Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lý do châu Âu trở thành điểm nóng sóng nhiệt

Cái nóng thiêu đốt tại châu Âu năm nay phù hợp với xu hướng chung. Nguyên nhân nằm ở một số yếu tố, trong đó có sự biến đổi của các dòng tia trên Trái Đất, theo các nhà khoa học.

nang nong o chau Au anh 1

Hai tháng trước, Pháp trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử, với mức nhiệt cao kỷ lục ở một số thành phố. Tháng 6, Pháp lại gặp làn sóng nhiệt tác động đến cả Tây Ban Nha, Italy và các nước khác. Đến tháng 7, tới lượt Ba Lan và các vùng ở Đông Âu hứng chịu nắng nóng cực đoan.

Nhiệt độ khắp châu Âu lúc này tiếp tục tăng mạnh, trong khi mùa hè vẫn còn hai tháng nữa mới kết thúc.

Các nhà khoa học cho biết hiện tượng nhiệt độ cực đoan dai dẳng phù hợp với xu hướng toàn cầu. Dù vậy, họ cho rằng sóng nhiệt ở châu Âu đang ngày một gia tăng về tần suất và cường độ, với tốc độ nhanh hơn hầu hết khu vực khác trên Trái Đất, bao gồm miền Tây nước Mỹ.

Nguyên nhân một phần của hiện tượng trên là sự nóng lên toàn cầu, do nhiệt độ trung bình lúc này đã cao hơn 1,1 độ C so với cuối thế kỷ 19, thời điểm trước khi phát thải CO2 và các loại khí nhà kính khác trở nên phổ biến. Do đó, cái nóng cực đoan có xuất phát điểm cao hơn.

Nhưng bên cạnh đó, một số yếu tố khác, trong đó bao gồm yếu tố liên quan tới hoàn lưu khí quyển và luân chuyển hải lưu, cũng có thể khiến châu Âu trở thành điểm nóng sóng nhiệt.

nang nong o chau Au anh 2

Cháy rừng hoành hành ở khu vực Losacio của miền Tây Bắc Tây Ban Nha vào tháng 7 này. Ảnh: AP.

Sự thay đổi trong dòng tia

Không có hai làn sóng nhiệt nào giống nhau hoàn toàn. Đợt nhiệt lớn đang phủ lên Anh và xứ Wales vào hôm 18/7 một phần là kết quả của việc một vùng không khí áp suất thấp ở tầng trên khí quyển bị nghẽn lại ngoài khơi Bồ Đào Nha trong nhiều ngày.

Vùng không khí áp suất thấp nói trên được gọi là “vùng áp thấp tách biệt” (cutoff low) vì nó bị tách biệt ra khỏi các luồng gió tây thường đi vòng quanh Trái Đất ở độ cao lớn, còn gọi là dòng tia. Dòng tia nói chung là các luồng không khí thổi nhanh trong các dòng hẹp ở khí quyển.

Các khu vực áp suất thấp thường hút không khí về phía mình. Và trong trường hợp này, vùng áp suất thấp ngoài khơi Bồ Đào Nha đã đều đặn hút không khí từ Bắc Phi về phía mình rồi đẩy vào châu Âu.

“(Vùng áp suất thấp ấy) đang đẩy không khí nóng về phía bắc”, Kai Kornhuber, nhà nghiên cứu thuộc Đài quan sát Trái Đất Lamont (Mỹ), nói.

nang nong o chau Au anh 3

Người dân Anh ra biển tránh nóng ở Brighton, gần London. Ảnh: New York Times.

Tiến sĩ Kornhuber nằm trong số những người tham gia một nghiên cứu về khí hậu được công bố trong tháng 7. Kết quả nghiên cứu này cho thấy sóng nhiệt ở châu Âu đã gia tăng cả về tần suất và cường độ trong 40 năm qua.

