Thời tiết năm nay quả là bất thường hiếm thấy, ở cùng một tỉnh mà miền tây thì lũ lụt sạt lở đồi núi đường sá, nơi cần nước mưa để làm ruộng lại nắng nóng kéo dài. Trung tuần tháng bảy rồi mà nhiều nơi người dân mong mưa để làm đất bừa cày cấy, ếch nhái mong nước về để vào mùa sinh sản.
Có dịp đi qua những con đường bắt gặp những cánh đồng đất khô cứng, lá ngô ruộng đã khô héo từ lâu rồi. Để tránh cái nắng gay gắt làm cháy thịt da của mùa hạ, người nông dân tranh thủ ra đồng để phát bờ, cắt cỏ đợi cơn mưa rào đến sẽ nổ máy cày, bừa, rong trâu bò vác theo cái cày, bừa trên vai ra đồng làm đất cấy lúa.
Cái nắng làm bỏng rát thịt da con người thì cây cỏ sao có thể chịu nổi. Buổi sáng vừa phát bờ mà đến trưa, chiều đã có thể gom thành đống để đốt thành tro.
Người dân đốt cỏ đợi mưa xuống để làm ruộng. Ảnh: Nông Quốc Lập. |
Mọi năm giờ cây lúa đã bén rễ lên xanh mướt mát, nhưng năm nay mạ già khô héo cả rồi mà vẫn chưa có nước để làm ruộng. Nhìn lên trời trong xanh sâu chót vót, cúi nhìn xuống mặt đất nhiều đám ruộng nứt toác, cây cỏ khát khô.
Chiều ở cánh đồng người dân thi nhau đốt cỏ làm sạch mặt đất để khi có mưa xuống sẽ làm đất dễ hơn. Những cuộn khói bay lên tận trời xanh. Những cột khói mang theo hơi nóng phả vào không khí càng làm cái nóng thêm bức bối.
Ở những bản làng có nguồn nước mỏ người nông dân thi nhau canh nước về ruộng nhà mình. Không có mưa to mỏ cũng ra ít hơn mọi năm.
Ai cũng sợ vắng mặt thì người khác chặn dòng nước nhỏ chỉ bằng bắp tay chân dẫn về ruộng, ngày dòng người đi lại ở bờ mương không ngưng nghỉ, đêm ánh đèn điện ở bờ ruộng sáng lấp lánh như những vì sao sa. “Mưa một trận to để xem còn ai tranh giành lấy nước nữa không?”. Câu cửa miệng của người nông dân ngày đêm vất vả canh từng tí nước về làm đất cấy lúa.
Ông trời như hiểu được nỗi lòng người nông dân ngày nào cũng nổi sấm ầm ầm, mây đen lúc tụ góc trời nam, khi lại che kín mặt trời ở chốn tây nhưng mưa thì chẳng thấy đâu. Có những cơn mưa rào theo kiểu mưa bóng mây ào xuống rồi lại nhanh chóng tạnh. Mưa không đủ thấm mát mặt đất, mưa không đủ để gột rửa lớp bụi bám trên lá cây ven đường.
Ai từng đi qua Trường Sơn, Tây Nguyên mới hiểu được câu thơ của Tố Hữu “Trường Sơn đông nắng tây mưa, ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”. Bây giờ ở trên đất Bắc cũng thế, một bên mưa rào bất chợt, bên này vẫn nắng ráo. Nhìn sang bên đó cầu vồng xuất hiện ở chân trời xa. Cơn mưa không đủ thấm đất, không đủ để cứu những cây mạ đã cấy xuống đất hồi sinh.
Cơn mưa rào nhanh đến rồi nhanh đi, lại nắng và nóng bức, trên nền đất đã sẵn nóng và ẩm ướt, ở những cái khe núi, chân rừng, ven suối những vạt sương màu lam bay lên.
Đến khi nắng tắt những dòng sương khói vẫn lảng bảng trên những ngọn núi mờ xa. Nhập nhoạng tối vẫn chưa nhìn thấy mảnh khói bếp bốc lên từ những mái ngói âm dương, những ngôi nhà sàn ẩn hiện sau những lùm cây thấp thoáng. Người nông dân vẫn còn đang ngoài đồng phát bờ cuốc góc, canh nước, đợi mưa xuống.
Có người ngồi bên bờ ruộng nhìn những cây mạ già bắt đầu cháy lá mà lòng đau buồn khó tả. Đã qua thời điểm tốt nhất để cấy cây mạ xuống đất, nhưng trời không mưa, cánh đồng không chủ động được nguồn nước tưới thì người nông dân đành bất lực. Các tuyến kênh mương đã được kiên cố hóa, nhưng không mưa, những cái mỏ nước theo mùa không lên, kênh mương khô cạn lòng.
Những con cò trắng bay từ cánh đồng này đến cánh đồng khác tìm kiếm thức ăn. Những người già bảo “cò bay xuống xem ruộng rồi, thể nào trời cũng sẽ cho mưa xuống”. Không biết con cò có đi đón được cơn mưa to về cho bà con nông dân có nước làm ruộng không?
Cánh cò hạ cánh bay xuống đám ruộng cạn nước rồi lại vụt bay lên trời bay đi cánh đồng xa nào đó kiếm ăn. Vẫn chưa có những trận mưa to làm sống lại những cái mỏ nước theo mùa.
Chỉ có những cơn mưa rào thoảng qua rồi lại nắng như đổ lửa xuống cánh đồng làm cỏ cây héo úa. Những dòng sương khói theo mưa theo nắng vẫn cứ thế bay lên tận trời xanh, đem theo nỗi khắc khoải mong chờ của những người nông dân lam lũ miền biên ải.