Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khu vực đang vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua tiêm chủng

Nỗ lực tiêm chủng nhanh chóng giúp Nam Mỹ - khu vực từng đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng - thu được những thành quả đáng khích lệ trong cuộc chiến chống dịch.

Trong phần lớn năm 2020 và đầu năm 2021, Nam Mỹ là nơi chịu tác động nặng nề của Covid-19. Hình ảnh những bình oxy cạn kiệt ở Peru, nhân viên mai táng làm việc ngày đêm tại Sao Paulo (Brazil) và số thi thể phải trữ trong thùng container ở Guayaquil (Ecuador) đã thể hiện phần nào những khó khăn đó.

Tuy nhiên, bất chấp chất lượng dịch vụ y tế cũng như mức thu nhập thấp hơn Mỹ và các quốc gia châu Âu, Mỹ Latin đang nổi lên với tốc độ tiêm chủng nhanh và dẫn đầu trong những tháng gần đây.

Theo Our World in Data, Nam Mỹ là khu vực có mức độ tiêm ngừa Covid-19 rộng rãi nhất với 63,3% người dân được tiêm đầy đủ. Châu Âu đứng thứ hai với 60,7%, trong khi thống kê của châu Phi là 8,8%.

Giải thích cho điều này, các chuyên gia chỉ ra động lực chủ yếu đến từ hệ thống y tế hình thành sau hàng thập niên triển khai hoạt động tiêm phòng, kết hợp với nỗ lực tạo niềm tin cho người dân thông qua nhiều biện pháp đa dạng, theo Reuters.

Chính nỗ lực tăng cường tiêm chủng đã tạo ra bước chuyển quan trọng cho Brazil trong cuộc chiến chống dịch, Financial Times nhận định.

Hiện tại, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong tại Mỹ Latin và khu vực Caribbean đã giảm mạnh so với mốc gần nửa số ca Covid-19 toàn cầu ghi nhận hồi giữa năm. Điều này tạo ra khác biệt lớn so với làn sóng lây lan đang trở lại châu Âu cùng sự phát triển của biến chủng Omicron.

Covid-19 o Nam My anh 1

Nền tảng đạt được từ chiến dịch tiêm chủng trước đây kết hợp với niềm tin của người dân đã thúc đẩy hoạt động triển khai vaccine Covid-19 tại Mỹ Latin. Ảnh: Reuters.

Những chiến dịch tiêm chủng thành công trước đây

Ông Paulo Lotufo, nhà dịch tễ học tại Đại học Sao Paulo, nói chính việc tiêm chủng thành công bệnh đậu mùa, viêm màng não, bại liệt và sởi trong nửa thế kỷ qua khiến rất ít người Brazil phản đối vaccine Covid-19.

Ở một số thành phố lớn như Rio de Janeiro và Sao Paulo, nhà chức trách cho biết hơn 99% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Thậm chí, một bộ phận người dân Brazil còn đề cập đến "văn hóa vaccine" của nước này một cách đầy tự hào.

Thực tế nói trên cũng xuất hiện ở các quốc gia khác trong khu vực. Tại những nơi này, hoạt động tiêm chủng giúp ngăn chặn nhiều chứng bệnh truyền nhiễm cũng từng được chính phủ triển khai trong những thập niên trước.

Bà Leda Guzzi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Buenos Aires (Argentina), cho biết: “Niềm tin này được xây dựng trong nhiều năm qua. Chúng hình thành dựa trên lợi ích mang lại từ hoạt động tiêm chủng rộng rãi của chúng tôi".

Nền tảng nói trên đã thay đổi phần nào cuộc chiến chống dịch trong khu vực. Trước đây, ngành y tế Brazil từng ghi nhận số người thiệt mạng vì Covid-19 cao thứ hai trên thế giới, trong khi tỷ lệ tử vong trung bình do dịch bệnh tại Argentina và Peru cũng thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu.

Ông Albert Ko, chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Yale, nói nỗ lực lan tỏa những thông điệp về sức khỏe cộng đồng hiệu quả cũng là chìa khóa quan trọng trong thành tựu về tiêm chủng.

Ở Brazil, "Zé Gotinha" - linh vật với hình dáng giọt vaccine - được sử dụng rộng rãi để quảng bá hoạt động tiêm chủng của ngành y tế. Trước đó, MC Fioti - một nghệ sĩ nổi tiếng - cũng phối hợp cùng viện y sinh Butantan ở Sao Paulo phát hành tác phẩm kêu gọi người dân tiêm chủng Covid-19.

Covid-19 o Nam My anh 2

Các vận động viên đoàn Olympic Brazil đứng cùng linh vật "Zé Gotinha" trong buổi tiêm chủng hôm 14/5. Ảnh: Reuters.

Mối nguy trước mắt

Dù vậy, thành tựu tiêm chủng của Nam Mỹ vẫn chưa thể đảm bảo an toàn cho khu vực trước tác động của Covid-19, nhất là khi biến chủng Omicron lan rộng trên toàn cầu.

Theo các nhà khoa học, với 63,3% dân số được tiêm chủng, các quốc gia Mỹ Latin vẫn ở dưới ngưỡng miễn dịch an toàn. Ở châu Âu, biến chủng Omicron vẫn hoành hành tại nhiều quốc gia, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng gần như tương tự.

Tỷ lệ tiêm cho trẻ em cũng có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia Mỹ Latin. Hiện tại, nhà chức trách ở Mexico và Brazil vẫn chưa đẩy nhanh việc phê duyệt các mũi tiêm cho đối tượng này.

Đầu tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn cho biết người được tiêm vaccine Sinovac (cùng các loại vaccine theo cơ chế "bất hoạt" khác) cần được tiêm liều bổ sung. Việc này đặt ra yêu cầu hành động sớm cho các quốc gia như Chile, Uruguay và Brazil. Trong giai đoạn đầu triển khai tiêm chủng, những nước này phụ thuộc lớn vào nguồn vaccine nhận được từ Trung Quốc.

Covid-19 o Nam My anh 3

Sự lan rộng của biến chủng Omicron vẫn là mối lo chủ yếu của các quốc gia Nam Mỹ. Ảnh: Reuters.

Các nhà dịch tễ học cũng cho rằng biến chủng Omicron có thể khó lường hơn trong việc "né tránh" miễn dịch có được sau khi nhiễm Covid-19. Đây có thể là một bất lợi đối với Nam Mỹ - nơi từng bị virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh mẽ trong giai đoạn trước.

“Ở một số cộng đồng dễ tổn thương trước Covid-19 của Brazil, nhiều người đã bị nhiễm bệnh", ông Albert Ko nói. "Và chúng tôi nhận thấy loại virus này lây lan cả với những người từng bị nhiễm trước đó", ông nhấn mạnh.

Cú lội ngược dòng của Mỹ Latin trong đại dịch

Mỹ Latin chiếm 1/3 số ca tử vong do Covid-19 của thế giới, nhưng con số này đã giảm mạnh khi vaccine được triển khai. Rất ít người dân hoài nghi hay chần chừ về việc tiêm chủng.

Cuba phê duyệt khẩn cấp vaccine Abdala

Giới chức Cuba ngày 9/7 đã phê duyệt khẩn cấp vaccine Abdala. Đây là chế phẩm ngừa Covid-19 đầu tiên ở khu vực Mỹ Latin được cấp phép sử dụng, theo AFP.


Phạm Ân

Bạn có thể quan tâm