một thập niên. Tình hình này đã hạn chế việc cung cấp than cho các nhà máy điện, và ký ức về đợt hạn hán năm 2018 lại ùa về, khi vận chuyển gián đoạn và nền kinh tế của đất nước bị ảnh hưởng.
Uwe Kiwitt, thuyền trưởng vận chuyển nhiên liệu đến các địa điểm dọc sông Rhine, cho biết đợt nắng nóng đã ảnh hưởng tới việc giao hàng của anh.
“Khi mực nước giảm, việc tính toán khối lượng vận chuyển ngày càng trở nên khó khăn”, nhân viên của HGK Shipping, công ty vận tải nội địa, cho biết. "Chúng tôi tính toán từng tấn hàng mà chúng tôi định chở”.
Áp lực gia tăng lên mạng lưới năng lượng đồng nghĩa với thách thức trong việc lấp đầy kho khí đốt trước mùa đông ngày càng lớn, đặc biệt khi không chắc Nga có tiếp tục cho khí đốt chảy qua đường ống Nord Stream 1 hay không.
Mực nước (tính bằng m) trên sông Rhine năm 2022 (màu đỏ) và từ năm 2015-2021 (các đường màu xám). Đồ họa: Financial Times. |
Sản lượng điện tái tạo cũng giảm do những ngày hè nóng bức tạo ra ít gió hơn. Các nhà máy chạy bằng khí đốt và năng lượng mặt trời cũng hoạt động kém hiệu quả hơn trong thời tiết nắng nóng và sản lượng thủy điện giảm do các hồ chứa cạn kiệt.
Sản lượng thủy điện của Pháp là 2,3 gigawatt vào hôm 16/7, so với mức trung bình cùng ngày là 4,1 gigawatt trong 7 năm qua.
Châu Âu không đơn độc trong nỗi lo này. Các đợt nắng nóng ở Trung Quốc khiến các nhà máy điện đốt nhiều than hơn, đẩy giá tăng kỷ lục. Trong khi đó, theo dự báo của S&P Global Commodity Insights, Mỹ sẽ sử dụng mức sản xuất điện từ gas cao trong đợt nắng nóng ảnh hưởng tới Texas và nhiều bang khác.
Hôm 20/7, Ủy ban Châu Âu (EC) hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong những tháng tới nhằm chuẩn bị kho dự trữ cho mùa đông.
Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp của EU, mỗi nước thành viên sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% trong giai đoạn tháng 8/2022-3/2023. Vào cuối tháng 9 tới, các nước sẽ phải công bố lộ trình để đạt được mục tiêu trên.
EC cũng đề nghị các nước thành viên trao cho EU thẩm quyền đặc biệt trong phân bổ khẩu phần khí đốt cho các nước thành viên trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt tới châu Âu.
Các nhà điều hành năng lượng hy vọng thời tiết ôn hòa sẽ “giải cứu” châu Âu trong mùa đông này.
“Thời tiết là yếu tố quan trọng hơn bất cứ điều gì trong mùa đông này”, Marco Alverà - cựu Giám đốc điều hành của công ty cơ sở hạ tầng năng lượng Italy Snam - cho biết. “Chúng tôi đang mong mỏi một mùa đông ấm áp”.