Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con đường đến với cách mạng của bà Ngô Thị Huệ

Ánh sáng cách mạng soi sáng tâm hồn cô gái trẻ Ngô Thị Huệ ở tuổi 15, khi người anh rể Bảy Xệ trao cho những tài liệu về Cách mạng Tháng Mười Nga.

Một hôm từ thánh thất về tôi thấy trong nhà có người anh rể, chồng chị Năm tên Trần Văn Bảy (tức Bảy Xệ) gặp mặt anh trong bụng đã thấy giận rồi, bởi nhiều lần bị anh chọc tức, trêu tôi hết đi chùa đi thánh thất, hết mặc đồ lam, màu già theo đạo Phật đến mặc đồ trắng của đức Thầy. Tôi tranh cãi quyết bảo vệ tâm tưởng của mình, nhưng thường là đuối lý trước những lời của anh. Tức quá chỉ còn biết khóc và đi méc chị Năm.

Có lần anh nói như đinh đóng cột: Điều mà dì thành khẩn cầu mong là má đỡ khổ, bà con làng xóm đỡ khổ, ở bên Nga cách mạng thắng lợi đã giải phóng dân tình trên một phần sáu quả địa cầu khỏi cảnh áp bức, được sống tự do, không còn nạn áp bức, bóc lột.

Lần đầu nghe nói đến “cách mạng”, “áp bức bóc lột” tôi chưa hiểu gì, tuy không hiểu nhưng tôi không cãi lại mà chỉ lắng nghe, nhìn anh với thái độ dò xét và muốn tìm hiểu những điều anh Năm giãi bày. Hôm đó trông thấy tôi, anh vui vẻ lên tiếng:

- Tôi có cái nầy muốn cho dì coi. Coi để biết, nếu có gì khó hiểu cứ hỏi tôi, đừng cho ai biết nghen!

- Cái gì mà kín đến vậy anh Năm?

- Thì coi đi, rồi sẽ biết mà!

Nói xong anh trao cho tôi một cuộn giấy để trong bìa một cuốn tập học trò, và còn gạn hỏi:

- Dì đọc chữ được chớ?

- Anh này lạ thật, chị Năm đọc được, tôi cũng đọc được chớ sao! Hồi nhỏ đã học chung với chị Năm bên ông ngoại kia mà.

- Vậy thì hay lắm. Nhưng dì nhớ đừng cho ai biết chuyện này nghen!

- Kể cả má à?

- Chớ sao! Bà già thấy đọc mấy cái này bả rầy chết. Thôi, tôi đi đón chị Năm đây! Sáng mai tôi sẽ trở lại, có gì không hiểu cứ hỏi tôi.

Nói rồi anh bỏ đi một mạch, tôi thấy là lạ [...] Tôi trở vào buồng, thay đồ rồi vội vàng mở cuộn giấy ra đọc. Trên giấy bìa có dòng chữ: “Về cuộc Cách mạng Tháng Mười ở nước Nga”. Tôi tò mò muốn biết nước Nga ở đâu? Có dính líu gì tới nước mình mà anh Năm lại bắt mình coi thứ này? Dầu chưa hết giận, nhưng ít nhiều cũng tin anh Năm là người kỹ lưỡng, có gì quan trọng ảnh mới đưa cho mình coi. Vậy là tôi bắt đầu đọc. Một số ý chính về sau được giải thích mới hiểu, và đến nay vẫn còn nhớ:

“Ở nước Nga có sự lãnh đạo của lãnh tụ Lenin, giai cấp công nhân nghèo khổ đã làm Cách mạng Tháng Mười, giành được chính quyền, xóa bỏ áp bức bóc lột của vua chúa quan lại, địa chủ, tư sản, lập nên một xã hội mới không có người bóc lột người. Nước Nga mới là Liên bang Xô viết (gọi tắt là Liên Xô) dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô, Đảng của Lenin, mở ra cho loài người con đường giành tự do, đem lại quyền lợi thiết thực “người cày có ruộng”... Sau cùng có câu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”.

Con duong den voi cach mang anh 1

Từ trái qua, bà Nguyễn Thị Bình, bà Mai Thị Lựu và bà Ngô Thị Huệ khi hoạt động tại Sài Gòn. Ảnh T.L.

Ở tuổi 15, đầu óc non nớt chưa hiểu gì về chính trị, nhưng cuốn tập cũng gợi sự tò mò háo hức muốn được biết về cái xã hội đó. Tôi đọc đi đọc lại mấy lần cuốn tập anh Năm đưa mà chẳng hiểu gì thêm. Suy đi nghĩ lại những tháng ngày mình thành kính đi lên núi cấm ngồi kiết già hằng đêm, đi đạo cao Đài cầu nguyện ơn trên... mà sao chưa thấy điều mình mong đợi. Nước Nga làm “cách mạng”, “cách mạng” là như thế nào mà người dân hết khổ?

