Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùa vải chín nhớ bà

Tôi sống với bà từ thuở nhỏ. Bà tôi không biết chữ nhưng thuộc rất nhiều truyện cổ tích, truyền miệng. Bà thường ngồi dưới bóng cây vải to kể cho tôi nghe nhiều chuyện.

Tháng giêng mang về những cơn mưa phùn làm đất tơi tốt, cho con người hơi ấm khắp nẻo đường quê. Những cánh rừng nở bạt ngàn loài hoa đua sắc thắm, thoảng mùi hương làm con người ngất ngây, có nhiều loài hoa tôi không biết tên, gọi nó là hoa rừng hoa dại.

Trong rừng có hoa chuối đỏ tươi, hoa ban màu trắng, phớt hồng, hoa sim, mua màu tím, hoa mạy mạ màu vàng tươi, hoa lưu ly màu tím nhạt, hoa gạo màu đỏ thẫm…

Nhưng gần gũi với con người nhất là hoa vải màu gan gà. Loài hoa không trội như bao loài hoa khác, nhưng với tôi đó là loài hoa rất thiêng liêng, đã gợi trong tôi bao kỷ niệm tuổi học trò.

Tôi sống với bà từ thuở nhỏ. Bà tôi không biết chữ nhưng thuộc rất nhiều truyện cổ tích, truyền miệng. Bà thường ngồi dưới bóng cây vải to kể cho tôi nghe nhiều chuyện.

Nhưng để lại ấn tượng trong tôi nhất là chuyện “Cô cháu nhà cây vải”, nghe làm cho con người ta buồn, khóc thương cho những kiếp người bất hạnh.

Mua vai chin anh 1

Vải chín đầu mùa.

Cô cháu ở với nhau chỉ có một mảnh vườn nhỏ, ngày nào cũng vào rừng săn bắt hái lượm, đào củ mài… để chờ đến mùa vải chín đem bán lấy tiền đong gạo.

Nhưng rồi cô ngã từ trên cây vải xuống tử vong. Phịa (cháu cô) trở thành người bơ vơ, côi cút. Phịa khóc nhiều kiệt sức, chết đi biến thành con chim tu hú, cứ đến mùa vải chín lại kêu cô ơi, cô ơi… mãi không thôi.

Thỉnh thoảng bà vẫn ngâm: “Thương thay cái số hai cô cháu, vì quả vải cô đã lìa đời, cháu chết hóa thành chim đời đời vẫn gọi cô ơi tha thiết…”.

Qua bao mùa mưa nắng cây vải đầu nhà lại thay lá nở hoa. Nhìn hoa vải bà đoán vụ chính xác “quả vải bằng con ong, tra hạt thóc xuống đất”, luôn kịp thời vụ. Bà nhắn tôi năm nay cây vải già cho sai quả lắm cháu về với bà nhé. Thanh Hương đang chờ mong…

Hương là đứa xinh đẹp nhất cạnh nhà tôi, chơi thân, cùng học với tôi từ nhỏ. Chúng tôi hay chơi trò chốn tìm trong vườn cây, kê bàn học dưới cây vải già, Hương hỏi bài tôi và bao nhiêu chuyện khác.

Bà quý Hương lắm có quà bà thường chia cho Hương một nửa. Lớn lên chúng tôi càng quấn quýt bên nhau rất tâm đầu ý hợp. Đã có lần bà nói với Hương “làm cháu dâu bà nhé”. Hương chỉ đỏ mặt không nói gì.

Hương nhìn tôi rụt rè như chờ đợi câu gì đó. Nhưng lúc đó, tôi không nghĩ đến chuyện lấy Hương làm vợ, bởi còn nhiều dự định mà tôi chưa thực hiện được.

Tôi vào đại học, Hương học cao đẳng sư phạm tỉnh, chúng tôi thư từ cho nhau. Sau này, vì công việc, tôi không có thời gian biên thư như lúc đầu.

Thời gian cứ trôi đi theo ngày tháng, cứ tưởng Hương đã lấy chồng, không còn nhớ tới người vô tình như tôi nữa. Vậy mà em đã chờ tôi, âm thầm chăm sóc bà giúp tôi. “Anh là người quá vô tình phải không em?”.

Cây vải đã bao nhiêu năm tuổi rồi nhỉ? 5 năm rồi, tôi không được về quê ăn vải cho một thời hằng yêu thích, cây vải chắc đã già đi nhiều hơn. Cái cây vải già đã cho bà, cho tôi nhiều kỷ niệm vui buồn. Bà bảo cây vải to này do bố tôi trồng từ khi còn nhỏ.

Năm bố tôi đi bộ đội, cây vải cũng bắt đầu ra hoa. Tôi cũng sinh ra từ năm ấy. Nhưng bố đã không về ăn vải, không biết được đứa con của mình là gái hay trai. Hơn 20 năm trôi qua, cây vải bố trồng năm nào cũng ra hoa kết trái.

Mỗi lần cầm những đồng tiền bán vải bà lại rơi nước mắt, nhớ về con trai độc nhất của bà đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường.

Bố tôi và bố Hương chơi thân từ thuở nhỏ. Hai người lấy vợ rồi cùng tiến bước hành quân xa.

“Nếu có hai con trai sẽ cho chúng làm bạn thân thiết; nếu có con trai hay con gái sẽ cho chúng lấy nhau trở thành chồng vợ”. Họ đã dặn bà, dặn vợ trước khi lên đường như thế. Và, cả hai đã mãi mãi không về…

Cây nuôi người ngày qua ngày lại một khác đi. Mới ngày nào quả vải chỉ to bằng đầu ngón tay út, còn xanh lắm. Vậy mà hai, ba tháng sau đã bắt đầu chín rộ. Mùi thơm của vải chín bay khắp núi rừng gọi chim chóc kéo về. Con chim tu hú vẫn gọi hoài cô ơi cô ơi không biết mệt.

Bà ơi bà để vải phần cháu nhé. Cháu sẽ về với bà, về với quê hương, nơi cháu sinh ra, lớn lên với bao kỷ niệm đẹp. Bởi, “nếu không yêu quê hương sẽ không thể yêu được cái gì cả”.

Và bà ơi, cháu sẽ thương yêu Thanh Hương như cháu đã từng yêu thương. Cháu sẽ làm theo lời của hai người đã khuất. Cháu sẽ yêu Hương như cây rừng không thể thiếu đất và ánh sáng Mặt Trời.

Đi qua mùa mận chín cùng những nhớ thương

Mùa hè đến mang theo làn gió nóng ấm, vườn mận nhà tôi bắt đầu vào độ chín. Những cây mận tháng tư, chỉ qua một đêm, hôm sau dưới nắng sớm, đã thấy mận chín vàng mọng nước.

Nông Quốc Lập

Bạn có thể quan tâm