Trong 2 năm qua, các nhà sản xuất liên tục cải tiến camera trên smartphone nhằm tăng chất lượng ảnh và thu hút người dùng, một trong những xu hướng nổi bật là tăng độ phân giải (số MP).
"Phát súng" đầu tiên thuộc về Huawei với mẫu P20 Pro có camera chính lên đến 40 MP. Sau đó là Xiaomi, Honor với những sản phẩm có camera 48 MP.
Chưa dừng lại, các hãng còn giới thiệu camera có độ phân giải cao hơn như 64 MP hay 96 MP. Đặc biệt, mẫu Galaxy S20 Ultra ra mắt đầu năm nay trang bị camera có độ phân giải lên đến 108 MP.
Kích thước cảm biến là thông số bạn cần quan tâm nếu muốn mua smartphone để chụp ảnh. Ảnh: DPReview. |
Dù các hãng liên tục quảng cáo về số MP, chúng không đóng góp nhiều vào chất lượng ảnh. Trên thực tế, kích thước cảm biến mới là một trong những thông số quyết định chất lượng ảnh chụp.
Các nhà sản xuất smartphone như Huawei hay nhiều hãng làm cảm biến như Sony, Samsung cũng dần làm nổi bật thông số về kích thước cảm biến camera. Vậy tại sao đây mới là con số quan trọng mà người dùng cần quan tâm khi chọn smartphone chụp ảnh đẹp?
Trước hết, kích thước cảm biến ảnh quyết định lượng ánh sáng mà camera có thể thu nhận, từ đó đưa ra thông tin về độ phơi sáng, dải tương phản, kể cả độ chi tiết. Đó là lý do máy ảnh DSLR độ phân giải 16 MP, 20 MP cho ảnh chụp tốt hơn smartphone 108 MP.
Đa số cảm biến camera trên smartphone có kích thước 1/2,55 inch (1 cm), một số dòng lớn hơn là 1/1,7 inch (1,49 cm). Để so sánh, cảm biến trên máy ảnh DSLR thường có kích thước 1 inch (2,5 cm) trở lên, lớn hơn nhiều so với cảm biến trên smartphone.
Cảm biến càng lớn đồng nghĩa camera sẽ thu về nhiều ánh sáng hơn. Dù bạn có thể bù trừ bằng cách điều chỉnh tốc độ phơi sáng, nó đòi hỏi giữ máy thật chắc nếu không muốn ảnh bị mờ.
So sánh ảnh chụp từ camera điện thoại với máy ảnh, tất cả là ảnh RAW, chụp trong điều kiện thiếu sáng với tốc độ màn trập 1/20 giây, ISO 800. Ảnh: Android Authority. |
Tóm lại, cảm biến là bộ phận cuối cùng xác định bao nhiêu ánh sáng sẽ được thu vào để tạo ra hình ảnh. Cảm biến ảnh gồm hàng triệu điểm nhạy sáng gọi là photosite, được sắp xếp theo cách khác nhau tùy từng cảm biến. Đối với cảm biến thông thường trên smartphone, mỗi điểm ảnh (pixel) là một photosite.
Kích thước mỗi photosite tùy vào độ phân giải và kích thước cảm biến. Tuy nhiên, cùng một kích thước cảm biến nhưng độ phân giải càng cao thì kích thước photosite càng nhỏ. Ngược lại, giữ nguyên độ phân giải nhưng photosite càng lớn thì kích thước cảm biến càng lớn.
Cần lưu ý là các photosite được sắp xếp trong một cảm biến rất nhỏ. Việc đặt gần nhau khiến ánh sáng từ một điểm ảnh đôi khi lọt sang điểm ảnh liền kề. Đó là lý do ảnh cho ra bị nhiễu khi chụp trong điều kiện thiếu sáng. Cảm biến nhỏ, photosite nhỏ thì ảnh càng nhiễu và ngược lại.
Ngoài chất lượng ảnh thiếu sáng, cảm biến lớn cũng giúp hiệu ứng xóa phông chân thực hơn. Nó sẽ sử dụng khẩu độ, ống kính rộng để tạo ra hiệu ứng mờ phông tương tự các cảm biến nhỏ hơn, hoặc sử dụng cùng một khẩu độ, ống kính để cho hiệu ứng xóa phông tốt hơn.
Tóm lại, kích thước cảm biến lớn là một trong những yếu tố cải thiện chất lượng ảnh chụp khi có thể thu về nhiều ánh sáng hơn.
Dù vậy, ngoài kích thước cảm biến thì chất lượng ống kính, bộ xử lý ảnh và phần mềm cũng đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng ảnh chụp từ camera trên smartphone.