Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khủng hoảng hành tây từ Đông sang Tây

Giá rau củ tăng cao tại chợ đã ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng của người dân và buộc các chính phủ từ Morocco đến Philippines phải đưa ra chính sách bảo vệ nguồn cung.

khan hiem hanh tay anh 1

Lalaine Basa thường mua một kg hành tây để làm chả giò tại quán ăn của mình ở phía bắc Manila. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá hành tây tăng cao tại Philippines, cô đã thay đổi công thức để chỉ phải sử dụng một nửa số lượng trên.

Tại thủ đô Rabat của Morocco, Fatima không còn mua hành tây và cà chua vì chúng quá đắt. Thay vào đó, bà sử dụng atisô để nấu tagine - món hầm truyền thống.

"Thị trường đang cháy hàng", bà mẹ 3 con chia sẻ.

Trải nghiệm của hai người phụ nữ cách nhau hơn 12.000 km cho thấy cách cuộc khủng hoảng về nguồn cung thực phẩm đang dẫn đến một bước ngoặt đáng báo động. Đó là nguy cơ nhiều người trên thế giới không thể tiếp cận những thành phần quan trọng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Giá lúa mì và ngũ cốc đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây, giúp làm giảm bớt lo ngại về khả năng tiêu thụ một số mặt hàng chủ lực. Nhưng sự kết hợp của nhiều yếu tố hiện làm rung chuyển thị trường rau quả - xương sống của chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững, theo Bloomberg.

khan hiem hanh tay anh 2

Một người đàn ông ngồi nghỉ bên những bao hành tây tại một khu chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.

Cuộc khủng hoảng hành tây

Giá cả đang tăng vọt, thúc đẩy lạm phát và khiến các quốc gia phải hành động để đảm bảo nguồn cung. Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng một số hoạt động xuất khẩu.

Trong khi đó, Philippines đưa ra các biện pháp bảo vệ nguồn cung. Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp Ferdinand Marcos Jr gọi giá lương thực tăng cao là "tình huống khẩn cấp". Đầu năm nay, ông đã phê duyệt nhập khẩu hành tây đỏ và vàng nhằm tăng nguồn cung.

Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới trong tháng 2 cảnh báo không chỉ hành tây mà các mặt hàng khác bao gồm cà rốt, cà chua, khoai tây và táo cũng đang dần trở nên khan hiếm.

Tại châu Âu, các kệ hàng trống rỗng đã buộc siêu thị ở Anh phải chia định mức, khẩu phần mua hàng đối với một số loại trái cây và rau củ.

“Chỉ có đủ calo thôi là chưa đủ", Cindy Holleman, nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, cho biết. "Chất lượng chế độ ăn uống là mối liên kết quan trọng giữa an ninh lương thực và dinh dưỡng. Chất lượng chế độ ăn uống kém có thể dẫn đến các dạng suy dinh dưỡng khác nhau".

Hành tây là nguyên liệu chính của nhiều món ăn trên khắp thế giới, là loại rau củ được tiêu thụ nhiều nhất sau cà chua. Khoảng 106 triệu tấn hành tây được thu hoạch hàng năm - gần bằng cà rốt, củ cải, ớt, tiêu và tỏi cộng lại.

Chúng được sử dụng trong mọi thứ, từ hương liệu cơ bản của món cà ri và súp cho đến lớp phủ chiên trên xúc xích ở Mỹ.

Giá cả tăng vọt là “hậu quả dây chuyền” của lũ lụt thảm khốc ở Pakistan, kho dự trữ hư hại ở Trung Á do sương giá và cuộc xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, ở Bắc Phi, nông dân phải vật lộn với hạn hán nghiêm trọng và sự gia tăng chi phí hạt giống cùng phân bón.

Thời tiết xấu cũng ảnh hưởng nặng nề đến những người trồng trọt ở Morocco. Tại khu chợ ở quận Ocean, trung tâm Rabat, Fatima cho biết giá rau vẫn "cao ngất ngưởng" ngay cả khi chính phủ ban hành lệnh cấm vận chuyển hành tây và cà chua đến Tây Phi trong tháng này.

khan hiem hanh tay anh 3

Người dân mua hành tây bày bán tại một quầy hàng trong chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.

Nắm chặt một túi atisô, viên chức nhà nước đã nghỉ hưu 51 tuổi cho biết thu nhập của bà không còn đủ cho đến cuối tháng. Tình trạng siết chặt tài chính đó sẽ còn khó khăn hơn trong tháng Ramadan - khi người Hồi giáo, theo truyền thống, ăn chay hàng ngày với một bữa ăn thịnh soạn trước khi tổ chức lễ Eid.

“Chúng tôi đang ăn nhiều đậu lăng, đậu trắng và đậu tằm. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ chuyển sang dùng gạo”, Fatima nói.

Người bán rau Brahim đã hoạt động ở chợ Ocean hơn 30 năm. Ông chia sẻ việc kinh doanh bị chậm lại.

