Mấy mùa hạ gần đây không còn giống như những mùa hạ trước, nắng mưa bất chợt. Trời đang nắng bỗng chốc mây đen kéo đến rồi mưa giăng kín trời. Những người đi xe máy vội vàng dừng lại, mở cốp lấy áo mưa ra mặc. Người quên không mang theo vội đi xe lên vỉa hè chạy vào trạm chờ xe buýt trú tạm.
Nhìn xuống lòng đường, nước mưa trôi đi trên lớp nhựa nhẵn bóng, dập tắt cái nóng những ngày hè oi ả. Mưa ngớt những cái lá xanh trên cành cây được rửa sạch trông xanh tươi hơn. Những hạt nước mưa còn sót lại ở đuôi lá lung linh như hạt ngọc dưới ánh nắng cuối chiều.
Sau những ngày nắng nóng, cơn mưa rào xối xả chẳng khác gì "mưa vàng, bạc" đối với người nông dân. Cánh đồng lúa đang chờ từng con nước về để bừa ải, cấy cày. Những đám ruộng đã cấy vì nắng hạn nứt nẻ chờ nước về để hồi sinh phát triển tốt tươi.
Có phải con người ta sợ mưa hơn nắng? Ở miền quê của tôi, dường như chẳng ai sợ mưa. Cơn mưa to đến, họ hân hoan. Những người đàn ông chỉ đội mỗi cái mũ trên đầu, không mặc áo mưa mà lái máy cày phăm phăm trên cánh đồng no nước.
Những người mẹ, người chị và cả những người bà vẫn cặm cụi cấy hàng mạ thẳng tắp, miệng nói cười hân hoan. Vui vì cấy được lúa, vui vì tin vào mùa vàng bội thu sau sau trăm ngày sau nữa.
Bà tôi bảo nước ở dưới gốc thường xuyên, chẳng bằng nước từ trên trời xuống tưới cho một trận. Nước ở mỏ, sông theo dòng kênh về chỉ tưới phần gốc. Nước trên trời tưới cả lá, cả cây, gốc, cây tươi xanh hơn.
Tây Bắc mùa nước đổ hay còn gọi là mùa đổ ải - một trong những nét độc đáo trong du lịch của miền núi phía Bắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: Thu Phương. |
Cái ao sen đang ủ rũ buồn hiu chịu trận những ngày nắng gay gắt, qua cơn mưa, bỗng tươi cười với cái nắng, gió hè. Tôi nhớ thuở còn thơ sáng đến trường, chiều về chăn trâu trên cánh đồng cỏ mênh mông, ngồi trên lưng trâu mặc cơn mưa đang trút xuống trên đầu.
Rồi lũ trẻ lao vào nhau chơi trò té nước mưa. Lúc ra khỏi nhà, áo quần khô, thoảng thơm mùi xà phòng, tối về đứa nào cũng ướt sũng. Dãi nắng dầm mưa vậy mà không có đứa nào bị cảm cúm.
Chỉ thương những người bà, mẹ vì dầm mưa cấy lúa bị ốm, phải xông thuốc, uống thuốc mấy ngày mới khỏi. Song, chẳng ai than vãn một lời, vì “Cấy được lúa là tốt rồi”.
Với những người nông dân ở quê, cái ăn, mặc luôn là nỗi lo suốt cả một mùa cấy hái. Cấy được lúa rồi vẫn chưa hết lo, khi nào mang về phơi khô, chất đầy trong thùng, mới thật sự yên tâm. Bão bùng, mưa đá là những vị khách mà người nông dân không mong muốn. Vất vả là thế nhưng thóc lúa chẳng bán được bao nhiêu.
Bao nhiêu tiền thuê máy cày gặt hái, giống, phân bón, người nông dân chẳng được bao nhiêu. Có lần, bà đã nói với tôi như thế. Nhưng chẳng lẽ không làm để cỏ mọc hoang trên đất?
Người nông dân quý hòn đất, xem tấc đất như tấc vàng, nên đã không để chúng ngừng nghỉ. Mùa cấy lúa, vụ trồng ngô, trồng rau xanh, hành, khoai, góp phần tăng thêm thu nhập cho người nông dân.
Những hạt thóc vàng đã nuôi bao lớp người khôn lớn. Nhiều người đã thoát ly khỏi miền quê, với cánh đồng thẳng cánh cò bay, đến những thành phố đầy sôi động sinh sống, làm việc. Họ đi làm, ngồi trong phòng có máy điều hòa nắng không dội lên đầu, mưa chẳng ngập gót chân. Có còn ai nhớ đến miền quê, những con người lam lũ?
Thỉnh thoảng, tôi vẫn đi về quê tận hưởng không khí mát lành mùa hạ, để nghe, thấy những chiếc máy cày, bừa đang hối hả ngày đêm trên cánh đồng xa tít tắt.
Những cơn mưa rào trút xuống trên đầu làm người nông dân ướt sũng. Những cơn mưa ký ức, hình ảnh người bà, mẹ, chị đội nón lá trên đầu khom lưng cấy lúa và lũ trẻ rong trâu trên cánh đồng cỏ xanh hiện ra trước mắt tôi rất đỗi thân thương và gần gũi.