Khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút 12.000 binh sĩ khỏi Đức, ông chỉ làm rõ một điều đã rõ ràng từ lâu: tình cảm của ông và Thủ tướng Angela Merkel không hề (có gì để) sứt mẻ, AFP nhận định.
Tổng thống Trump đã mâu thuẫn với rất nhiều đồng minh của Mỹ, nhưng ông luôn có sự xung đột đặc biệt với Thủ tướng Merkel, người có cách tiếp cận tự do, kỹ trị về các vấn đề từ đại dịch Covid-19 đến nhập cư.
Sau khi Lầu Năm Góc chính thức rút quân, Tổng thống Trump nói rằng ông đã hành động vì Đức không đạt được mục tiêu chung của NATO, cam kết tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP.
“Họ không trả chi phí nghĩa vụ của họ. Mỹ bị lợi dụng về thương mại, quân sự và nhiều thứ khác trong nhiều năm. Tôi ở đây và tôi đã nói thẳng ra”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên.
Ông Trump, một người gốc Đức, từ lâu cáo buộc nền kinh tế lớn thứ 2 NATO hưởng thụ sự bảo vệ của Mỹ, trong khi thúc đẩy xuất khẩu xe hơi và các mặt hàng xa xỉ khác sang Mỹ.
Lạnh nhạt trong các cuộc hội nghị
Tổng thống Trump lần đầu đề cập đến việc rút quân đội Mỹ khỏi Đức vào tháng 6, sau khi Thủ tướng Merkel từ chối kế hoạch triệu tập hội nghị Thượng đỉnh G7 của Tổng thống Trump với lý do lo ngại dịch bệnh.
Mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel luôn "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, Tổng thống Trump lại nỗ lực đưa nước Mỹ trở về cuộc sống bình thường trước bầu cử vào ngày 3/11, khi ông đang đối mặt với thách thức lớn từ đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ. Ông Trump cũng kỳ vọng một hội nghị thượng đỉnh rộng hơn với đề xuất mời Nga trở lại G7.
(Trước đó, Nga là thành viên trong nhóm G8, nhưng đã bị trục xuất vào năm 2014, sau sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea).
Robert Menendez, thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện gọi việc rút quân là “sự sỉ nhục đối với đồng minh thân cận nhất của chúng ta”.
"Điều đó sẽ có lợi cho Nga. Rượu sâm banh sẽ được rót tràn ly tối nay ở Điện Kremlin”, ông Menendez nói.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng nhắm mục tiêu vào mối quan hệ giữa Đức và Nga. Hồi đầu tháng, Washington đe dọa trừng phạt các nhà thầu châu Âu, bao gồm Đức, tham gia dự án Nord Stream 2.
Bà Merkel cũng không kiên nhẫn với ông Trump
Sau bầu cử năm 2016, dù ít nhiều bị sốc, phần lớn các nhà lãnh đạo trên thế giới cố gắng thích nghi với Tổng thống Trump.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Anh và Pháp đều tâng bốc Tổng thống Trump bằng những lời mời, ngay cả khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng về những bất đồng từ vấn đề biến đổi khí hậu đến Iran.
Lãnh đạo Đức và Mỹ đều không che giấu sự bất hòa giữa họ. Ảnh: AFP. |
Riêng Thủ tướng Merkel từ đầu đã không che giấu sự không hài lòng của bà đối với ông Trump. Vài tháng sau khi ông Trump nhậm chức, bà Merkel nói thẳng rằng Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, cùng với việc Anh đã rút khỏi EU, châu Âu nên tự nắm lấy số phận.
Tổng thống Trump cũng lần lượt phá vỡ chuẩn mực về ứng xử lịch sự giữa các đồng minh. Năm 2018, Tổng thống Trump tweet rằng “Đức đang chống lại sự lãnh đạo của Mỹ và sai lầm khi chào đón hàng triệu người nhập cư”.
Tổng thống Trump cũng thường xuyên xung đột với những người phụ nữ quyền lực, mang sắc thái cá nhân mạnh mẽ ở trong nước như cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Sudha David-Wilp, thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Mỹ, nói rằng ngoài giới tính có thể là một yếu tố, bà Merkel còn có quan hệ tốt đối với cựu tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của Tổng thống Trump.
“Đối với cựu tổng thống Obama, Đức được xem là đối tác không thể thiếu, đặc biệt là trong vấn đề Brexit. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump có thể cảnh giác với bà Merkel và ngược lại. Về tính cách, Tổng thống Trump và bà Merkel hoàn toàn trái ngược nhau”, bà David-Wilp nói.
Trong một cuộc khảo sát gần đây do Công ty tư vấn Gallup thực hiện, chỉ có 12% người Đức ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ivan Krastev, chủ tịch Trung tâm Chiến lược tự do, có trụ sở tại Bulgaria, đã nói trong một hội nghị tại Viện Brooking vào tháng 6, rằng ông cảm thấy một sự thay đổi ở Đức, từng là quốc gia thân Mỹ nhất Đại Tây Dương.