Ảnh minh họa: Eren Li/Pexels. |
Các thiết bị công nghệ kỹ thuật số là nguyên nhân hàng đầu khiến chúng ta liên tục rơi vào tình trạng bị phân tâm. Công trình nghiên cứu của một công ty điều phối viễn thông ở Vương quốc Anh cho thấy cứ trung bình mười hai phút chúng ta lại kiểm tra điện thoại một lần - và đó là chưa kể đến những lúc chúng ta nghĩ đến việc kiểm tra điện thoại nhưng không thực hiện.
Một nghiên cứu khác thì cho thấy 71% số người sử dụng điện thoại không bao giờ tắt điện thoại và 40% sẽ xem điện thoại trong vòng năm phút sau khi thức giấc, chưa kể những lần mở điện thoại chỉ để xem giờ báo thức. Hơn nữa, không phải chỉ những lúc chúng ta thật sự nhìn vào các thiết bị công nghệ thì khả năng chú tâm của chúng ta mới bị giảm sút. Đó là bởi vì thói quen liên tục kiểm tra điện thoại sẽ khiến chúng ta quen dần với sự phân tâm.
Nói ngắn gọn là chúng ta đang huấn luyện bộ não của mình để nó luôn ở trong trạng thái liên tục cảnh giác cao độ, luôn nghĩ xem chuyện gì đang diễn ra ở nơi khác và cảm thấy bị thôi thúc phải kiểm tra và tìm hiểu xem đó là chuyện gì. Kiểu hành vi này từng là một lợi thế trong những giai đoạn tiến hóa đầu tiên của loài người - nó giúp chúng ta tránh được các loài thú săn mồi và tìm được thức ăn trong những thời kỳ đói kém - nhưng trong thế kỷ 21, chắc chắn đó không phải là cách hay để ta có thể sống một cuộc đời hạnh phúc, khỏe mạnh và viên mãn.
Stuart McMillan đã dành hai mươi năm cuộc đời trong các nền văn hóa xem trọng tính hiệu quả khi huấn luyện hơn ba mươi lăm vận động viên điền kinh từng đoạt huy chương Olympic. Stu (như cách tôi gọi anh) là bạn thân của tôi.
Khi chúng tôi thảo luận về những thử thách lớn nhất anh hiện phải đối mặt, Stu nói đó không chỉ là tình trạng chấn thương gân kheo hay nỗi lo về thành tích, mà còn cả sự phân tâm phát sinh từ các thiết bị công nghệ.
Anh chia sẻ: “Đối với anh và tôi, điện thoại là thứ khiến chúng ta bị xao nhãng khỏi cuộc sống. Còn đối với một số vận động viên mà tôi huấn luyện, cuộc sống là thứ khiến họ bị phân tâm khỏi điện thoại - kể cả khi họ đang thi đấu để giành huy chương Olympic!”.
Theo Adam Alter, tác giả quyển Irresistible (tạm dịch: Cám dỗ khó cưỡng) và là nhà khoa học hành vi chuyên nghiên cứu các thiết bị công nghệ kỹ thuật số tại Đại học New York, lý do chủ yếu khiến tất cả chúng ta, bao gồm cả các vận động viên mà McMillan huấn luyện, không thể bỏ điện thoại xuống hoặc tắt thông báo email là vì chúng ta cho rằng việc nhận được những thông báo liên tục đó đồng nghĩa với việc tầm quan trọng của bản thân trong thế giới này được công nhận.
Mỗi thông báo mà chúng ta nhận được - về những lượt “thích”, lượt chia sẻ, các bình luận, email và tin nhắn - đều truyền tải một thông điệp, dù nông cạn, rằng chúng ta đang tồn tại và chúng ta quan trọng.
Đó thật ra là một phần thưởng đáng theo đuổi. Khi cầm các thiết bị kỹ thuật số lên và bấm nút cập nhật, chúng ta giống như đang bấm nút khởi động canh bạc về sự tồn tại của bản thân. Chẳng trách tại sao có quá nhiều người trong chúng ta bị cám dỗ.
Ngoài nhu cầu cảm thấy mình quan trọng, cơ chế tâm lý bẩm sinh của chúng ta còn bị lợi dụng bởi các doanh nghiệp kiếm lợi nhuận từ sự chú ý của khách hàng. Mọi thứ liên quan đến các ứng dụng mà chúng ta sử dụng trên điện thoại - trình duyệt Internet và các bản tin trên mạng xã hội, từ những dòng tít giật gân, những bản nhạc nền vui tai cho đến sự sắp xếp màu sắc trên màn hình (thường sử dụng nhiều màu đỏ, màu được nhiều chuyên gia xác nhận là giúp tạo cảm xúc mạnh) - đều được thiết kế với chủ ý đánh vào bản năng chú ý đến những thứ trông có vẻ quan trọng và thú vị.
Dù là trên truyền hình, trên website hay trên ứng dụng điện thoại, các nội dung cũng thường được trình bày sao cho có thể kích hoạt sự sản sinh dopamine, một hợp chất thần kinh có tác dụng mạnh trong việc khiến bộ não xem những nội dung đó là có ý nghĩa và khiến chúng ta muốn tìm kiếm nội dung tương tự thêm nhiều lần nữa.
Trong quyển sách Riveted (tạm dịch: Mê đắm), Jim Davies, giáo sư ngành Khoa học nhận thức tại Đại học Carleton ở Ontario, đã viết: “Lượng dopamine cao khiến mọi thứ đều trông có vẻ quan trọng… Để thu hút sự chú ý, các tin tức cần phải truyền đạt một nỗi sợ hãi, bất luận tin tức đó có quan trọng hay không. Chúng hạ thấp những điều thông thường và quen thuộc, đồng thời khiến chúng ta chú ý vào những điều bất thường”.
Năm 1951, trong tác phẩm The Wisdom of Insecurity (tạm dịch: Lý lẽ của nỗi bất an), triết gia Alan Watts đã diễn tả nỗi thất vọng của ông: “Thứ thuốc kích thích mà chúng ta gọi là tiêu chuẩn sống cao này, sự kích thích các giác quan một cách phức tạp và thô bạo này, khiến bạn càng ngày càng kém nhạy cảm và do đó lại cần nhiều kích thích thô bạo hơn nữa. Chúng ta khao khát sự phân tâm - một góc nhìn thật rộng với càng nhiều hình ảnh, âm thanh, những câu chuyện giật gân và sự kích động càng tốt”.
Chứng nghiện này không hề mới. Chỉ là chất kích thích của thời đại này dễ tiếp cận hơn và mạnh hơn trước gấp nhiều lần.