Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khoảng trống lãnh đạo của thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19

Các nhà lãnh đạo trên thế giới cuối cùng cũng phải nói về những tác động mà Covid-19, căn bệnh vừa được WHO tuyên bố là đại dịch, gây ra.

Tại Frankfurt, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo rằng virus corona có thể gây ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng như năm 2008. Tại Berlin, thủ tướng Đức cho biết 2/3 dân số Đức có thể nhiễm virus. Tại London, thủ tướng Anh tung ra gói cứu trợ trị giá gần 40 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế.

Khi số người nhiễm virus tăng vọt và thị trường tài chính từ Tokyo đến New York thiệt hại nặng nề, các nhà lãnh đạo trên thế giới cuối cùng phải lên tiếng về sự nghiêm trọng của thứ vừa chính thức trở thành đại dịch.

Phản ứng của thế giới cũng thiếu một người chỉ huy, vai trò Mỹ thường đảm nhận trong thời kỳ hậu Thế chiến II.

doi pho Covid-19 anh 1

Du lịch Italy vắng khách vì dịch bệnh. Ảnh: AFP.

"Nên tập trung chống dịch thay vì lo cho kinh tế"

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không làm việc với các lãnh đạo khác để đưa ra một phản ứng chung. Ông thích tuyên truyền về bức tường biên giới của mình hơn là nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế của chính ông. Trong một tuyên bố ngày 11/3, ông Trump tuyên bố lệnh cấm người từ châu Âu nhập cảnh trong vòng 30 ngày.

Ông Trump cũng cho rằng châu Âu không có phản ứng phù hợp để ngăn dịch bệnh và nhiều ổ dịch ở Mỹ đến từ châu Âu, nhưng không đưa ra bằng chứng cho sự đổ lỗi này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thích gọi loại virus này là virus “Vũ Hán”, điều sẽ khiến những người Trung Quốc không hài lòng và khiến việc tạo nên phản ứng toàn cầu phức tạp hơn.

Chính sự chê bai khoa học và thôi thúc ngăn người ngoài - điểm chung của các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc đến Iran và những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu - đang gieo rắc sự hoài nghi và khiến mọi người không biết nên tin ai.

doi pho Covid-19 anh 2
Tổng thống Trump gặp gỡ các chủ ngân hàng tại Nhà Trắng hôm 11/3 để thảo luận về phản ứng trước dịch bệnh. Ảnh: New York Times.

Trong lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin của Nga và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia nắm bắt sự rối loạn dịch gây ra để củng cố quyền lực của họ.

Tuy nhiên, chúng ta không thể hy vọng tất cả vào ông Trump hay các lãnh đạo thế giới. Một phần của vấn đề chỉ đơn giản do bản chất của virus Covid-19.

Các công cụ dùng trong các tai họa toàn cầu trước đó không có tác dụng với Covid-19. Các quốc gia điên cuồng thử các phản ứng khác nhau trước dịch bệnh do không rõ phương thức lây lan của virus. Việc thiếu các tiêu chuẩn chung trong xét nghiệm và kiểm dịch đã làm người dân thêm lo lắng và xói mòn niềm tin vào các nhà lãnh đạo.

Vũ khí mà chính phủ sử dụng để xếp lại trật tự sau cuộc tấn công khủng bố 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 không áp dụng được với việc các nhà máy iPhone bị đóng cửa ở Trung Quốc, thuyền gondola ở Venice không có khách và du thuyền, khách sạn cùng máy bay ế ẩm.

“Bản chất của cuộc khủng hoảng này khác so với năm 2008 bởi vì các công cụ truyền thống không hiệu quả”, ông Richard N. Haass, chủ tịch của tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói với New York Times. “Ngay cả khi Mỹ giữ vai trò lãnh đạo, kịch bản có thể không giống như trước đây”.

Đối với ông Haass, việc các quốc gia tập trung mạnh mẽ vào hạn chế tác động đến kinh tế là điều dễ hiểu do thị trường đang lao dốc. Ông Haass cho rằng những hành động này vẫn còn sớm. Ông cho rằng các quốc gia cần tập trung làm chậm và giảm sự lây lan của virus trước khi bắt tay vào các chương trình tài chính để sửa chữa thiệt hại kinh tế.

