Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện tình hoa cỏ may

Người già nói hoa cỏ may có sức sống mãnh liệt, dù mọc trên đất cằn vẫn lên xanh. Tôi tin vào sự chờ đợi một mùa hoa mới.

Thuở nhỏ, sáng đi học, chiều tôi cùng lũ bạn đuổi đàn trâu vào gặm cỏ ở những đồi cỏ may. Tôi đã để quần áo mặc cho hoa cỏ may bám lấy, tối về nhà cởi cho bà gỡ.

“Sao ngày nào cháu cũng để hoa may bám đầy quần áo thế hả?”. Thuở ấu thơ, nhà nghèo đâu có quần áo thay mỗi ngày?

Đêm, những cây gai may còn sót lại hành hạ giấc ngủ của tôi. Nhặt từng hoa cỏ may đến bao giờ mới hết, bà dùng lưỡi dao lùa làm những cái gai may còn sót lại ở quần, áo.

Để chống những bông hoa may già sắc nhọn, sẵn sàng bám lấy quần áo khi người đi qua, mẹ đã mua cho tôi quần vải dày. Tôi mặc chiếc quần thô đi giữa bạt ngàn hoa may, nhưng chúng không còn bám được nữa.

Tôi thương những bông hoa một thời bám riết lấy quần mình, giờ không thể đâm nổi lớp vải kaki xanh dày. Có những lúc tôi một mình ngồi gỡ, bóc cỏ may.

Những hạt gạo may nhỏ xíu màu trắng ngà đem vào miệng nhai ngọt lắm. Tôi gọi đó là loại thuần khiết tự nhiên không dính phân bón hóa chất. Tự nhiên tôi lại nhớ đến câu chuyện bà hay kể.

Hoa Co may anh 1

Hoa cỏ may. Ảnh: Nông Quốc Lập

Ngày xưa, có một cô bé mồ nhà nghèo lắm. Cô vào rừng kiếm đủ thứ để nuôi sống bản thân. Hoa may dính đầy quần, cô gỡ nhặt những bông may thành hạt gạo nhỏ xíu. Cô ngồi bóc mãi chẳng được bao nhiêu. Cô bé đã bóc. Rồi Bụt hiện lên hỏi “làm sao con khóc?”.

Khi biết sự tình bụt đã cho đàn chim chích giúp cô bóc gạo may. Nhờ phép màu của bụt, cô bé đã được những bữa cơm ngon lành. Và bụt đã chỉ cho cô gái cách trở nên giàu có. Câu chuyện bà kể đã đi sâu vào trong ký ức của tôi.

Vì những nơi tôi đã đi qua tuổi thơ là những quả đồi điệp trùng giống trong câu chuyện cổ tích. Tôi thầm mong mình cũng được gặp Bụt, được thấy cô gái xinh đẹp nhất thế gian. Bà bảo phải có niềm tin thật sự vào những điều kỳ diệu, ắt sẽ gặp được điều không bao giờ có ở trên đời hiện tại.

Làng tôi cách làng của Đinh Thúy Nhiệm không xa lắm, ngày chăn trâu chung một thung lũng đồi dài miết mát. Em thường đem theo sách vở nhờ tôi giảng giải những câu văn, vần thơ, bài toán khó chưa hiểu. Tôi thành thật giúp em bằng cả lòng nhiệt tình để mặc cỏ may bám đầy quần áo.

Một tuần tôi không gặp em thấy nhớ, đồi vắng em cảnh như buồn hơn. Rồi tôi cũng tìm được một mảnh giấy, nơi chúng tôi thường ngồi bên nhau trao đổi chuyện học tập. Nhiệm viết “Sao anh vô tình thế. Anh có biết không, cỏ may gỡ mãi cũng ra, còn thương nhớ ấy gỡ ra thế nào?”. Tôi gặp em đỏ mặt không nói một lời. Ánh mắt chẳng muốn rời nhau.

Mối tình thuở học trò đầy kỷ niệm của tôi từ mùa hoa cỏ may năm ấy. Nhiệm đã nhổ một nắm cỏ may đưa cho tôi. Bó cỏ may này em chúc anh những điều may mắn, tốt đẹp nhất về sau. Chúng mình luôn nhớ về mùa hoa may mười năm anh nhé.

Nhiệm còn nói với tôi, người già nói hoa may có một sức sống mãnh liệt, dù mọc trên đất cằn vẫn lên xanh. Tôi tin vào sự chờ đợi một mùa hoa may mới. Có phải thế không mà ở đâu hoa may cũng mọc, ngay trên những mảnh đất nghèo khô sỏi đá.

Năm tháng cứ qua đi, cho đến một ngày tôi nhận được tin em đi lấy chồng. Em không còn hy vọng, niềm tin ở nơi anh? Hay em không tin ở chính mình? Tôi không muốn tin, nhưng bà tôi bảo. “Cháu ạ, con người ta dễ thay đổi lắm. Nhiệm bây giờ đã là một kỹ sư cầu đường. Một người xinh đẹp, có rất nhiều người theo đuổi, vây quanh. Cháu cứ tin rồi cháu sẽ gặp được một người khác tốt đẹp hơn”.

Hôm nay tôi trở về quê, đi giữa rừng đồi đầy hoa may giăng kín. Hoa như đón chào tôi, muốn bám lấy chân tôi. Tôi mỉm cười tự hỏi: Không biết Nhiệm còn nhớ đến những kỷ niệm tuổi thơ ngây, nhớ đến mùa hoa may nở và câu chuyện tình hoa cỏ may vẫn còn đọng lại chưa một chút phôi pha.

“Nhớ gửi cho anh một nắm cỏ may, để mối tình này in sâu mãi mãi. Và mai sau nếu có dịp trở lại, anh gửi lại em trọn gói nhân tình”. Tôi cứ bước đi trên đám cỏ may xanh mượt trải dài đến tận chân trời xa lắc xa lơ.

Nhớ mùa hoa chiến thắng

Bà tôi gọi hoa bióc mạ là hoa chiến thắng, bởi đúng vào mùa hoa nở năm ấy, bố tôi báo tin chiến trường toàn thắng.

Nhớ mùa xôi đủ sắc

Không nơi nào có xôi sau sau (lá cây phong) như quê tôi. Vào tháng ba, lá sau sau mới thích hợp làm xôi. Trong số các loại xôi đủ sắc màu, xôi sau sau làm khó hơn cả.

Mùa vải chín nhớ bà

Tôi sống với bà từ thuở nhỏ. Bà tôi không biết chữ nhưng thuộc rất nhiều truyện cổ tích, truyền miệng. Bà thường ngồi dưới bóng cây vải to kể cho tôi nghe nhiều chuyện.

Nông Quốc Lập

Bạn có thể quan tâm