Khi chiến sự Ukraine nổ ra hồi tháng 2, các quốc gia phương Tây cam kết loại bỏ dần dầu thô từ Nga. Điều này làm những chủ tàu châu Âu kinh doanh và vận chuyển mặt hàng này lo ngại sẽ bị đưa vào danh sách đen.
Các chuyến hàng đến châu Á đang tăng vọt. Theo nhà cung cấp dữ liệu năng lượng Vortexa, Trung Quốc tăng gần gấp đôi lượng nhập khẩu dầu thô từ Nga lên mức trung bình 1,13 triệu thùng/ngày trong tháng 6, từ mức 670.000 thùng/ngày trong tháng 2.
Ấn Độ nhập khoảng một triệu thùng/ngày vào tháng trước, trong khi vào 2 tháng đầu năm, con số này chạm gần 0.
“Dựa trên xu hướng này, có vẻ như Nga đã xuất khẩu tất cả lượng dầu thô hiện có mà không cần người mua từ Mỹ hay EU”, Wall Street Journal dẫn lời David Wech - nhà kinh tế học tại Vortexa - cho biết.
Giá cước vận chuyển tăng vọt
Đội tàu chở dầu Hy Lạp - kiểm soát gần 1/3 đội tàu toàn cầu - đã vận chuyển khoảng một nửa khối lượng dầu thô của Nga trong tháng 5 và tháng 6. Lloyd’s List Intelligence ước tính trong hai tháng đó, các tàu do Hy Lạp điều hành ghé cảng Nga ở biển Đen và biển Baltic 151 lượt, so với 89 lượt trong giai đoạn đầu năm.
Các biện pháp trừng phạt của EU sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12, trong đó cấm chuyến hàng chở dầu Nga đến châu Âu. Những chuyến hàng từ các bên ngoài lục địa không gặp hạn chế này, nhưng họ sẽ không được nhận bảo hiểm. Không có bảo hiểm khiến mọi chuyến hàng đều là bất hợp pháp theo luật hàng hải quốc tế.
Theo các quan chức EU, chưa cấm vận ngay lập tức có thể giúp chính phủ chuyển sang những nguồn năng lượng thay thế ngoài Nga. Nhu cầu dầu tăng cao sau chiến sự ở Ukraine đã đẩy giá cước vận chuyển với tàu chở dầu cỡ trung lên khoảng 40.000 USD/ngày, so với 10.000 USD hồi tháng một.
Tàu chở container đi qua eo biển Bosphorus sau khi khởi hành từ cảng Novorossiysk của Nga. Ảnh: AP. |
Các chủ tàu chở dầu lớn của châu Âu nói rằng lệnh trừng phạt có thể khiến họ tạm thời đình chỉ hoạt động khoảng 1/3 đội tàu. Tuy nhiên, nhu cầu dầu trên toàn cầu tăng mạnh sẽ khiến các tàu này hoạt động trở lại.
“Không ai có thể đoán được thị trường tàu chở dầu sẽ ra sao khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Tuy nhiên, tôi đoán tình hình sẽ khả quan bởi nhu cầu dầu vẫn ở mức cao. Các tàu có thể được luân chuyển lấy dầu từ những điểm đến khác, như ở Mỹ hoặc Trung Đông”, giám đốc điều hành một công ty vận tải biển Hy Lạp giấu tên cho hay. “Dù đi quãng đường dài hơn, họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”.
Tháng trước, hải quan Mỹ chặn tàu do công ty Hy Lạp TMS Tankers điều hành, khi con tàu đóng mác chở dầu nhiên liệu và dầu khí đi từ Nga đến Louisiana. Con tàu - đang trên đường từ cảng của Nga ở biển Đen đến New Orleans - được phép tiếp tục hành trình sau khi giới chức xác định hàng hóa đến từ Kazakhstan.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng kêu gọi các chủ tàu chở dầu Hy Lạp ngừng vận chuyển dầu thô Nga.
“Các công ty Hy Lạp cung cấp đội tàu chở dầu lớn nhất của họ để vận chuyển dầu Nga”, ông Zelensky nói. "Tôi chắc chắn điều này không đáp ứng lợi ích của châu Âu, Hy Lạp hay Ukraine".
Ẩn vị trí, che giấu nguồn gốc hàng hóa
Trước chiến sự, khoảng 80% lượng dầu xuất khẩu của Nga đổ vào các nền kinh tế phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, các chuyến hàng của Nga đến Tây Âu đã giảm 2/3 kể từ đầu cuộc xung đột, xuống còn 400.000 thùng/ngày vào tháng 5.
Hiện tại, dầu từ Nga chảy sang một số ít quốc gia khác. Moscow giảm giá sâu cho các nhà nhập khẩu, thấp hơn tới 40 USD/thùng tùy thuộc khách hàng, so với dầu có nguồn gốc từ Trung Đông, Mỹ và châu Phi.
Hai chủ tàu châu Âu tiết lộ giới khai thác tàu chở dầu Trung Quốc đã tiếp cận họ, với yêu cầu mua thêm 6 tàu bởi họ lo lắng không đủ năng lực vận chuyển khi lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 5/12. Nguồn tin cho biết phía Trung Quốc đang tìm mua ít nhất 8 tàu chở dầu.
Các chuyến tàu container cập bến Singapore. Những chuyến hàng chở dầu Nga đến châu Á tăng vọt kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu đang kiếm được lợi nhuận kếch xù bằng cách mua dầu thô giảm giá từ Nga, biến thành sản phẩm và bán với giá cao hơn. Các khoản giảm giá đặc biệt hấp dẫn với những nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc.
Một phương pháp khác mà tàu chở dầu châu Âu áp dụng để vận chuyển dầu thô Nga là chuyển hàng thẳng từ tàu sang tàu (ship-to-ship transfers) - phương pháp phổ biến khi không gian cảng hạn chế để chất hàng tại cảng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng áp dụng khi tàu tắt bộ phát tín hiệu để ẩn vị trí và điểm đến của chuyến hàng.
Cách làm này đã được áp dụng trong những tháng gần đây ngoài khơi cảng Kalamata, miền Nam Hy Lạp. Các nhà điều hành vận chuyển cho biết một số tàu tắt bộ phát tín hiệu để ẩn vị trí, đồng thời nói thêm kiểu hoạt động tương tự có thể tiếp diễn khi lệnh trừng phạt sắp có hiệu lực.
"Có những hoạt động chuyển hàng thẳng từ tàu sang tàu đang diễn ra, và họ che giấu nguồn gốc hàng hóa rất khéo léo", Marie Bates, Giám đốc phân tích hàng hóa của Lloyd’s List Intelligence, cho hay.