Châu Âu chia rẽ

Vấn đề là ở chỗ những nỗ lực của họ đã trở nên vô ích, trừ vài ngoại lệ. Tại Mỹ, các quan chức không thể có cái nhìn về quy mô của dịch do bộ xét nghiệm không được nghiên cứu và số người được xét nghiệm quá ít, thậm chí vài tuần sau khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở nước này.

Ở Italy, các chính trị gia và các chuyên gia y tế cãi vã về việc chính quyền có đang xét nghiệm quá nhiều người ở Lombardy khiến số ca nhiễm bị thổi phồng và dư luận hoang mang hay không. Ngay cả việc so sánh số ca nhiễm của một quốc gia khác với quốc gia khác là gần như không thể vì quy trình xét nghiệm và tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau trên khắp thế giới, tiến sĩ Chris Smith, chuyên gia về virus học tại Đại học Cambridge cho biết.

doi pho Covid-19 anh 3

Người dân đeo khẩu trang ở vùng Lombardy, Italy, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng của Covid-19 nặng nề nhất thế giới. Ảnh: AP.

Số ca nhiễm ở Trung Quốc tăng vọt khi quốc gia này bắt đầu ghi nhận số ca dương tính dựa trên các triệu chứng thay vì làm xét nghiệm, phương pháp mà hầu hết quốc gia vẫn đang sử dụng. Nhưng ngay cả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng có thể mang lại kết quả khác nhau ở những nơi khác nhau, tùy thuộc vào phương pháp các phòng thí nghiệm sử dụng và cách các nhân viên y tế thu thập, xử lý mẫu vật.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã làm giảm động lực hợp tác của các quốc gia. Các nhà lãnh đạo châu Âu, trong cuộc họp tối 10/3, đã đồng ý thành lập một quỹ đầu tư 25 tỷ euro (28,1 tỷ USD) và nới lỏng các quy tắc quản lý các hãng hàng không để kinh tế không sụp đổ.

Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc vượt qua sự phản đối trong nước để chia sẻ các thiết bị y tế như khẩu trang và máy thở vì vấn đề sức khỏe là trách nhiệm của các chính phủ. Đức, Cộng hòa Czech và các quốc gia khác thắt chặt hạn chế xuất khẩu các thiết bị này để dùng trong nước.

“Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói. “Chúng ta sẽ không hỏi ‘Điều này khiến ta thâm hụt như thế nào?’ mỗi ngày nữa”.

Đức cũng từ chối yêu cầu cung cấp thiết bị y tế cho Italy để rồi sau đó nhìn Trung Quốc đề nghị viện trợ 2 triệu khẩu trang và 100.000 máy thở cho Italy.

Tại Anh, quốc gia đã rời Liên minh châu Âu vào tháng 1 và là ngoại lệ trong lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump, đã có những lo ngại rằng Anh sẽ không được tiếp cận vắc-xin hoặc sẽ phải trả nhiều tiền hơn so với các quốc gia châu Âu khác.

Chính phủ Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang chật vật trong việc tìm cách truyền đạt các rủi ro của dịch bệnh này cho công chúng.

Anh mới chỉ bắt đầu công bố tin tức về các ca nhiễm virus. Ông John Ashton, người từng đứng đầu cơ quan y tế công cộng khu vực tây bắc nước Anh, nói rằng chính phủ nên cung cấp thông tin chi tiết hơn như ở Hong Kong. Hong Kong đã công bố sơ đồ các bệnh nhân mắc bệnh, thời điểm và cách thức họ nhiễm.

“Tôi nghĩ rằng đó là thái độ kẻ cả - họ cần cho công chúng thấy bức tranh toàn cảnh”, ông Ashton nói. “Bạn phải đối xử với công chúng như người trưởng thành thay vì không cho họ biết gì cả. Họ gây ra sự hoảng loạn bằng cách không cho công chúng biết thông tin”.

'Ở đây không ai mang khẩu trang, họ còn ném bật lửa vào người đeo'

Các du học sinh Việt Nam ở Đức đang khá lo lắng khi người dân ở đây không hề đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thậm chí, họ còn bị kỳ thị khi đeo khẩu trang ngoài đường.

Mỹ khuyến cáo công dân không nên đi ra nước ngoài giữa mùa dịch

Sau tuyên bố ngừng nhận người châu Âu tới Mỹ của Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao nước này khuyến cáo công dân Mỹ không nên di chuyển ra nước ngoài giữa mùa dịch.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm