Ảnh minh họa: MP/Pexels. |
Khi còn là một nhà địa chất trẻ tuổi, Charles Darwin đã dành gần 5 năm lênh đênh trên HMS Beagle, một con tàu lớn đi vòng quanh Trái đất để thực hiện hành trình thám hiểm khoa học ở những vùng đất xa xôi.
Con tàu khởi hành vào năm 1831, nhưng mãi đến năm 1835, trong chuyến viếng thăm quần đảo Galapagos ở gần cuối hành trình, Darwin mới bắt đầu xây dựng học thuyết về sự chọn lọc tự nhiên của mình, hay thuyết về sự đột biến của các loài theo cách gọi thời bấy giờ.
Ông đã phải mất hơn 4 năm lênh đênh trên biển trước khi hình thành được những hiểu biết mang tính đột phá của mình. Nhưng đây cũng chỉ mới là bước khởi đầu. Sau khi trở về nhà, Darwin đã tiếp tục làm việc miệt mài để hoàn thiện học thuyết này và đạt được những thành tựu đáng kể từ năm 1836 đến năm 1838.
Tuy vậy, mãi đến năm 1859 ông mới có thể xuất bản công trình nghiên cứu vĩ đại của mình, On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài). Nói cách khác, ông đã dành hơn 20 năm để phát triển và hoàn thiện các ý tưởng của mình. Trong suốt thời gian đó, Darwin đã vượt qua vô số sai lầm, những lời chỉ trích và các chướng ngại tinh thần.
Theo lời Darwin, thành công này có được chủ yếu là nhờ vào “tình yêu khoa học, lòng kiên trì không suy suyển trong suốt quá trình chiêm nghiệm kéo dài về bất cứ chủ đề nào”. Đột phá khoa học được xem là lớn nhất lịch sử hiện đại này không diễn ra một cách đột ngột. Đó là một công trình kéo dài hai thập niên.
Khi Nguồn gốc các loài được xuất bản lần đầu tiên vào hai mươi tám năm sau khi Darwin khởi hành chuyến thám hiểm trên con tàu HMS Beagle, Darwin - nhà khoa học tiên phong truyền cảm hứng và dám vượt ra những lề thói thông thường - bấy giờ đã năm mươi tuổi.
Trái với những gì chúng ta thường lầm tưởng khi sống theo chủ nghĩa cá nhân anh hùng, sự tiến bộ thường diễn ra rất chậm, và điều đó hoàn toàn bình thường. Để tạo nên sự khác biệt có ý nghĩa trong gần như bất cứ việc gì, bạn phải duy trì nỗ lực đủ lâu để vượt qua những trở ngại không thể tránh khỏi và những giai đoạn giậm chân tại chỗ.
Giai đoạn mà mọi thứ dường như rơi vào trạng thái tĩnh thật ra lại không hề tĩnh chút nào; có thể bạn chỉ chưa nhìn thấy hiệu quả của những nỗ lực mà mình bỏ ra mà thôi. Khi bạn cố gắng hoàn thành một mục tiêu ý nghĩa, bạn cũng đang trải qua một giai đoạn có ý nghĩa đối với bản thân mình. Tôi chưa từng gặp người nào mô tả khoảnh khắc hạnh phúc nhất hay trọn vẹn nhất của họ là những lúc họ vội vàng hay bị thúc bách.
Trên lý thuyết, tất cả những điều này nghe thật dễ dàng. Tuy nhiên, trong thực tế thì những giai đoạn đình trệ hoặc những khoảng dừng có thể khiến bạn cảm thấy cực kỳ chán nản. Chúng làm bộc lộ mọi động cơ tiềm ẩn.
Bạn có đang nỗ lực chỉ vì bạn bị nghiện những kết quả hời hợt và vô nghĩa hay không? Liệu bạn có thể tiếp tục cố gắng nếu không có lượng dopamine liên tục được tiết ra khi bạn đạt được những tiến bộ hữu hình? Liệu bạn có thể giữ mình đứng ngoài nền văn hóa tiêu dùng đang cố kéo bạn đi chệch hướng bằng vô số lời hứa về sự thành công cấp tốc, các mẹo vặt, những trào lưu hấp dẫn cũng như các giải pháp nhanh gọn khác hay không?
Cách bạn trả lời những câu hỏi này chính là chìa khóa đưa bạn đến thành công và cảm giác viên mãn lâu bền. Đôi khi bạn cần phải đập một viên đá nhiều lần trước khi có thể làm vỡ nó. Hãy nhớ rằng điều đó không có nghĩa là những cú đập trước đó của bạn đều vô ích. Có thể lực tác động đã được tích tụ qua nhiều lần đập, chỉ là bạn không nhìn thấy mà thôi. Sự đột phá có thể đang ở ngay phía trước.
Những thành tích đột phá “đột ngột” đặc biệt phổ biến trong công tác huấn luyện thể thao, khi tốc độ chạy của bạn suốt nhiều tuần liền luôn là tám phút một dặm và bỗng một hôm nó được rút ngắn còn bảy phút bốn mươi lăm giây. Hoặc thành tích nâng tạ của bạn đang quanh quẩn ở mức 125 ký thì bỗng tăng lên 138 ký chỉ sau một đêm. Các nhà khoa học thể thao gọi đây là vòng tuần hoàn của sự đền bù và siêu đền bù.
Cơ thể bạn cần thời gian để thích nghi với quá trình tập luyện khắc nghiệt và hấp thu kết quả của quá trình đó. Ở cấp độ tế bào, bạn cần ít nhất mười ngày sau khi thực hiện một bài tập để nhận thấy lợi ích lâu dài của bài tập đó, nhưng thường thì sẽ lâu hơn.
Một tình trạng thường gặp là các vận động viên sẽ bị giảm thành tích trước khi tăng thành tích. Ở những cấp độ chuyên nghiệp hơn, không có gì lạ khi các vận động viên phải tập luyện chuyên cần suốt cả một năm trước khi đạt được mục tiêu đề ra.
Cơ thể họ đang đền bù cho toàn bộ công sức mà họ đã bỏ ra trong suốt quá trình luyện tập - đền bù cho việc họ phải giậm chân tại chỗ hoặc giảm sút một chút trong quá trình hồi phục sau những căng thẳng của quá trình huấn luyện - sau đó mới tới sự siêu đền bù, tức là trở nên mạnh mẽ hơn một cách rõ rệt.
Khuôn mẫu này không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực thể thao. Một công trình nghiên cứu về thành tích trong lĩnh vực sáng tạo và trí tuệ đã được đăng tải trên nhật báo Nature uy tín vào năm 2018. Trong nghiên cứu đó, các chuyên gia đã phát hiện rằng tuy hầu hết mọi người đều có một “chuỗi thành tích đỉnh cao” trong sự nghiệp - “một giai đoạn đặc biệt khi thành tích của họ trở nên tốt hơn rất nhiều so với những gì họ thường đạt được” - nhưng chúng ta không thể dự đoán được giai đoạn này xuất hiện vào thời điểm nào.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chuỗi thành tích đỉnh cao diễn ra vào một thời điểm ngẫu nhiên trong suốt quá trình làm việc của một cá nhân, chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định và không liên quan đến bất cứ thay đổi hữu hình nào về năng suất”. Nhưng chuỗi thành tích đỉnh cao của hầu như mọi người lại có một điểm chung: chúng đều diễn ra dựa trên nền tảng của một quá trình nỗ lực trước đó với rất ít tiến bộ có thể quan sát được.
Nếu các cá nhân này bỏ cuộc, rời bỏ sự nghiệp của mình hoặc chuyển sang các phương pháp khác quá sớm, họ sẽ không bao giờ có được những thành tích đột phá. Họ phải rèn luyện lòng kiên nhẫn.
Vào năm 1888, chỉ hai năm trước khi qua đời, Vincent van Gogh đã sáng tác đến hơn hai mươi bức tranh, bao gồm cả hai kiệt tác nổi tiếng nhất của ông: bức The Starry Night (Đêm đầy sao) và bức Sunflowers (Hoa hướng dương).