Vào mùa hè, quê tôi không có hàng phượng vĩ nở đỏ rợp trời, làm sáng rực trên các tuyến đường thành phố. Cũng chẳng có những con đường được tô thắm bởi sắc tím bằng lăng.
Nhưng quê tôi có một loài hoa nở khắp bốn mùa, nhưng nở rộ nhất vào độ hè thu, mà bà tôi gọi đó là hoa chiến thắng. Đó chính là hoa bióc mạ, một loài cây mọc ven chân núi đồi, ven con suối hay những cánh rừng đại ngàn xa. Những bông hoa to mà cứ ngỡ như loài hoa gạo mọc ở đầu làng.
Cây hoa bióc mạ là loài thân gỗ, lá tựa như lá cây vải nhưng to gấp hai ba lần lá vải, cây cao có thể cao tới hơn hai chục mét. Vào mùa hoa nở cách xa cả nghìn mét vẫn nhìn thấy màu hoa đỏ, vàng khoe sắc.
Hoa bióc mạ mà bà tôi vẫn thường gọi là hoa chiến thắng. Ảnh: Ngọc Minh. |
Những chùm hoa bióc mạ bung ra thả xuống cùng tán lá xanh trông thật đẹp làm trái tim ai xao xuyến bồi hồi. Hoa nở rực sáng cả góc rừng, một tuần chưa phai sắc. Cũng chưa thấy ai chơi hoa bióc mạ bao giờ, hoa tàn rồi hoa rụng trước sàn nhà cũng chẳng ai buồn nhặt.
Người dân quê tôi vào rừng không chặt cây bióc mạ về làm củi. Thân gỗ của nó có lẽ đun không cháy đượm như cây xạ khài, sau sau, hay bởi cây bốn mùa ra hoa khoe sắc mà người ta không nỡ chặt?
Bà tôi kể vào ngày mồng một tết hàng năm, các bà bụt ngồi bụt trai gái trong bản hay pây ẻn (đi én) mỗi người tự gấp con én của mình rồi cùng nhau cắm vào cái ống bơ để cạnh bà bụt. Bà bụt dùng cây quạt xua những con én giấy bay lắc lư.
Đàn én bay đi khi mệt chia cành cây mà đậu. Có con đậu vào cây mác noa (cây vả) người này số tốt ngồi tọa hưởng lộc trời. Có người số khổ en đậu vào cây bióc phón, đau khổ buồn chết. Én đậu vào cây bióc mạ, số chẳng đạ (tốt) bao nhiêu.
Tôi không hiểu sao một loài cây lá bốn mùa xanh, hoa đẹp ngây ngất lòng người mà lại không đem niềm vui cho con người? Chẳng thế mà khi sli, lượn người con gái hay ví thân mình với loài hoa bióc mạ, đẹp đấy mà chỉ để ngắm từ xa, không ai hái, chẳng để yêu thương.
Hồi tôi còn nhỏ đã thấy cây mạy mạ mọc trước sàn nhà, cách cửa nhà chỉ mấy chục bước chân. Chẳng biết ai đã đem cây mạy mạ về trồng? Hay hạt từ đâu theo gió bay về và rơi xuống trước nhà gặp đất ẩm ven suối đã mọc lên xanh tốt? Đến mùa hoa nở ai cũng không tiếc lời khen “hoa bióc mạ nở đẹp thế”.
Họ khen và ngắm hoa một lát rồi quay gót, mặc cho cánh hoa rụng tàn theo cơn gió vi vu. Mặc cho lũ bướm và ong mật bay rợp trên tầng cây cao, con đến con đi cứ như thoi đưa suốt cả ngày. Và cũng chẳng ai buồn quan tâm đến cây mạy mạ có quả hay không?
Tôi không hiểu một loài qua ở ngay trước nhà, cây to vươn cao chẳng ai buồn chặt làm củi, cũng chẳng ai chơi hái hoa bióc mạ mà sao bà tôi gọi đó là hoa chiến thắng?
Bà nói cứ gọi hoa bióc mạ đỏ bióc mạ vàng, bà không được học cái chữ nên chẳng biết người xuôi họ gọi là hoa gì. Mà hoa này ở dưới xuôi làm gì có.
Bà gọi hoa bióc mạ là hoa chiến thắng bởi bố mày báo tin chiến trường toàn thắng. Ngày hè năm đó cây hoa bióc mạ trước sàn nhà tôi, từng chùm hoa đỏ, vàng nở rộ từ cành gốc đến cành ngọn. Từ rất xa người ta có thể nhìn thấy cây hoa làm bừng sáng ngôi làng nhỏ của tôi.
Cây hoa nở choáng ngợp cho đến ngày bố trở về. Tay rưng rưng cầm trên tay chén mật ong vàng óng uống một ngụm mà bố nói mật ong được làm từ hoa bióc mạ. Hương tinh khiết, thơm dìu dịu của nó không thể lẫn vào đâu được.
Bà tôi đã đi xa đã chục năm, nhưng mỗi khi hè về tôi vẫn như thấy bà đang ngồi trên sàn nhà, miệng trai trầu bỏm bẻm, giương đôi mắc mờ đục lên ngắm nhìn những bông hoa bióc mạ đang thi nhau khoe sắc, một loài hoa mọc tự nhiên mà bà vẫn gọi là hoa chiến thắng.