Theo nghiên cứu, xu hướng gia tăng trên một phần do sự biến đổi trong các dòng tia gây ra. Các nhà nghiên cứu thấy rằng nhiều làn sóng nhiệt ở châu Âu xuất hiện khi dòng tia tạm thời phân đôi, tạo ra khu vực không khí áp suất cao và gió yếu lọt giữa hai nhánh. Điều này dễ khiến nhiệt độ cực đoan tích tụ.

Efi Rousi, một nhà khoa học cấp cao ở Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam (Đức) và là tác giả chính của nghiên cứu trên, nói sóng nhiệt hiện tại có vẻ cũng có liên hệ tới hiện tượng “dòng tia phân đôi”. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện khắp châu Âu trong hai tuần qua, bà Rousi nói.

Những yếu tố trên có thể đã làm phát sinh vùng áp thấp tách biệt và cả vùng gió yếu ở châu Âu, từ đó khiến nhiệt độ cao dai dẳng ở đây, tiến sĩ Rousi nói.

Một số nguyên nhân khác

Việc châu Âu hứng chịu nhiều đợt sóng nhiệt hơn có thể còn có nguyên nhân khác, nhưng một vài nguyên nhân trong đó vẫn đang được giới khoa học tranh luận.

Sự ấm lên ở Bắc Cực có thể góp phần vào hiện tượng nắng nóng gay gắt ở châu Âu, theo tiến sĩ Kornhuber. Khi Bắc Cực ấm lên với tốc độ nhanh hơn, chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực và đường xích đạo giảm dần. Điều này làm giảm lượng gió mùa hè, từ đó khiến các hệ thống thời tiết nán lại lâu hơn.

nang nong o chau Au anh 4

Cảnh sát cho binh sĩ Anh đứng gác bên ngoài Điện Buckingham uống nước. Ảnh: AP.

Các dấu hiệu khác cũng cho thấy sự biến đổi của một trong những dòng hải lưu lớn trên thế giới, Dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC), có thể tác động tới khí hậu châu Âu.

Bằng mô phỏng máy tính, một nghiên cứu của tiến sĩ Rousi được phát công bố năm 2021 cho thấy việc AMOC yếu đi cùng lúc Trái Đất ấm lên sẽ tạo ra thay đổi trong hoàn lưu khí quyển, dẫn tới mùa hè khô hạn hơn ở châu Âu.

Cũng như các khu vực khác trên thế giới, sóng nhiệt ở châu Âu còn có thể làm tăng khả năng xảy ra các làn sóng nhiệt mới tại cùng khu vực. Nguyên nhân là cái nóng cực đoan sẽ khiến đất đai khô cằn.

Khi đất còn ẩm, một phần năng lượng trong ánh Mặt Trời sẽ được dùng vào việc làm bốc hơi nước, từ đó tạo ra hiệu ứng làm mát nhẹ.

Nhưng khi một làn sóng nhiệt lấy đi toàn bộ độ ẩm của đất, đất đai sẽ chẳng còn lại bao nhiêu hơi nước khi làn sóng tiếp theo xuất hiện. Khi ấy, hầu hết năng lượng từ ánh Mặt Trời sẽ nung nóng bề mặt đất, làm gia tăng cái nóng.

Nhiều nước châu Âu biến thành lò lửa Cháy rừng đã bùng phát tại nhiều quốc gia châu Âu trong tuần khi khu vực này hứng chịu đợt nắng nóng mới, với nhiều nước ghi nhận nhiệt độ kỷ lục.

Thủ tướng Anh đi triển lãm hàng không giữa lúc sóng nhiệt hoành hành

Ông Boris Johnson bị cáo buộc bỏ bê công việc thủ tướng sau khi vắng mặt trong các cuộc họp của Ủy ban Rắn hổ mang về tình trạng nắng nóng cực đoan tại Anh.

Nắng nóng đang vượt quá mức chịu đựng của con người

Từ Nam Á đến Mỹ, từ châu Phi đến châu Âu, nắng nóng gay gắt đang vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ thể con người.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm