Tính tới hết V.League 2020, 23 HLV ngoại đã đến sau 10 mùa giải V.League. 16 trong số đó không thể trụ quá 12 tháng. Ngay cả những người từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, có am hiểu nhất định về sự phức tạp của làng bóng nội, cũng sớm nói lời tạm biệt với CLB mình dẫn dắt. Trường hợp gần nhất là Toshiya Miura với CLB TP.HCM, xa hơn là HLV Edson Tavares hay cố HLV Alfred Riedl.
Đến V.League 2021, ba ông thầy ngoại khác lần lượt cập bến V.League là Ljupko Petrovic, Alexandre Polking và Kiatisuk Senamuang. Hai trong số đó không tới Việt Nam lần đầu. Người còn lại từng làm việc ở Thái Lan, nền bóng đá kỳ phùng địch thủ và ở đẳng cấp cao hơn Việt Nam. Cả ba vị HLV đều nhận những kỳ vọng nhất định khi mùa giải mới khởi tranh.
HLV Kiatisuk chưa thể giúp HAGL chơi khởi sắc hơn và chấp nhận thất bại ở trận đấu chính thức đầu tiên khi ông trở lại Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh. |
Những thất bại dễ giải thích
HAGL của Kiatisuk thất bại trước CLB Sài Gòn, CLB TP.HCM thua trận tại Hòa Xuân còn Thanh Hóa bị Bình Dương đánh bại trên sân Gò Đậu. Cả ba trận đấu cùng có kết quả 1-0 nghiêng về đội chủ nhà. Cả ba đội khách đều có HLV ngoại trên băng ghế chỉ đạo.
Đá sân khách là một bất lợi, và sẽ càng thêm khó khăn bởi ở trận đấu đầu tiên của mùa giải, cầu thủ chưa có phong độ và cảm giác tốt nhất.
Trong ba ông thầy ngoại, thuyền trưởng CLB TP.HCM Alexandre Polking ít kinh nghiệm với bóng đá Việt Nam nhất, bù lại, ông có nhiều thời gian hơn cả. HLV Ljupko Petrovic từng đưa Thanh Hóa cán đích thứ nhì V.League 2017 còn HLV Kiatisuk thì không xa lạ gì với người hâm mộ.
Dù vậy, vấn đề của cả ba người là thời gian. Mỗi đội bóng chỉ có chưa đầy 2 tháng chuẩn bị giữa 2 mùa giải V.League. Cộng thêm khoảng thời gian cách ly, những HLV ngoại này chỉ có vài tuần chuẩn bị cho mùa giải V.League.
Ngày 25/12, HLV Polking bắt đầu làm việc ở CLB TP.HCM. Một ngày sau, Thanh Hóa đón "người cũ" Petrovic bằng lễ ra mắt và ký hợp đồng. Gần một tuần sau, HLV Kiatisuk mới có những cuộc gặp đầu tiên với Công Phượng, Tuấn Anh, trước khi dự khán giải giao hữu tại Bình Dương rồi mới bắt tay vào tập luyện.
Cả ba HLV có quỹ thời gian chưa đến 1 tháng để làm tất cả mọi việc cho đội bóng mới. Những xáo trộn nhất định về nhân sự trong thời gian này cản trở việc truyền đạt triết lý, tư tưởng của họ với cầu thủ.
HLV Polking còn nhiều việc phải làm với CLB TP.HCM để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Ảnh: Nguyên Khang. |
Thách thức chờ ba ông thầy ngoại
V.League được ví như "cối xay" HLV ngoại. Không ít những lùm xùm sau mỗi lần ra đi của những HLV trước cho thấy bóng đá Việt Nam không phải môi trường dễ thở với bất cứ nhà cầm quân nào.
Cả ba HLV nói trên đều có cá tính mạnh và ít nhiều đã chứng minh năng lực. Đó là điểm mạnh nhưng cũng là hạn chế của họ khi làm việc tại Việt Nam. Họ cần năng lực chuyên môn, nhưng cũng cần sự tinh tế và khéo léo trong ứng xử.
Về lý thuyết, cả ba HLV cùng làm việc cho đội bóng của mình với thời hạn kéo dài 2 năm. Họ cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể với chung một đích đến là ngôi vô địch. Vấn đề là sự kiên nhân của các ông bầu bóng đá. Họ chưa chắc có đủ 2 năm như thời hạn trong bản hợp đồng.
Không thiếu những HLV ngoại khi đến thì rình rang nhưng ra đi lại trong bẽ bàng trước đây. HLV Fabio Lopez ở Thanh Hóa hay HLV Chung Hae-seong ở CLB TP.HCM, những người tiền nhiệm của HLV Petrovic và Polking, đều có những ngày tháng không mấy hạnh phúc trước khi rời Việt Nam.
Về chuyên môn, mỗi đội bóng đang có những vấn đề thâm căn.
HAGL chưa bao giờ là đội bóng giỏi phòng ngự. Dù sỡ hữu nhiều tuyển thủ, họ chưa bao giờ chơi ổn định từ V.League 2015 trở lại đây. Với màn trình diễn trong những năm qua của đội bóng phố núi, nhiều người gọi họ là "Đội bóng đá cho vui", phỏng theo một phát biểu mang nhiều tính ngẫu hứng của bầu Đức.
CLB Thanh Hóa từ sau tấm HCB mùa 2017 liên tục chìm trong khủng hoảng. Thành tích bết bát là một chuyện, họ đang là đội bóng "chịu khó" thay HLV nhất V.League. Từ khi HLV Petrovic ra đi cho đến khi ông quay lại, CLB Thanh Hóa đã thay 6 HLV, trong đó có 2 thuyền trưởng ngoại. Trung bình nửa mùa, họ lại thay tướng một lần, kéo theo đủ vấn đề về chiến thuật, con người...
CLB TP.HCM nổi lên như một gã nhà giàu với những bản hợp đồng "bom tấn" rồi biến thành "bom xịt". Để phục vụ kế hoạch của HLV Polking, cặp tiền đạo người Brazil cùng với bản hợp đồng được kỳ vọng Lee Nguyễn đã xuất hiện. Nhưng từng đó liệu đã đủ để đội bóng này hiện thực hóa tham vọng vô địch bằng lối chơi phối hợp ngắn, chú trọng tấn công hay chưa vẫn còn là dấu hỏi bởi bộ khung nhân sự trong tay HLV Polking vẫn chưa ổn định.
V.League mới bước qua vòng đấu đầu tiên. Nhưng ba thất bại đồng loạt của những ông thầy ngoại hứa hẹn một mùa giải không dễ dàng cho họ ở phía trước.