Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ở đây không ai mang khẩu trang, họ còn ném bật lửa vào người đeo'

Các du học sinh Việt Nam ở Đức đang khá lo lắng khi người dân ở đây không hề đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thậm chí, họ còn bị kỳ thị khi đeo khẩu trang ngoài đường.

Đặt chân xuống sân bay quốc tế Frankfurt, Đức ngày 2/3, Nguyễn Khánh Quỳnh và những người bạn đi cùng vô cùng ngạc nhiên.

Trước khi lên máy bay, Quỳnh đã nghe tin số người nhiễm Covid-19 ở Đức tăng lên gấp đôi, từ 66 ca vào ngày 29/2 lên 129 ca vào ngày 1/3. Do đó, Quỳnh nghĩ Đức sẽ có những biện pháp kiểm dịch để ngăn ngừa số ca nhiễm tăng lên. (Đến ngày 11/3, Đức đã có 1.908 ca nhiễm virus được xác nhận, với 3 ca tử vong).

Tuy nhiên, du học sinh 22 tuổi tại trường Đại học Khoa học Ứng dụng Frankfurt và những người bạn không phải đi qua máy đo thân nhiệt hay làm bất kỳ thủ tục khai báo nào. Tại sân bay Frankfurt cũng chỉ có một tấm biển nhỏ xíu nói về dịch bệnh, Quỳnh chia sẻ với Zing.vn khi vừa dọn xong đồ vào ký túc xá.

Đó không phải điều duy nhất làm những du học sinh này lo lắng.


nguoi Viet o Duc anh 1

Người dân Đức không có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: NVCC.

“Không ai đeo khẩu trang cả”

“Từ sân bay về ký túc xá, bọn mình phải đi tàu điện ngầm. Và trên tàu thì không ai đeo khẩu trang cả. Mấy ngày nay mình có đi đến siêu thị và trường học để làm một số việc, ở những nơi đó cũng không có ai đeo khẩu trang”, Nguyễn Phan Bảo Việt, du học sinh đi cùng Quỳnh, nói với Zing.vn đầy lo lắng.

“Nhìn người dân Đức thoải mái như vậy mình cũng đỡ lo, nhưng mà nhìn số ca nhiễm Covid-19 ở đây tăng lên mỗi ngày thì việc nhiều người không đeo khẩu trang như vậy làm mình rất sợ. Mình cảm thấy như người Đức không hề phòng dịch”, Việt nói thêm.

Tuy nhiên, những du học sinh này cho biết dung dịch sát khuẩn tay và khẩu trang đã bắt đầu “cháy hàng” trong các siêu thị.

nguoi Viet o Duc anh 2

Thông báo dán trước quầy dung dịch sát khuẩn nhanh trong một siêu thị tại Đức. Dòng chữ trên thông báo có nghĩa: "Kính thưa quý khách, do tình hình hiện tại, chúng tôi đã hết dung dịch sát khuẩn. Chúng tôi đang cố gắng để có thêm hàng". Ảnh: NVCC.

“Trước khi sang đây, các anh chị có dặn mình mang giúp một ít dung dịch sát khuẩn tay và khẩu trang vì ở Đức bây giờ không thể mua được những thứ đó nữa”, Nguyễn Hồng Lam Giang, một du học sinh tại trường Đại học Khoa học Ứng dụng Frankfurt, cho biết. “May mắn là những nơi như trường học vẫn có trang bị cồn để sát khuẩn tay”.

nguoi Viet o Duc anh 3

Dung dịch sát khuẩn nhanh "cháy hàng" tại siêu thị Đức. Ảnh: NVCC.

Giang cũng nghĩ rằng người Đức khá chủ quan. “Mình đồng ý rằng khẩu trang chỉ cần đeo khi bản thân bị bệnh để tránh lây truyền cho người khác. Nhưng lên phương tiện công cộng ở Đức mình thấy nhiều người ho liên tục mà không đeo khẩu trang gì cả, thật nguy hiểm”, Giang nói.

"Virus corona ở đây này"

Ngoài việc không đeo khẩu trang, người dân ở Đức cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với người châu Á, đặc biệt là những người đeo khẩu trang.

