Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học cách tin tưởng bản thân

Mở lòng với mọi trải nghiệm của bản thân là việc không hề dễ dàng, đôi khi lại còn rất đáng sợ.

sach hay anh 1

Ảnh: Cotton Studio/Pexels.

Bạn có thể sẽ thấy rất khổ sở khi khám phá ra những nhược điểm hay những khía cạnh không được hoàn hảo của mình.

Brené Brown, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Houston, đã viết trong quyển Braving the Wilderness (tạm dịch: Đương đầu với chốn hoang tàn): “Trong hơn hai trăm nghìn mẫu nghiên cứu của mình, tôi không thể tìm ra một ví dụ nào về lòng can đảm mà không đi kèm sự thừa nhận tính dễ tổn thương… Liệu bạn có thể nghĩ ra một khoảnh khắc can đảm nào mà lại không đi kèm với rủi ro, sự bấp bênh và việc phơi bày cảm xúc hay không?”.

Nhưng cũng theo Brown, khi càng trở nên quen thuộc với những khía cạnh không hoàn hảo của bản thân, càng học cách chấp nhận chúng, bạn sẽ càng trở nên tốt đẹp hơn.

Nghiên cứu của Brown đã cho thấy việc chấp nhận điểm yếu sẽ giúp gia tăng giá trị bản thân, thắt chặt các mối quan hệ (bao gồm cả mối quan hệ với bản thân), thúc đẩy sự đổi mới và khơi gợi lòng trắc ẩn. Thêm vào đó, bạn gần như không thể sống mà gạt bỏ hoàn toàn tính dễ tổn thương của mình, ít nhất là trong trường hợp bạn muốn sống một cuộc đời trọn vẹn.

Vài năm trước, tôi có đi xem nhà thơ kiêm triết gia David Whyte diễn thuyết. Sau sự kiện, tôi đã rời khỏi đó với một dòng ghi chú trong sổ: Những gì bạn quan tâm sẽ khiến bạn trở nên dễ bị tổn thương. Những gì bạn quan tâm sẽ làm tan nát trái tim bạn.

Thật sự rất khó để hết lòng quan tâm một điều gì đó - dù là một con người, một mục tiêu hay một phong trào. Mọi việc luôn luôn thay đổi và không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý bạn. Con cái bạn rồi sẽ dọn ra ngoài sống. Cơ thể bạn rồi sẽ trở nên già cỗi và bạn buộc phải nghỉ hưu.

Sẽ có lúc bạn thua trong cuộc đua tài. Dự án của bạn thất bại. Phong trào bạn ủng hộ không đạt được mục đích đề ra. Người bạn đời hai mươi năm của bạn bị chẩn đoán mắc ung thư. Người bạn thân ba mươi năm của bạn qua đời. Cuộc sống là vậy.

Vì lẽ này mà một cách phòng thủ phổ biến chính là cố gắng không quan tâm đến bất cứ thứ gì. Bạn chọn giữ khoảng cách an toàn thay vì sống hết mình. Bạn dựng lên một bức tường trong lòng, một rào cản ngăn giữa những phần tâm tư sâu kín nhất của bạn với thế giới bên ngoài.

Có thể cách đối phó này làm cho mức độ tổn thương của bạn không trở nên quá sâu sắc, nhưng đồng thời, niềm vui bạn cảm nhận được cũng sẽ như vậy. Bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều, bởi một cuộc sống trọn vẹn đòi hỏi bạn phải thừa nhận tính dễ bị tổn thương.

Whyte viết: “Tính dễ bị tổn thương không phải là một điểm yếu, một cảm giác bất tiện chỉ kéo dài trong phút chốc hay một khía cạnh chúng ta có thể loại bỏ khỏi cuộc sống của mình. Tính dễ bị tổn thương không phải là một sự lựa chọn. Đó là một đặc tính cơ bản, vĩnh viễn, luôn luôn hiện hữu trong bản thể tự nhiên của chúng ta. Chối bỏ tính dễ bị tổn thương là chối bỏ một phần bản chất cốt lõi của chính mình”.

Khi ngừng chối bỏ khía cạnh này, cho dù việc đó có khó khăn đến đâu, bạn mới có thể thấu hiểu trọn vẹn con người mình. Bạn sẽ hiểu rõ bản thân mình. Khi bắt đầu hiểu rõ bản thân, bạn cũng sẽ bắt đầu tin tưởng chính mình. Lòng tin này sẽ sản sinh ra sức mạnh và cảm giác tự tin đích thực.

Nhà thơ Rainer Maria Rilke từng viết: “Tôi muốn cởi mở tấm lòng mình. Tôi không muốn che đậy bất cứ nơi nào. Bởi vì ở đâu tôi còn che đậy, ở đó tôi chỉ là một lời nói dối”.

Miễn còn có sự kháng cự, đè nén hoặc ảo tưởng, thì nền tảng dưới chân bạn vẫn còn tồn tại những vết nứt dễ vỡ. Những gì chúng ta cố đè nén lại thường có khuynh hướng phát triển mạnh mẽ hơn, ngay cả khi chúng không thể hiện rõ ràng. Nhưng chúng ta không thể đè nén những thứ này mãi mãi. Dần dần, chúng sẽ trỗi dậy và làm lay chuyển đến cả phần cốt lõi bên trong chúng ta.

Brad Stulberg/NXB Dân trí & First News

SÁCH HAY