Nếu phải tìm ra một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã thay đổi châu Âu như thế nào, hình ảnh chiếc tàu chiến khổng lồ USS Kearsarge, với 26 máy bay chiến đấu cùng 2.400 lính thủy đánh bộ và thủy thủ, neo đậu tại cảng Stockholm, chắc chắn là lựa chọn thích hợp nhất.
“Không ai ở Stockholm (Thụy Điển) có thể bỏ lỡ việc một con tàu lớn của Mỹ xuất hiện trong thành phố của chúng tôi”, Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thụy Điển Micael Byden nói với New York Times vào ngày 4/6.
“Trên con tàu này có nhiều (binh sĩ và thiết bị quân sự) hơn cả những gì tôi có thể tập hợp được trong một đồn trú”, ông Byden cho biết.
Tàu chiến đổ bộ của Hải quân Mỹ USS Kearsarge đến Stockholm vào ngày 2/6. Ảnh: Anadolu Agency. |
Lời cảnh báo
Tàu chiến Mỹ USS Kearsarge xuất hiện chỉ 2 tuần sau khi Thụy Điển và Phần Lan thông báo ý định trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Con tàu này tượng trưng cho lời hứa về những gì họ sẽ nhận được với tư cách thành viên của liên minh: sự bảo vệ trước các mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, con tàu cũng là một lời cảnh báo đối với Thụy Điển và Phần Lan về nghĩa vụ của họ nếu xung đột phát sinh, như tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã nói rõ trong chuyến thăm hôm 4/6.
“Người Nga có hạm đội Baltic của họ. Nhưng NATO sẽ có một loạt quốc gia thành viên bao quanh biển Baltic một khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập”, tướng Milley cho biết. Về bản chất, biển Baltic sẽ trở thành "một chiếc hồ" của NATO, nếu không tính đến hai lãnh thổ St.Petersburg và Kalingrad của Nga.
“Nhìn từ góc độ của Moscow, điều đó sẽ rất khó khăn đối với họ về mặt quân sự”, ông nói.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu trên boong tàu Kearsarge hôm 4/6. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc họp báo trên tàu cùng tướng Milley, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã tìm cách nhấn mạnh bản chất phòng thủ của NATO, cho rằng đây là "tín hiệu mạnh mẽ gửi đến thế giới" về cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Thụy Điển và Phần Lan, theo Defense News.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nói rằng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh có nghĩa họ sẽ tham gia bất kỳ rào cản nào mà NATO có thể đặt ra ở biển Baltic, trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga. Điều đó là một thách thức đối với hai quốc gia vốn có lịch sử trung lập này.
Cả hai nước đều muốn có sự đảm bảo tạm thời về an ninh, đặc biệt là từ Mỹ và các đồng minh NATO khác, trong khoảng thời gian đơn xin gia nhập của họ vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Chìa khóa phòng thủ
Hai tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói với các phóng viên ở Washington rằng Lầu Năm Góc đã cam kết một số biện pháp an ninh tạm thời bao gồm cử tàu chiến của Hải quân Mỹ đến biển Baltic, điều máy bay ném bom của Không quân Mỹ đến vùng trời Scandinavia.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết tổ chức các cuộc huấn luyện chung và hỗ trợ ngăn chặn các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết bảo vệ Thụy Điển và Phần Lan trước khi họ chính thức gia nhập liên minh. Song, các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ cụ thể về hình thức giúp đỡ, ngoài những gì mà tướng Milley mô tả là "sự gia tăng khiêm tốn" các cuộc diễn tập quân sự.
Các quan chức Bắc Âu thừa nhận việc NATO từ chối triển khai quân đội ở Ukraine cho thấy sự khác biệt giữa lời hứa giúp đỡ cho các quốc gia thân thiện và cam kết đảm bảo an ninh theo Điều 5 của liên minh - quy định một cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào tất cả liên minh.
Tàu chiến đổ bộ USS Kearsarge cập cảng Stockholm vào ngày 2/6. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, tàu Kearsarge vẫn ở biển Baltic để tham gia các cuộc tập trận với mục đích huấn luyện quân đội NATO, Thụy Điển và Phần Lan cách thực hiện các cuộc tấn công đổ bộ như vũ bão vào vùng đất bị quân địch chiếm giữ. Đây là một hoạt động rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa các đơn vị trên không, trên bộ và trên biển.
Nếu cuộc tập trận diễn ra theo đúng kế hoạch, hàng nghìn lính thủy đánh bộ, thủy thủ, phi công và các binh sĩ từ 16 quốc gia khác nhau sẽ tập trung tại một bãi biển ở Stockholm.
Giờ đây, Nga đang đối mặt với viễn cảnh liên minh quân sự NATO không chỉ hiện diện ngay trước “cửa nhà” mà còn bao bọc xung quanh một phần lãnh thổ nước này.
Trên thực tế, NATO đã lên kế hoạch thực hiện nhiều cuộc phô diễn quân sự với Thụy Điển và Phần Lan từ trước, Charly Salonius-Pasternak, chuyên gia quân sự của Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, cho biết. “Nhưng giờ đây, có thêm rất nhiều cuộc tập trận vốn không có trong lịch trình trước đó”.
Mối quan hệ đối tác đang dần hình thành giữa Thụy Điển, Phần Lan và NATO là một con đường hai chiều. Đối với NATO, sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan không chỉ giúp liên minh "bao bọc" xung quanh biên giới phía tây của Nga, mà còn giúp các nhà hoạch định quân sự tái định hình tất cả tuyến phòng thủ ở Bắc Âu.
Tuy nhiên, tất cả những điều này chắc chắn sẽ châm ngòi sự phẫn nộ của Nga - quốc gia từ lâu đã phàn nàn về việc NATO tăng cường hiện diện ở biên giới nước này.
“Sẽ có sự hiện diện gần như liên tục của các đơn vị quân đội nước ngoài ở Phần Lan. Họ không phải là 'chìa khóa phòng thủ' của chúng ta. Nhưng sự xuất hiện của họ có thể thay đổi tính toán của nước láng giềng ở phía đông chúng ta", ông Salonius-Pasternak nói.