Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiên cường trước những đòn thù chốn lao tù

Nhà cách mạng Ngô Thị Huệ sau khởi nghĩa Nam Kỳ bị rơi vào vòng giam hãm, tra tấn của kẻ thù. Nhưng người nữ cộng sản vẫn bền gan, vững chí.

Để kịp dự cuộc họp Xứ ủy vào cuối tháng 12, theo lệnh triệu tập, tôi gấp rút lên Sài Gòn nhờ số tiền bà con góp trao cho. Tôi đến cầu Cây Gõ tìm số nhà liên lạc của văn phòng Xứ ủy theo địa chỉ hướng dẫn. Khi bước vào nhà, nhìn thấy một người nằm ngủ đắp chiếc khăn rằn, ngỡ là người của ta, tôi trở cán dù khẽ đập lên chân của anh ta. Anh ta bật ngồi dậy. Tôi sững sờ nhận ra bên cạnh anh ta đang có mấy chiếc còng để sẵn! Biết mình sập bẫy, tôi vội quay ra phân bua:

- Xin lỗi, tôi đến lộn nhà.

Anh ta cười rất đểu:

- Đến đúng địa chỉ rồi đó, không có lộn đâu!

Thì ra cơ sở của Xứ ủy đã bị lộ rồi. Hôm đó là ngày thứ bảy, tôi bị giữ lại đây một ngày một đêm. Trong thời gian này, tôi suy nghĩ sắp đặt lời khai sao cho hợp lý. Tôi nhớ tới người chị họ ở quê tên là Huệ, vốn là người làm ăn chân chất, không dính líu gì đến quốc sự. Tôi sẽ nhận tên mình là Ngô Thị Huệ, vì bọn hội tề ở quê đều biết rất rõ cả gia đình tôi thoát ly đi làm cách mạng.

Sáng sớm ngày thứ hai, tôi bị đưa về bót Catinat. Tôi bị chúng khảo tra bằng đủ mọi đòn hiểm độc. Tôi một mực khai tên Ngô Thị Huệ, là gái đã có chồng, tên Dương Công Nữ, làm thầy thuốc bắc, quê ở Mỹ Quới. Tôi nhận được thư của chồng gọi lên Sài Gòn để cùng anh mở tiệm may tìm kế sinh nhai.

Rất may là nhờ từng công tác ở Cầu Ngang, Trà Vinh, quê đồng chí Nữ, nên chúng hỏi gì về quê quán, nhân thân của anh tôi đều biết cả. Đồng chí Dương Công Nữ đã bị địch bắt trước đó. Tám tháng sau địch mới cho tôi gặp đồng chí Nữ để đối chất, giữa lúc đồng chí Nữ tỏ ra rất lúng túng cứ nhìn tôi, do không biết trước lời khai bịa của tôi, tôi vọt miệng nói luôn:

- Các ông lớn đã biết hết rồi, tôi đã khai, tôi tên là Ngô Thị Huệ, quê ở Mỹ Quới, làm nghề thợ may, lên đây tìm anh để mở tiệm may thêu, còn anh hốt thuốc bắc...

Chúng truy manh mối bằng cách hỏi:

- Ai làm mai?

Tôi nói:

- Chúng tôi làm ăn gặp nhau, không ai làm mai cả...

Suốt tám tháng bị giam ở khám Catinat, bót Giếng Nước... tôi bị khảo tra đánh đập rất dã man, chúng buộc tôi phải trả lời nhiều vấn đề [...] Trong thời gian chờ đợi xác minh tông tích của tôi từ quê nhà, kẻ địch đưa tôi về giam ở khám Phú Mỹ. Vốn là một chuồng bò lớn ở ngang vườn thú, nay là Thảo Cầm Viên thành phố, được gấp rút dựng lên sau Nam Kỳ khởi nghĩa để làm chỗ nhốt tù nhân, phần lớn là tù chính trị, có một ít tù thường phạm.

Một số chị khi bị bắt đang có mang, tại nơi này trên hai mươi cháu được sinh ra, sống vất vưởng như mẹ trong chế độ hà khắc của nhà tù. Nhưng nào có được yên thân, kẻ thù độc ác đã rứt các cháu khỏi vòng tay mẹ khiến cho nhiều chị như điên như dại, không ăn không ngủ, suốt ngày cứ ôm gối nựng nịu, hát ru con.

