Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà cách mạng Bảy Huệ trong thời gian hoạt động ở Bạc Liêu

Thoát khỏi lao tù của kẻ thù, Bảy Huệ trở lại tham gia hoạt động cách mạng. Những ngày tháng 8 lịch sử, nhà cách mạng ấy tham gia công tác giành chính quyền tại Bạc Liêu.

Tôi được bổ sung vô tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu, chuyên trách công tác đoàn thể. Công việc đang rất bận rộn. Tỉnh ủy chỉ đạo ráo riết xây dựng đội ngũ cốt cán, lực lượng chính trị, quân sự, trang bị vũ khí, tích trữ lương thực... chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền [...]

Được làm công tác phụ nữ, tôi thấy mình như cá về với nước. Đêm nào tôi cũng được phân công đến các rạp hát nói chuyện tình hình trong nước, mặt trận Việt Minh, khu giải phóng mấy tỉnh ở Việt Bắc; tố cáo tội ác của giặc Nhật gây nên nạn chết đói hàng triệu đồng bào ngoài Bắc. Về tình hình thế giới tôi đặc biệt nhấn mạnh thời cơ phát xít Đức đã đầu hàng hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh, rồi sẽ đến lượt Nhật bại vong. Mỗi khi kết thúc buổi nói chuyện, tôi đọc một đoạn trong bài thơ “Giải phóng phụ nữ” hoặc mấy câu kết trong “Bài ca cách mạng Tháng Mười” của đồng chí Nguyễn Văn Năng. [...]

Bà con dự mít tinh vỗ tay reo mừng khiến tôi càng phấn chấn và nhận thức sâu sắc hơn chủ trương của Đảng chuẩn bị giành chính quyền là rất hợp với lòng dân. Đồng bào các giới, đảng phái, tôn giáo bày tỏ lòng yêu nước bằng những việc làm thiết thực, hết lòng ủng hộ Việt Minh; nhiều binh lính, cả cai, đội còn đang tại ngũ được giác ngộ hăng hái đến xin gia nhập “binh lính cứu quốc”.

Ngoài các buổi nói chuyện ban đêm tại các rạp hát, ban ngày tôi vào các chợ vận động chị em tiểu thương, đi về thôn xóm tổ chức, củng cố chi hội phụ nữ. Đầu tiên tôi vào các chợ tại tỉnh lỵ, số chị em được nghe tôi nói chuyện tại các cuộc mít tinh rất mừng rỡ giới thiệu tôi với chị em khác. Mỗi chợ được tổ chức một tổ, và các tổ hợp lại thành chi hội phụ nữ tiểu thương do chị Năm em gái anh Tào Tỵ phụ trách.

Ở khắp các làng, xóm lần lượt thành lập chi hội Phụ nữ cứu quốc như chi hội xóm Bún do chị Hiếu Hồng và cô giáo Mùi phụ trách; chi hội xóm Làng do chị Đường Trung Hiếu lãnh đạo; chi hội Vĩnh Châu do chị Ba Son đảm nhiệm; chi hội Vĩnh Mỹ có đội võ thuật, chị em thường biểu diễn màn đánh kiếm trước khi nghe nói chuyện hoặc trước cuộc mít tinh.

Không khí tiền khởi nghĩa sục sôi từ tỉnh lỵ đến khắp các quận, các làng trong tỉnh.

Vào đầu tháng 8/1945, anh em cánh quân sự đã hoàn tất công việc chuẩn bị vũ khí như giáo mác, lựu đạn, mã tấu, mìn, tầm vông vạt nhọn... Thanh niên ra sức luyện võ, tập quân sự rầm rầm rộ rộ, chị em phụ nữ khẩn trương ngày đêm may cờ, băng rôn...

Đến ngày 15/8/1945 tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh được loan truyền, dân chúng tại tỉnh lỵ đổ ra đường như ong vỡ tổ, hò reo vang dậy. Thanh niên, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên phụ nữ Tiền phong lũ lượt kéo qua các đường phố, vừa đi vừa hát vang bài Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Bạch Đằng giang... các cháu thiếu nhi cũng cất cao tiếng ca hùng tráng, theo sát gót các cô chú. Công chức, nhân viên các công sở túa ra chen vào các đoàn diễu hành, bà con hai bên đường phố cũng ùa ra nhập cuộc, đoàn người kéo dài vô tận.

Tỉnh ủy lâm thời cử đại biểu công khai gặp đại diện chính quyền tỉnh đòi giao nộp vũ khí, không được chống phá cách mạng.

