Tuần vừa qua, khối ngoại bán ròng 707 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp các nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng, qua đó nâng tổng giá trị bán ròng tính riêng tháng 11 lên hơn 3.850 tỷ đồng.
Dù bức tranh thị trường đã sáng sủa hơn so với giai đoạn đầy biến động hồi tháng 10, chứng khoán trong nước vẫn chưa thể bứt phá và xác định xu hướng mới khi rơi vào vùng trống thông tin. Dòng tiền giải ngân dè dặt khiến thanh khoản bình quân tuần giao dịch gần nhất chỉ đạt 530,2 triệu cổ phiếu, giảm 28,7% so với tuần trước đó và 23,3% so với trung bình 4 tuần gần nhất.
Mốc 1.100 điểm cũng cho thấy đây là ngưỡng tâm lý quan trọng khi VN-Index có tới 5 lần văng khỏi rồi phục hồi trở lại.
Nhưng thực tế cho thấy suốt 8 tháng qua, khối ngoại đều duy trì trạng thái bán ròng trên thị trường bất chấp đà tăng hay điều chỉnh của VN-Index. Chỉ có tháng 1 và 3 là hai giai đoạn hiếm hoi nhóm này chi tiền gom hàng.
DIỄN BIẾN CỦA KHỐI NGOẠI 11 THÁNG QUA | ||||||||||||
Nguồn: FiinTrade | ||||||||||||
Nhãn | Tháng 1/2023 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | Tháng 6 | Tháng 7 | Tháng 8 | Tháng 9 | Tháng 10 | Tháng 11 | |
Mua ròng/Bán ròng | tỷ đồng | 3787 | -640 | 2759 | -2851 | -3078 | -364 | -467 | -2551 | -4466 | -2724 | -3855 |
Xu hướng này trái ngược với năm ngoái, thời điểm khối ngoại mạnh tay mua ròng gần 26.700 tỷ đồng trên HoSE. Lũy kế từ đầu năm đến nay, hơn 15.000 tỷ đồng tiền ngoại đã rút khỏi chứng khoán Việt Nam.
Trong đó, mã EIB của ngân hàng Eximbank bị xả ra gần 5.100 tỷ đồng, kế đó là MWG của Thế Giới Di Động (3.215 tỷ đồng), VPB của VPBank (3.063 tỷ đồng), VHM của Vinhomes (1.960 tỷ đồng) hay STB của Sacombank (1.730 tỷ đồng).
Phần lớn động thái này liên quan đến qua trình thoái vốn của cổ đông ngoại có quy mô lớn, vai trò chiến lược tại doanh nghiệp, điển hình như trường hợp của EIB bị cổ đông chiến lược từ năm 2007 Sumitomo Mitsui Banking rút vốn. MWG cũng còn thừa tới 5% tỷ lệ sở hữu dành cho khối ngoại sau khi bị các nhà đầu tư như Dragon Capital, Arisaig Partners hạ bớt tỷ trọng khỏi danh mục.
Một số chứng chỉ quỹ ETF như SSIAM VNFin Lead (FUESSVFL) hay Diamond của Dragon Capital cũng thuộc diện bị bán mạnh, giá trị ròng lần lượt đạt 1.705 tỷ đồng và 1.618 tỷ đồng.
Chiều ngược lại thì hai ông lớn ngành thép là HPG của Hòa Phát và HSG của Hoa Sen đang được tích cực mua vào, giá trị mua ròng đạt lần lượt 4.063 tỷ đồng và 1.551 tỷ đồng. Ngoài ra cổ phiếu STG của CTCP Kho vận Miền Nam và FRT của FPT Retail cũng có mặt trong nhóm được mua ròng với giá trị trên 1.000 tỷ đồng.
Quay trở lại bức tranh tuần vừa rồi, DGC của Hóa chất Đức Giang được gom nhiều nhất với giá trị đạt 107 tỷ đồng. Trong khi đó FUESSVFL bị bán ròng 203 tỷ đồng, VNM của Vinamilk bị bán 160 tỷ đồng.
Không chỉ khối ngoại, tự doanh cũng miệt mài bán ròng 510 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở mã STB, EVF, PET.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...