Trong thời gian bị giam cầm ở Phú Mỹ, vừa chịu đọa đày tôi đau lòng căm phẫn khi nghe đồng chí Nữ và nhiều đồng chí kể lại đời sống khủng khiếp của đồng chí, đồng bào bị giam cầm trong những chiếc xà lan neo đậu trên sông Sài Gòn, gần cầu Tân Thuận. Đó là chưa kể số rất đông cán bộ đảng viên quần chúng cốt cán bị đưa về nhốt chật các khám ở Sài Gòn để lấy khẩu cung.

Mỗi sáng nước lớn, địch cho các xà lan vô bến nước sâu Xóm Chiếu, lùa tù nhân lên bờ, phát cho mỗi người một miếng xà bông đen rồi xịt nước cho tắm. Nhiều đồng chí đau yếu không tắm kịp đến giờ cắt nước trên thân thể còn dính đầy xà bông gây ngứa ngáy, lở loét, da bong từng mảng, máu chảy dầm dề. Tù nhân bị đủ loại ghẻ ngứa, ghẻ phỏng, ghẻ hòm, ghẻ khuyết hành hạ đêm ngày. Nhiều người như anh Chín Tài là anh ruột chị Mười Hải, quê ở Cà Mau bị ghẻ khuyết mà chết tại bệnh viện Chợ Quán.

Kien cuong trong lao tu anh 1

Hồi ức Tiếng sóng bủa ghềnh của bà Ngô Thị Huệ. Ảnh: Đình Ba.

Tình cảnh nhận cơm ăn một lần mỗi ngày diễn ra khủng khiếp: Không hề có chén đũa, cơm được đựng trong cần xé còn đang nóng bốc hơi, được thả từ trên xe xuống đất, tù nhân vừa đói vừa lạnh, chen chúc bốc cơm nóng, tay chân lở loét để rơi vãi hết... phải xé áo túm cơm ăn, đến khi không còn mảnh áo che thân. Số anh em yếu đau không đủ sức chen vào, bị ngất xỉu.

Tù nhân phải đứng ra tổ chức phân phát có trật tự và ai cũng nhận được phần của mình. Giữa bữa ăn, lần lượt có hai người luân phiên nhau xuống từng xà lan làm vệ sinh quét hốt mày ghẻ đổ đến mấy xô mới hết. Các xà lan đã trở thành địa ngục nổi, trời nắng như đổ lửa, mưa dầm xối xả quất vào da thịt... ngày qua ngày, chết dần chết mòn.

Trong các khám, kẻ thù giở đủ mọi thủ đoạn độc ác càng thúc giục tù chính trị liên tục đấu tranh lôi kéo cả tù thường phạm cùng tham gia đòi mức sống tối thiểu. Tại Phú Mỹ tôi đã bị giam bốn tháng. Thời gian này chị em nổ ra cuộc đấu tranh đòi thực hiện các yêu sách: Đổi những tên cặp rằn làm chỉ điểm, cho người nhà thăm nuôi, cấp giấy viết thư, thức ăn phải nấu chín, được đổi khám vì ở đây quá nóng bức. Giữa lúc trại tù đang tuyệt thực được ba ngày, khoảng tháng 11/1941 tôi bị kêu ra tòa xử án.

Sau khi xem xét, xác minh, chúng được tin báo ở xã Mỹ Quới có cô gái tên Huệ, là người làm ăn bình thường, không dính líu gì đến cộng sản. Vì không tìm được chứng cớ kết tội, tôi được trả tự do [...] Tôi được đưa về tỉnh Rạch Giá, tỉnh đưa tôi về quận Phước Long, rồi từ Phước Long đưa tôi về làng Mỹ Quới. Ở đây không nhận, do biết tôi không phải là cô gái tên Huệ làm ăn bình thường, và họ giao trả tôi về quận Phước Long, quận Phước Long lại giải trả về tỉnh Rạch Giá. Tỉnh trưởng gọi tôi lên để tra vấn:

- Chị nói chị ở Mỹ Quới, sao tôi đưa về Mỹ Quới họ không nhận mà lại trả về đây?

Để tự bào chữa tôi thưa với tỉnh trưởng:

- Mấy ông ở làng xa mặt trời nên mặc tình ức hiếp dân lành. Mấy ổng thấy tôi thân gái yếu đuối, thế cô, đêm đến phá rầy, bị tôi phản đối, họ ghét đặt điều trả tôi về cho quận.

- À, ra là như vậy...

Tỉnh trưởng Rạch Giá cho người đưa tôi về địa phương, chịu sự quản thúc tại gia.

Ngô Thị Huệ / NXB Trẻ

SÁCH HAY