Liên tiếp, các ngày 20/8-22/8, quần chúng rầm rập kéo biểu tình trên đường phố, trương cao cờ đỏ sao vàng và hô vang khẩu hiệu “Đả đảo quân Pháp, Nhật cướp nước”, “Việt Minh muôn năm”, “Độc lập muôn năm!”.

Bay Hue du phan thay doi van menh dan toc tai Bac Lieu anh 1

Ngô Thị Huệ năm 1946. Ảnh: T.L.

Được tin Hà Nội, Huế đã giành chính quyền, tuy chưa có tin Sài Gòn khởi nghĩa, Tỉnh ủy nắm bắt thời cơ chủ động ra quyết định lấy ngày 23/8 làm ngày khởi nghĩa trong khắp tỉnh. Một đoàn đại diện của Việt Minh gồm các đồng chí: Tào Văn Tỵ, Nguyễn Khắc Cung, tú tài Nguyễn Văn Năm và ông Trương Minh Cảnh có lực lượng bảo vệ, vào gặp Tỉnh trưởng Trương Công Thiện yêu cầu giao chính quyền cho Việt Minh. Chung quanh ông, trên lầu cũng như ở tầng dưới, quần chúng biểu tình đứng chật cả vòng trong vòng ngoài, và từ dưới đường, liên tục vọng lên tiếng hô khẩu hiệu đòi chính quyền về tay Việt Minh. [...]

Lễ giao nhận chính quyền diễn ra tốt đẹp ở tỉnh lỵ và tiếp theo ở cấp quận và thôn làng khắp tỉnh. Trong những ngày này không khí hồ hởi, phấn chấn được thể hiện trong ánh mắt, nụ cười, các bạn thanh niên chào nhau bằng từ “chiến thắng”.

Ngày 23/8, tại sân vận động tỉnh lỵ diễn ra cuộc mít tinh chào mừng Ủy ban dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Từ sáng sớm đồng bào khắp nội thành cùng đông đảo các đoàn thể từ các quận, làng ngoại thành như Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi, Vĩnh Hưng, Giá Rai... cho đến đảo Hòn Khoai ở biển khơi sáng chói tên tuổi liệt sĩ Phan Ngọc Hiển cũng hăm hở kéo về trung tâm thị xã.

Đoàn dẫn đầu mang cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, rồi tiếp theo là các đoàn thể cứu quốc, Tiền phong, có cả lực lượng nghĩa binh dưới sự hướng dẫn của chi bộ Đảng đặc biệt trong đội ngũ binh lính, mang băng, cờ, biểu ngữ và trang bị bằng vũ khí thu được, bằng tầm vông vạt nhọn, các loại giáo mác tự tạo. Các đoàn vừa đi vừa hát vang những bài ca đã trở thành quen thuộc: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng”... Các ông lão bà lão bất chấp tuổi cao sức yếu, liên tục vỗ tay rập ràng theo nhịp bài hát, chưa bao giờ tỉnh lỵ Bạc Liêu có không khí rộn ràng, sôi nổi đến mức như vậy.

Cả đất trời như cũng đồng lòng với con người, từng luồng gió mát liên tiếp nổi lên làm tung bay những lá cờ có hình búa liềm, cờ đỏ sao vàng từng thấm máu của bao thế hệ người dân xứ Bạc Liêu và cả nước từ ngày giặc Pháp giẫm gót giày xâm lược lên vùng đất này và gần nhất là Khởi nghĩa Nam Kỳ, để có được ngày độc lập tự do rạng rỡ hôm nay.

8h30 sáng, ánh nắng bừng lên làm tăng thêm sắc đỏ thắm của màu cờ cách mạng. Trên khán đài tiếng loa vang vang nhắc nhở đồng bào đứng vào vị trí đã định. Ban tổ chức giới thiệu đồng chí Lê Khắc Xương, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh lên nói chuyện mở màn cuộc mít tinh. Tự tin, đầy phấn khởi, đồng chí dõng dạc nói:

“Thưa toàn thể đồng bào! Từ nay chúng ta bắt đầu một trang sử mới, không những riêng Bạc Liêu ta mà đồng bào cả nước đều được hưởng độc lập tự do. Thực dân Pháp xâm lược, phát xít Nhật cấu kết với bọn phong kiến địa chủ không còn đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta nữa...”.

Cả sân vận động bừng vang lên tiếng hô: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Minh muôn năm!” và cứ như thế bài nói chuyện của đồng chí Chín Xương bị gián đoạn nhiều lần bởi tiếng hô khẩu hiệu, mũ nón được tung lên trên rừng cờ, biểu ngữ...

Ngô Thị Huệ / NXB Trẻ

SÁCH HAY