Trong thời đại Internet bùng nổ, chúng ta dễ bắt gặp những thông tin thiếu chính xác. Nhiều thông tin sai lệch về những chiếc smartphone được chia sẻ trong thời gian qua.
Đây là một số quan niệm sai lầm về smartphone mà người dùng thường mắc phải, kèm theo cách giải thích đúng để chúng ta không còn thắc mắc nữa.
Vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm được người dùng smartphone chia sẻ. Ảnh: Lê Trọng. |
QHD với 2K là giống nhau
Không biết bắt nguồn từ đâu, thế nhưng nhiều người vẫn luôn gọi độ phân giải màn hình QHD là 2K và ngược lại. Điều này hoàn toàn không chính xác.
Trên thực tế, 2K là một tiêu chuẩn của DCI (Digital Cinema Initiatives) cho độ phân giải mở rộng của Full HD (1.920 x 1.080 pixel), cụ thể là 2.048 x 1.080 pixel (tương đương 2.211.840 điểm ảnh)
Trong khi đó, QHD là viết tắt của Quad HD (2.560 x 1.440 pixel), với số điểm ảnh là 3.686.400, gấp 4 lần HD. Việc xem QHD với 2K giống nhau là hoàn toàn sai, bởi số điểm ảnh của 2K thấp hơn QHD đến 40%.
Có lẽ do QHD và 2K đều cao hơn Full HD nhưng thấp hơn 4K, nhiều người Việt vẫn thường sử dụng lẫn lộn 2 cái tên này cho độ phân giải nằm giữa Full HD và 4K.
Màn hình độ phân giải Quad HD có số điểm ảnh cao hơn 2K đến 40%. Ảnh: Android Authority. |
Tốc độ của USB-C nhanh hơn Micro USB
Từ nhiều năm qua, rất nhiều thiết bị đã chuyển sang sử dụng cổng kết nối USB-C. Nhiều người khẳng định cổng USB-C cho tốc độ nhanh hơn so với Micro USB cũ kĩ.
Thực chất, không phải lúc nào USB-C cũng nhanh hơn Micro USB. Nhiều mẫu smartphone dù trang bị cổng USB-C nhưng vẫn theo chuẩn USB 2.0 ra đời từ tận 2001. Theo đó, USB 2.0 cho tốc độ tối đa chỉ 480 Mbps, trong khi USB 3.0 là 5 Gbps (khoảng 5.000 Mbps).
Lấy ví dụ, những mẫu OnePlus cũ với cổng USB-C chỉ trang bị chuẩn USB 2.0, phải đến đời OnePlus 7 mới có chuẩn USB 3.1. Nhiều smartphone như Asus ZenFone 6, Realme X2 Pro vẫn sử dụng cổng USB-C chuẩn USB 2.0 dù ra mắt trong năm 2019.
Tóm lại, USB-C hay Micro USB chỉ là hình dạng cổng kết nối, còn tốc độ bao nhiêu phụ thuộc vào chuẩn mà cổng đó trang bị.
Không phải cứ USB-C là tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn Micro USB. Ảnh: Android Authority. |
Càng nhiều RAM, chạy càng nhanh
Dung lượng RAM trên smartphone giờ đã bắt kịp máy tính. Đầu năm 2020, đã có những sản phẩm với 16 GB RAM xuất hiện. Tuy nhiên, một chiếc smartphone mạnh không chỉ dựa vào RAM.
RAM là viết tắt của Random Access Memory (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên), chỉ lưu tạm thời dữ liệu rồi xóa khi không dùng nữa. Bản thân RAM có tốc độ rất nhanh, tuy nhiên không phải càng nhiều RAM thì máy chạy càng nhanh.
Trên thực tế, dung lượng RAM lớn nghĩa là smartphone của bạn có thể xử lý nhiều dữ liệu trong bộ nhớ tốc độ cao, giúp ứng dụng giữ trạng thái hoạt động lâu hơn, không bị tắt khi chuyển sang ứng dụng khác.
Tóm lại, nhiều RAM sẽ giúp trải nghiệm tổng thể trên thiết bị tốt hơn, nhưng nó không giúp máy chạy nhanh hơn theo cách ta vẫn thường nghĩ.
Quan niệm càng nhiều RAM chạy càng nhanh đã có từ thời PC. Ảnh: Android Authority. |
Có chuẩn IP, đem xuống biển không sao
Nhiều người cho rằng một thiết bị đạt chuẩn IP nghĩa là có thể sống sót trong mọi trường hợp gặp nước. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy.
Thực chất, chuẩn IP thể hiện khả năng kháng nước và bụi, không phải chống thấm nước và bụi bẩn. Chuẩn IP có 2 số, số trước thể hiện khả năng kháng bụi, số sau là kháng nước. Số càng lớn nghĩa là khả năng kháng nước, bụi càng tốt.
Ví dụ, một smartphone đạt chuẩn IP68 có thể kháng nước khi bị nhấn sâu ở 1,5 m trong tối đa 30 phút và kháng bụi hoàn toàn, chuẩn IP54 nghĩa là có thể kháng nước xối vào mọi hướng, kháng bụi ở một lượng vừa phải.
Tuy nhiên, "nước" ở đây nghĩa là nước sạch. Bạn có thể rửa điện thoại bằng nước vòi, nhưng không ai chắc nó có thể sống sót khi thả xuống biển, bị ngâm trong cà phê hay nước uống có ga.
Các thử nghiệm để đạt tiêu chuẩn IP cũng thực hiện trong phòng thí nghiệm. Đó là lý do nhà sản xuất thường khuyên người dùng không nên cố tình đem máy xuống biển hoặc ngâm trong cát sa mạc, và sẽ không bảo hành nếu máy bị hỏng do ngâm vào nước.
Khả năng kháng nước được thiết kế cho những trường hợp bất khả kháng, không phải để lạm dụng. Ảnh: TechRadar. |
Số "MP" càng cao, chụp ảnh càng đẹp
Rất nhiều người lầm tưởng rằng điện thoại có camera độ phân giải càng cao thì chụp ảnh càng đẹp, tuy nhiên đó là suy nghĩ hoàn toàn sai. Nếu so sánh smartphone giá rẻ 48 MP, 108 MP với những mẫu cao cấp 12 MP, sự khác biệt là rất rõ.
Các smartphone với camera độ phân giải cao trang bị tính năng ghép điểm ảnh (pixel-binning). Thay vì sử dụng bộ lọc màu Bayer truyền thống (đỏ, xanh lá và xanh dương để chụp ảnh màu), các cảm biến độ phân giải cao lại dùng bộ lọc Quad-Bayer (giống Bayer nhưng mỗi bộ lọc có 4 pixel phía sau với các màu tương tự).
Quan niệm sai lầm về số "MP" trên smartphone đã xuất hiện từ lâu và được giải thích rất nhiều, thế nhưng không ít người vẫn mắc sai lầm. Ảnh: Android Authority. |
Phần mềm chụp ảnh trên điện thoại thường cho phép chuyển giữa độ phân giải cao và thấp. Tuy nhiên, các camera "pixel-binning" chỉ cho ảnh với độ chi tiết màu bằng 1/4 độ phân giải mà nó có, tức là độ chi tiết chụp từ camera 48 MP "pixel-binning" không khác gì camera 12 MP.
Do không được trang bị ống kính, thuật toán cao cấp nên các camera với pixel-binning cho chất lượng hình ảnh khá kém khi chụp với độ phân giải cao.
Hãy nhớ chất lượng ống kính, thuật toán phần mềm mới là một trong những yếu tố quyết định chất lượng ảnh chụp từ camera, không phải độ phân giải.