Hồi tôi còn nhỏ, vườn mận do bà trồng năm nào cũng nở hoa trắng xóa. Cả khu vườn rộng đến hai, ba chục nghìn mét vuông với đủ các loài mận, từ mận cơm, tam hoa, mận máu đến mận tháng tư, tháng sáu.
Ngày xuân được đi dưới màu hoa mận trắng, xen lẫn màu hoa đào đỏ thắm, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Tôi lại nhớ bà đi đôi guốc gốc tre chống gậy khắp vườn quét dọn, ngắm nghía, tỉa tót những cành cây.
Sau mỗi trận mưa đêm, sáng ra, dưới làn nắng, những quả mận như lớn lên trông thấy, từ chỗ bé như hạt đỗ xanh đã to bằng hạt đậu đũa. Lũ trẻ chúng tôi thi nhau nhặt những quả xanh chấm muối, bột canh ăn ngon lành, chẳng đứa nào kêu đắng.
Mùa hè đến mang theo làn gió nóng ấm, vườn mận nhà tôi bắt đầu vào độ chín. Những cây mận tháng tư, chỉ qua một đêm, hôm sau dưới nắng sớm, đã thấy quả chín vàng mọng nước.
Bà tôi hái đầy hai làn cho vào đôi hặp (dụng cụ đựng ngô thóc có bắp được đan bằng tre, nứa) gánh đi chợ xã cách nhà gần năm km bán, đổi lấy muối, mì chính, mỡ và chai dầu hỏa thắp sáng mỗi khi đêm về. Vườn mận đã góp phần nuôi sống cả gia đình hơn chục năm.
Hoa mận sẽ nở trắng xóa vào mùa xuân. Ảnh: Ngọc Hiền. |
Cách vườn mận không xa là ngôi nhà Thịnh An, cô bé chơi thân với tôi từ nhỏ. Sáng chúng tôi đến trường, chiều vào vườn nhặt quả rơi chơi những trò con trẻ. Khoái nhất là trò tìm nhau, vườn cây như một hoa đảo các lối đi như nhau, trèo lên cây nào cũng đều bị phát hiện. Ngày nào An ốm, thiếu tiếng cười của bạn, tôi thấy buồn vô kể.
Mùa mận tháng tư vào cuối vụ, lại đến mận máu bắt đầu chín. Mận máu chín đỏ sậm từ trong hột ra ngoài vỏ mọng căng nước. Mận máu chín ăn ngọt, giòn đậm.
Bà tôi đã bảo trong các loại mận, mận máu ăn ngon nhất, tuy cây này không bao giờ sai quả. Bà chẳng bao giờ đem bán quả từ cây mận máu già nhất vườn, chỉ đem biếu khách, để thờ tổ tiên và ăn.
Hạ về, mùa mận lại qua đi. Thỉnh thoảng, tôi mới về thăm quê. Vườn mận nhà tôi giờ cũng không còn nữa. Mỗi khi xuân đến, làng tôi cũng không còn ngập trong sắc trắng của hoa mận, sắc đỏ của hoa đào. Những cây mận đã bị chặt hạ, khô trở thành củi đốt. Vườn nhà tôi trồng các loại cây ăn quả khác như cam, hồng ngâm, nhãn…
Đường làng từ đầu thôn về tới cuối bản đã được bê tông hóa, xe máy đến tận trong vườn. Mỗi khi đến kỳ thu hoạch quả, người dân không còn phải gánh ra chợ xa hàng mấy km. Quả hái xuống đã có xe máy chở đi khắp các chợ trong vùng, có khi quả còn non đã có người đến đặt mua rồi. Có đường, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thật thuận lợi biết bao.
Thương bà suốt cả cuộc đời cái gì cũng phải gánh trên vai. Bao gánh nặng đổ đè trên đôi vai gầy mà cái lưng của bà còng xuống như cái cặp gắp củi ở góc bếp.
Lúc về già, mỗi khi ra đường, con cháu hỏi thăm phải ngoái nhìn ngang mới thấy được mặt người đang đứng phía trước. Khi đôi vai không còn bị đè nặng, không còn thấy mấy người gù lưng đi đứng khó khăn.
Lang thang trong khu vườn xanh mướt mát, thỉnh thoảng những cơn gió nhẹ thổi đến đem theo hương thơm của cỏ cây đồng nội làm lòng người ngất ngây. Hương hoa bưởi, hoa nhãn, hoa xoài, hoa lê, hoa cam… hòa với nhau tạo thành mùi khó phân biệt được.
Và kia, ở một góc vườn xa, mẹ đã trồng mấy cây mận tam hoa. Có lẽ cả làng hơn sáu chục nóc nhà chỉ còn mỗi gia đình tôi trồng mận? Đứng trước hàng cây mận hồi lâu, ký ức trong tôi thổn thức gọi về.
Đêm đến, ánh điện soi sáng những ngôi nhà bao quanh núi, những ngôi nhà dựng sát chân đồi xa. Những cái đèn dầu đã trở thành quá khứ. Tôi còn nhỏ vẫn thường nghe bà nói với hàng xóm “đi chợ quên gì thì quên nhưng không được quên mua chai dầu thắp”.
Có người đi chợ chỉ vì phải mua chai dầu. Chợ phiên 5 ngày họp một lần, ở xa mà phải đi bộ, ra đến chợ phải mua mỗi thứ một ít đủ dùng trong 5 ngày.
Từ khi đường được mở đến khắp các bản làng, điện thắp sáng làm thay đổi cuộc sống nhiều lắm. Đêm đầu tiên nhìn thấy ánh điện từ cái bóng đèn treo ngược, bà tôi rất vui mừng. 10 cái đèn dầu không bằng cái bóng đèn. Đến khi nhà sắm được radio, tivi, bà càng choáng ngợp. Mười mấy năm thấy được ánh sáng của đèn điện, bà tôi mới đi xa.
Bây giờ, có lẽ chẳng ai còn thắp sáng bằng đèn dầu nữa rồi. Chúng được cất kỹ ở góc nhà để phòng khi mất điện lại đem ra thắp tạm. Ôi những cái đèn dầu le lói đã soi sáng trang sách vở của lớp người chúng tôi một thời, mãi không bao giờ quên.