Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khoảng trống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam

Bốn năm thăng hoa của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo có dấu ấn đậm nét của đào tạo trẻ, nhưng nền móng ấy không còn là điểm tựa cho thành công.

tuyen viet nam anh 1

Phút 17, trận Việt Nam gặp Nhật Bản ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, Takumi Minamino có bóng ở biên trái. Tiền đạo 26 tuổi bứt tốc loại bỏ Nguyễn Phong Hồng Duy, rồi căng ngang như đặt cho Junya Ito đệm bóng lập công. Đây cũng là bàn thắng duy nhất, giúp Nhật Bản giành 3 điểm ở Mỹ Đình.

90 phút thi đấu tối 11/11 cho thấy khác biệt đẳng cấp giữa bóng đá Nhật Bản và Việt Nam. Khác biệt ấy được nhìn thấy rõ ràng nhất ở hai cầu thủ làm nên bàn thắng cho “Samurai áo xanh”. Minamino có cùng bước đường trưởng thành với lứa HAGL-JMG khóa I của Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường,... nay đá cho Liverpool. Ito thăng tiến nhờ nền tảng bóng đá học đường, giờ khoác áo CLB Genk (Bỉ) và là trụ cột của ĐTQG.

Được huấn luyện bài bản ở các học viện, hay tuyển chọn từ môi trường bóng đá học đường, Minamino và Ito là hình mẫu tiêu biểu cho chiến lược đào tạo trẻ của bóng đá Nhật. Chiến lược ấy, bóng đá Việt Nam vẫn đang mòn mỏi kiếm tìm.

Nỗi lo của HLV Park

HLV Park Hang-seo đứng lặng hồi lâu ở cabin kỹ thuật, sau trận thua 0-1 của tuyển Việt Nam tối 11/11. 5 tháng trước, khi cùng tuyển Việt Nam vượt vòng loại hai, ông khẳng định: “Nhiệm vụ của tôi ở ĐTQG đã xong”. HLV Park hiểu rõ với tuyển Việt Nam, lọt vào vòng loại cuối là ngưỡng cuối. Vòng loại World Cup khốc liệt hơn nhiều so với Asian Cup. Với lực lượng này, bóng đá Việt Nam khó mong mỏi nhiều hơn.

5 trận thua liên tục, nguy cơ rơi khỏi top 100,... thực chất không quá áp lực với đội tuyển chỉ đặt mục tiêu cọ xát ở vòng loại cuối. Nhìn tích cực, những trận đấu với Saudi Arabia, Nhật Bản và Australia của tuyển Việt Nam đều ở mức chấp nhận được. Từ những thất bại không kịp vuốt mặt trong quá khứ đến thua cách biệt 1 bàn, thua ngược bởi thẻ đỏ,... là khoảng cách của nỗ lực bền bỉ.

tuyen viet nam anh 2

Tuyển Việt Nam nhìn thấy khoảng cách với những nền bóng đá hàng đầu châu Á nhờ thất bại ở vòng loại thứ ba, nhưng lo lắng của HLV Park Hang-seo là liệu trong tương lai, ĐTQG còn đủ lực góp mặt ở sân chơi này. Ảnh: Việt Linh.

Hành trình rút ngắn cách biệt trình độ ấy có dấu ấn đậm nét của đào tạo trẻ. Thế hệ 1995-1997, kết hợp giữa lứa Công Phượng, Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Trần Đình Trọng,... đồng loạt chín muồi ở thời điểm năm 2018. Đây là quả ngọt, gần 10 năm sau chuyển dịch tư duy của bóng đá Việt Nam.

Những viên ngọc thô mang tên Công Phượng, Xuân Trường là thành quả từ chiến lược đào tạo trẻ dị biệt của bầu Đức. Năm 2007, ông gây tranh cãi khi san rừng cao su, xây Học viện HAGL - JMG trên đỉnh núi Hàm Rồng. Hàng nghìn tỷ đổ vào bóng đá trẻ, đổi lấy lứa 1995-1996 đầy tài năng sau đó trở thành trụ cột của U19, rồi U23 Việt Nam.

8 năm sau, đến lượt lứa trẻ của bầu Hiển trình làng. Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh,... được mua lại từ hệ thống đào tạo trẻ của Sở TDTT Hà Nội, thi đấu giải trẻ đều đặn từ 15 tuổi, rồi lên chơi V-League ở tuổi 19.