“Ở đây người dân chỉ đeo khẩu trang khi có bệnh nên người Việt Nam đeo khẩu trang thường nhận được những ánh nhìn soi mói, kỳ thị”, Nguyễn Gia Khánh, du học sinh Việt Nam đã ở Đức hơn 1 năm cho biết.

Theo Khánh, những người già thì khá tế nhị, họ chỉ âm thầm nhìn và cũng không hỏi thẳng. Khánh kể khi Đức phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, nhiều người trong khu đã tìm đến hàng xóm để hỏi xem Khánh có phải người Trung Quốc hay không chứ không hỏi thẳng.

nguoi Viet o Duc anh 4

Nguyễn Gia Khánh cho biết cô nhận được nhiều ánh mắt không mấy thiện cảm khi đeo khẩu trang ra ngoài ở Đức. Ảnh: NVCC.

Còn khi đeo khẩu trang ngoài đường và gặp những nhóm bạn trẻ, Khánh sẽ cố giữ khoảng cách với họ. “Có lần họ chạy đến trước mặt mình và hét lên ‘Virus corona ở đây này’ rồi cười lớn”, Khánh chia sẻ với Zing.vn.

Khánh cảm thấy may mắn vì chỉ gặp tình huống này 3 lần. Bạn của Khánh thậm chí bị ném bật lửa vào người chỉ vì đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, Khánh không quá sợ hãi. “Mình tin là thành phố này an toàn. Xâm phạm thân thể người khác ở đây là tội nặng lắm. Camera có ở khắp nơi và cảnh sát cũng tới ngay khi được gọi”, Khánh nói.

Kế hoạch bị gián đoạn

Các du học sinh này cho biết nhịp sống ở Đức vẫn diễn ra bình thường và chính phủ Đức chưa đưa ra các biện pháp hạn chế tụ tập nơi đông người.

“Tuần vừa rồi Đức có nhiều lễ hội carnival. Nhiều người hâm mộ bóng đá vẫn đi xem các trận đấu bình thường nên mình nghĩ sắp tới Đức sẽ phát hiện nhiều ca nhiễm hơn”, Khánh cho biết.

Tính đến ngày 11/3, Đức đã có 1.908 ca nhiễm virus được xác nhận, với 3 ca tử vong.

nguoi Viet o Duc anh 5

Sinh hoạt ở Đức vẫn diễn ra bình thường. Người dân không đeo khẩu trang mặc dù số ca nhiễm Covid-19 đang tăng lên ở đây. Ảnh: NVCC.

Khánh cũng đã bắt đầu tích trữ đồ ăn đề phòng dịch bệnh lan rộng. “Mình mua thêm đồ ăn đủ cho 1 tuần, mua thêm ít gạo và mì gói thôi vì mình cũng không muốn gây nên tình trạng hết hàng”, Khánh nói.

Cô bạn cũng cho biết trong các siêu thị, ngoài khẩu trang và dung dịch sát khuẩn, mì Ý cũng bắt đầu hết hàng và những mặt hàng này có giá khá đắt.

“Một số nhà thuốc ở nơi mình sống bán 1 chiếc khẩu trang y tế giá 1,5 euro (1,67 USD). Còn ở chỗ bạn mình phát hiện nhiều ca nhiễm hơn, họ bán tận 10 euro (11,44 USD) một chiếc khẩu trang”, Khánh chia sẻ. Theo Khánh, những chiếc khẩu trang này mỏng hơn loại khẩu trang y tế mà cô nhờ bạn mang qua từ Việt Nam.

Số ca nhiễm tăng nhanh ở Đức cũng làm gián đoạn kế hoạch của các du học sinh Việt Nam. Khánh chia sẻ ban đầu cô có ý định về Việt Nam vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, cô bạn đã hủy chuyến vì sợ ảnh hưởng đến người thân của mình.

“Mình về lúc này sẽ khiến mọi người hoang mang, chưa kể mình không biết bản thân có nhiễm bệnh hay không”, Khánh tâm sự với Zing.vn.