Tôi không ngủ được, cứ nằm trằn trọc mong cho trời mau sáng, để chạy đi tìm anh Năm. Tôi liền nghĩ: Nếu có được một xã hội như ở Liên Xô chắc má và bà con nghèo sẽ đỡ khổ biết bao! Trong những điều thắc mắc tôi không hiểu câu “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Đảng cộng sản” là gì? Nước mình có Đảng cộng sản” rồi sao? Hôm sau tôi dậy thật sớm, sửa soạn xong xin má xuống nhà chị Năm, cách nhà má gần chục cây số [...] Xuồng tấp sát bờ kênh, tôi nhanh nhẹn bước xuống, và anh bơi đi.

Không chờ tôi nói gì, anh hỏi ngay:

- Dì đọc hết cái đó chưa?

- Đọc rồi, đọc đi đọc lại nhiều lần nữa.

- Dì thấy thế nào?

- Có nhiều điều chưa hiểu đâu, phải hỏi anh đã. Nước Nga là ở đâu anh Năm?

- Thì là ở nước Nga chớ ở đâu!

- Vậy nước mình có làm được như nước Nga không?

Có vẻ suy nghĩ một lúc, anh Năm nói một hơi:

- Dì còn nhỏ nên chưa biết. Nước Việt Nam mình đã có Đảng Cộng sản lâu rồi. Từ khi có nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, đã từng bôn ba ở hải ngoại để tìm đường cứu nước, nghe nói ông có đọc sách của Lenin. Gặp lúc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ông càng thấy con đường cứu nước cứu dân, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho nước nhà là đúng. Về ở Trung Quốc ông tập hợp các lực lượng yêu nước ở nước ta, lập ra Thanh niên cách mạng đồng chí hội, thống nhất ba đảng cộng sản ở ba kỳ hợp thành Đảng Cộng sản Đông Dương, vận động đồng bào làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Ngừng một chút anh nói tiếp:

- Tôi thấy dì rất thương má, tối ngày đi cầu trời khấn Phật cho má đỡ khổ, tôi thương quý dì lắm. Nhưng dì nghĩ coi, còn ách áp bức bóc lột của thực dân phong kiến thì làm sao mà giải khổ cho dân mình được. Thương má thì dì phải theo làm cách mạng. Cách mạng có chủ nghĩa, có đường lối, có Đảng lãnh đạo, nhất định sẽ thành công [...]

Anh Năm nói thao thao bất tuyệt, và tôi không ngờ sao mà anh biết nhiều điều như vậy. Tiếc sao anh không nói cho tôi nghe sớm hơn. Tôi hỏi anh:

- Nếu muốn tham gia phong trào thì phải làm sao?

- Dì suy nghĩ kỹ đi, nếu dì quyết tham gia thì tôi sẽ giới thiệu...

- Bộ anh cũng có chân trong phong trào à?

- Đâu phải chỉ mình tôi, mà bà con bên mình đã có nhiều người tham gia rồi. Sau này dì sẽ biết.

- Vậy anh giới thiệu tôi đi. Suy nghĩ một mình, không được dìu dắt thì tìm đâu ra hướng, phải không anh Năm?

- Nếu dì quyết tâm, tôi sẽ báo cáo với tổ chức. Dì suy nghĩ thêm đi, chờ tin của tôi. Nhớ đừng cho ai biết. Ngày mai tôi còn đem tiếp nhiều tài liệu khác cho dì đọc. Phải suy nghĩ cho chắc, đã quyết đi thì đi đến cùng đó nghen!

Trò chuyện đến đây, sau này mới biết hôm đó tôi được anh Năm “tuyên truyền Đảng”. Anh Năm ghé xuồng cho tôi lên bờ rồi quay mũi trở lại nhà. Nắng lên mỗi lúc một nóng ran, nóng ngoài trời, nóng trong lòng tôi, càng thấy nóng được hiểu biết về “Đảng” về “cách mạng”, khiến tôi đứng tần ngần nhìn theo, đôi tay anh ấn mạnh mái dầm xuống nước, bóng anh tỏa một vùng rộng trên mặt kênh. Tôi thấy dường như anh Năm lớn hơn ngày thường và thân thiết hơn...

Ngô Thị Huệ / NXB Trẻ

SÁCH HAY