Theo BBC, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman hôm 1/7 cho biết Bộ Quốc phòng sẽ trình bày trước Quốc hội Mỹ kế hoạch tái triển khai 9.500 binh sĩ này "trong vài tuần tới". Washington cũng sẽ tham vấn các đồng minh NATO "về con đường hướng tới phía trước".
Ông Hoffman không cho biết chi tiết địa điểm và thời gian tái triển khai số binh sĩ được Mỹ rút khỏi Đức. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã gợi ý số binh sĩ này có thể được Mỹ đưa tới Ba Lan.
"Kế hoạch vừa được phê chuẩn sẽ tăng cường khả năng răn đe Nga, củng cố sức mạnh NATO, tái cam kết với các đồng minh, cải thiện năng lực linh hoạt chiến lược của Mỹ cũng như khả năng tác chiến linh hoạt của Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Âu, đồng thời chăm sóc các quân nhân và gia đình họ", ông Hoffman nói.
Tổng thống Trump đã phê chuẩn kế hoạch rút 9.500 binh sĩ Mỹ khỏi Đức. Ảnh: AP. |
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã nhiều lần phàn nàn Mỹ phải chịu gánh nặng tài chính quá lớn trong đóng góp cho NATO, đồng thời yêu cầu các thành viên NATO khác gia tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Trump đã thẳng thừng chỉ trích Đức vì không chi đủ 2% GDP cho ngân sách phòng như thỏa thuận của các thành viên NATO.
"Đức đang trả một phần rất nhỏ nếu so với những gì họ đáng ra phải trả. Họ nên dành 2% GDP nhưng hiện nay họ chỉ đang trả hơn 1% GDP, tùy vào cách chúng ta tính. Nếu chúng ta coi như họ đang chi 1% GDP, đó là khoản thiếu hụt quá lớn", ông Trump nói trong chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Duda hồi tuần trước.
Mỹ duy trì 34.500 quân tại các căn cứ ở Đức. Với việc kế hoạch rút quân được phê chuẩn, quân số của lực lượng Mỹ tại Đức sẽ giảm xuống còn 25.000 người.
Sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Đức là một di sản của lịch sử khi quân đội Mỹ và phe Đồng minh chiếm đóng lãnh thổ Đức sau Chiến tranh thế giới 2. Bộ Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu và châu Phi cũng đang đóng trụ sở ở Đức.