Với những du học sinh mới đến Đức như Quỳnh, Việt và Giang, dịch Covid-19 khiến họ không thể thăm thú, khám phá nước Đức như kế hoạch ban đầu. “Mình có dự định tham quan nhiều nơi và gặp một số người thân ở Đức. Nhưng do dịch bùng phát, những kế hoạch này đều bị hủy hết”, Quỳnh chia sẻ.

Họ cũng đang làm mọi cách để bảo vệ bản thân mình. “Bây giờ mình chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Mình cũng tập thể dục để tăng cường sức khỏe, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Phải tự bảo vệ bản thân thôi”, Việt nói thêm.

nguoi Viet o Duc anh 6

Du học sinh Nguyễn Phan Bảo Việt cố gắng hạn chế ra ngoài và làm mọi cách để bảo vệ bản thân. Ảnh: NVCC.

Nhưng trên hết, họ cũng hy vọng dịch bệnh có thể được kiểm soát sớm. “Thấy tình hình Đức như vậy, ba mẹ mình cũng lo lắm. Ba mẹ không muốn mình sang Đức học đó chứ. Tuy nhiên, mọi thứ đã lên kế hoạch từ lâu rồi, vé máy bay cũng đã mua nên bố mẹ phải để mình đi. Mình hy vọng thế giới kiểm soát được dịch bệnh để mọi người không phải lo lắng nữa”, Giang chia sẻ.

Những du học sinh này cũng cập nhật tình hình dịch bệnh mỗi ngày để có được sự chuẩn bị tốt nhất. “Mỗi ngày mình đều xem thông tin về dịch Covid-19 trên các báo lớn của Đức. Mình cũng mong mọi người hãy giữ bình tĩnh vì hoảng loạn không giúp chúng ta chống dịch”, Quỳnh bày tỏ.

Virus corona là gì?

Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó.

Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS).

WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Cơ chế tấn công của virus với tế bào người?

Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động.

Nên lo lắng thế nào?

Các đợt bùng phát mới ở châu Á, châu Âu và Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nỗi lo về đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng virus sẽ lây lan sang nước này.

Làm thế nào để giữ cho bản thân và những người khác an toàn?

Rửa tay thường xuyên là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, cùng với việc ở nhà nếu bạn ốm.

Nếu tôi đi du lịch thì sao?

C.D.C. cảnh báo những du khách lớn tuổi và có nguy cơ nên tránh Nhật Bản, Italy và Iran.

Cơ quan này cũng đã khuyến cáo chống lại tất cả chuyến du lịch không cần thiết đến Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nên chuẩn bị thế nào nếu dịch lây lan?

Giữ dự trữ thuốc thiết yếu trong 30 ngày. Hãy tiêm phòng cúm.

Chuẩn bị sẵn đồ gia dụng thiết yếu và hệ thống hỗ trợ tại chỗ cho các thành viên gia đình cao tuổi.

Virus đã lây lan tới đâu?

Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 120.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Virus truyền nhiễm thế nào?

Theo nghiên cứu sơ bộ, nó có vẻ truyền nhiễm vừa phải, tương tự SARS, và có lẽ được truyền qua hắt hơi, ho và bề mặt bị ô nhiễm.

Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ai đang làm việc để ngăn chặn virus?

Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các quan chức ở Trung Quốc, nơi sự phát triển của dịch bệnh đang chậm lại.

Nhưng trong tuần này, khi các trường hợp được xác nhận tăng vọt ở hai châu lục, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn.

Phong tỏa ở Italy khác gì so với Vũ Hán? Sau lệnh cách ly 16 triệu người tại vùng Lombardy và 14 tỉnh khác để ứng phó dịch Covid-19, quốc gia thu hút du khách bậc nhất châu Âu trở nên hoang vắng hơn bao giờ hết.

'Bệnh nhân số 0', Carnival và khởi nguồn của dịch Covid-19 tại Đức

129 người ở Đức đã nhiễm Covid-19. Dịch bệnh lan rộng có thể khiến cơ sở hạ tầng y tế công cộng của Đức quá tải vì các bác sĩ và bệnh viện chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.

Đức cảnh báo Covid-19 đã trở thành 'đại dịch' toàn cầu

Đức cảnh báo dịch Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu trong bối cảnh các nước trên thế giới đang tăng cường các biện pháp phòng chống nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm