Theo CNN, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 29/7 xác nhận Washington sẽ rút khoảng 11.900 binh sĩ khỏi Đức, dù trước đó kế hoạch của Nhà Trắng là chỉ cắt giảm khoảng 9.500 quân. Quyết định này nhằm đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump là chỉ duy trì 25.000 binh sĩ Mỹ ở Đức.
Trong số lực lượng rút khỏi Đức, khoảng 5.400 binh sĩ sẽ "ở lại châu Âu", tuy nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ chưa cho biết địa điểm đồn trú mới của lực lượng này. Quan chức Lầu Năm Góc cho biết sẽ chỉ triển khai binh sĩ tới các nước đang có sự hiện diện của lực lượng Mỹ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm lực lượng Mỹ ở Đức năm 2019. Ảnh: Reuters. |
6.400 binh sĩ còn lại, cùng gia quyến, sẽ được đưa về Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết lực lượng này sẽ được tái triển khai tại châu Âu theo cơ chế luân phiên vào thời điểm phù hợp.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận việc tái triển khai 11.900 binh sĩ Mỹ từ Đức sẽ "cần nhiều tháng để lên kế hoạch", trong khi việc thực hiện sẽ mất nhiều năm. Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ phải chi hàng tỷ USD để thực hiện kế hoạch, chủ yếu phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng ở cả Mỹ và châu Âu để phục vụ lực lượng này.
Kế hoạch rút binh sĩ Mỹ khỏi Đức từ lâu đã vấp phải sự phản đối của lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa, do lo ngại sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ cũng như các đồng minh NATO trước sức ép của Nga.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khẳng định cho biết việc tái bố trí lực lượng Mỹ ở châu Âu sẽ giúp tăng cường năng lực răn đe đối với Nga, củng cố sức mạnh của khối NATO, đồng thời hỗ trợ cuộc sống của gia đình các binh sĩ Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, và Tổng thư ký NATO Jenss Stoltenberg đã được thông báo về kế hoạch rút quân của Washington.
Trong khi giới lãnh đạo chính phủ Đức vẫn giữ im lặng về kế hoạch rút quân của Washington, lãnh đạo các bang nơi binh sĩ Mỹ đóng quân đã gửi thư tới thành viên Quốc hội Mỹ đề nghị giúp đỡ đảo ngược quyết định của Nhà Trắng.
"Chúng tôi mong muốn quan hệ đối tác sâu sắc sẽ được duy trì, cũng như sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại các địa điểm ở châu Âu và Đức. Vì vậy, chúng tôi mong chờ các vị hỗ trợ, không chỉ nhằm bảo vệ mà còn để củng cố tình bạn (giữa hai bên), đồng thời duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Đức và châu Âu trong tương lai", bức thư của thủ hiến các bang Baden-Wuerttemberg, Rhineland-Palatinate, Hesse và Bavaria của Đức viết.