“Tôi cúi đầu mỗi khi thấy những người từng mua tại quầy hàng suốt 10, 15, 23 năm hỏi tôi với giọng khàn khàn giá một quả cà chua, một củ hành tây, một củ khoai tây. Mọi người đều đang tới giới hạn”, Brahim (56 tuổi), nói.

"Quả bom dinh dưỡng" nổ chậm

Ở Philippines, tình trạng khan hiếm hành tây làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ muối đến đường, trong vài tháng qua. Giá cả trở nên cao một cách vô lý đến mức trong một thời gian ngắn hành tây còn đắt hơn cả thịt.

CNN đưa tin vào đầu tháng 1, có thời điểm giá của nó đắt gấp gần 3 lần giá thịt gà ở quốc gia Đông Nam Á này. Một số tiếp viên hàng không thậm chí bị bắt quả tang buôn lậu hành ra khỏi Trung Đông.

Chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã đẩy mạnh nhập khẩu nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát cao nhất trong 14 năm qua.

Bà Basa (58 tuổi), kinh doanh gần 3 thập kỷ ở tỉnh Bulacan, chuyên cung cấp dịch vụ tổ chức sinh nhật và đám cưới, chia sẻ: “Tôi chỉ sử dụng những mẩu hành tây nhỏ nhất. Tôi phải điều chỉnh vì không muốn tăng giá quá cao rồi mất khách”.

Tại Kazakhstan, giá hành tây tăng vọt đã khiến nhà chức trách phải mở kho dự trữ chiến lược, trong khi bộ trưởng Thương mại nước này kêu gọi người dân không mua hành tây theo bao tải để dự trữ. Động thái diễn ra trong bối cảnh người dân hoảng loạn tìm nguồn cung tại các siêu thị địa phương.

khan hiem hanh tay anh 4

Một người bán hành tây tại chợ quốc tế Mile 12 ở Lagos, Nigeria. Ảnh: Reuters.

Lệnh cấm xuất khẩu cũng được đưa ra trong những tuần gần đây bởi Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan - những nước tiêu thụ hành tây theo bình quân đầu người đứng đầu thế giới.

Trong lúc chi phí mua rau và trái cây giàu chất dinh dưỡng tăng vọt, nhiều người phải vật lộn với mức thu nhập không theo kịp lạm phát. Tình trạng này khiến chế độ ăn uống lành mạnh ngày càng xa vời.

Theo số liệu gần đây của Liên Hợp Quốc, hơn 3 tỷ người không đủ khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tim Benton, giám đốc nghiên cứu về các rủi ro mới nổi tại Chatham House ở London, cho biết điều này sẽ nổi lên trong chương trình nghị sự chính trị trên toàn cầu. Dinh dưỡng sẽ là một vấn đề nổi bật được nhiều chính phủ quan tâm hơn.

Ông cho biết “quả bom hẹn giờ dinh dưỡng” đang nổ chậm.

Hiện tại, trong khi nhiều chính phủ vui vẻ trợ cấp nhập khẩu lúa mì hoặc bột mì để đảm bảo sự hài lòng của người dân, sự hỗ trợ cho những người trồng rau củ lại rất hạn chế.

Kết quả là thế giới sản xuất quá nhiều ngũ cốc, đường và dầu thực vật so với nhu cầu dinh dưỡng, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 lượng trái cây cùng rau củ cần thiết, Benton nói.

Giống như bánh mì, hành tây cũng cho thấy khả năng gây ra tình trạng bất ổn dân sự. Tại Ấn Độ, giá cao được cho là nguyên nhân khiến Đảng Bharatiya Janata (BJP) thua cuộc bỏ phiếu ở New Delhi năm 1998.

Hai thập kỷ sau, trong chiến dịch tái tranh cử của mình, Thủ tướng Narendra Modi cho biết nông dân là ưu tiên hàng đầu của ông. Điều đó đồng nghĩa với cà chua, hành tây và khoai tây.

“Xét trên khía cạnh chức năng đối với an ninh lương thực toàn cầu và nạn đói, các loại ngũ cốc chính thực sự quan trọng”, Benton nói.

"Không chỉ vậy, đối với nhiều quốc gia, vai trò của chúng còn rất lớn khi nói đến việc đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho người dân. Theo một nghĩa nào đó, đây là phần nổi của tảng băng chìm", ông cho hay.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Ở nơi giá hành tây đang được so với vàng

Dù đã giảm so với mức đỉnh hồi tháng 12/2022, giá hành tây tại Philippines vẫn ở mức cao, phần nào thúc đẩy lạm phát lương thực tại quốc gia này.

Dân châu Âu đăng ảnh chế giễu những kệ hàng trống trơn ở Anh

Trên mạng xã hội, người dân châu Âu đang chia sẻ hình ảnh khắc họa tình cảnh trái ngược giữa các siêu thị tại Anh và những quốc gia khác trong khu vực, Independent đưa tin.

Minh An

Bạn có thể quan tâm