Hai lứa tài năng của bầu Đức, bầu Hiển kết hợp với những trung tâm của Viettel, PVF, SLNA... là những trụ cột của bóng đá trẻ. Bóng đá Việt Nam hái quả ngọt với tư duy trồng người đúng đắn. Nhưng, đào tạo trẻ ở Việt Nam chỉ mới dừng ở mức cảm hứng của các ông bầu, chưa được nâng tầm chiến lược.

Đã gọi là chiến lược, phải được thực hiện đồng loạt bởi các đội bóng, phát triển ở mọi cấp độ, được hậu thuẫn bởi một chính sách dài hơi, và có sự chung tay của nhiều doanh nghiệp. Những khẩu quyết ấy hoàn toàn sáo rỗng với bóng đá Việt Nam.

Dấu hỏi 2026

HLV Park Hang-seo có lẽ không buồn lòng quá nhiều với những trận thua ở vòng loại cuối. Điều khiến ông lo lắng hơn cả, là tuyển Việt Nam chưa nhìn thấy triển vọng có thể thắng ở tương lai gần.

HLV Park đã khai thác gần hết tài nguyên của bóng đá Việt, rồi nhận ra nguồn tài nguyên ấy không dồi dào như ông tưởng.

“Ta phải có một hệ thống, từ đó mới đào tạo trẻ, mới phát triển được. Còn cứ đưa đội người lớn, cứ trông chờ ở họ và tìm kiếm quyết định từ đó thì rất khó. Đội lớn không thể làm như thế được. Còn mới năm nữa mới rút ngắn khoảng cách đó, tôi không thể nói được”, HLV Park chia sẻ.

Qua đây, cần trở lại câu chuyện của Minamino. 8 tháng sau màn trình diễn ấn tượng cùng U19 Nhật Bản đánh bại U19 Việt Nam 7 bàn tại giải U19 quốc tế đầu năm 2014, Minamino lên đường sang Áo. Tiền đạo sinh năm 1995 chơi 6 mùa giải cho RB Salzburg, rồi chuyển đến Liverpool.

Minamino không đến đội bóng lớn, mà lựa chọn một CLB vừa phải để đảm bảo cường độ ra sân. Khi đạt đến độ chín trình độ, tiền đạo sinh năm 1995 mới chuyển đội. Đó cũng là con đường mà Keisuke Honda, Wataru Endo, Takehiro Tomiyasu,... lựa chọn. Trước khi tỏa sáng ở Milan, Honda từng đá cho VVV Venlo - một trong những đội bóng yếu nhất ở giải VĐQG Hà Lan. Endo, Tomiyasu chơi cho Sint-Truiden (Bỉ), rồi sang Bundesliga, Premier League thi đấu.

Một cầu thủ lựa chọn con đường, đó là chuyện của cá nhân anh ta. Nhưng khi nhiều cầu thủ cùng xuất ngoại với một phương pháp, đó là chiến lược.

tuyen viet nam anh 3

Lứa U23 Việt Nam hiện tại chưa thể hiện được tiềm năng như lớp đàn anh giai đoạn 2018-2019. Rất ít cầu thủ có suất đá chính tại V.League, phần lớn chỉ chơi vài trận ở các giải trẻ mỗi năm. Ảnh: Minh Chiến.

Bóng đá Việt Nam chưa có chiến lược ấy. Bến đỗ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là do bầu Đức lựa chọn. Thay vì xuất ngoại ở một CLB vừa tầm, cả ba có một bước nhảy vọt tới những nền bóng đá hàng đầu, dù kinh nghiệm ở V.League và ĐTQG còn hạn chế. Đoàn Văn Hậu cũng sang SC Heerenveen theo diện cơ cấu, đổi lại vỏn vẹn 4 phút chơi ở Cúp QG Hà Lan, và chuỗi ngày sa sút khi trở về nước.

Một hệ thống đào tạo trẻ hoàn chỉnh gồm ba khâu: đầu vào (tuyển chọn), đào tạo và đầu ra, tức phương pháp phát triển cầu thủ ấy. Ở mọi giai đoạn, bóng đá Việt Nam đều chưa hoàn thiện, khi đào tạo thế nào, phát triển cầu thủ ra sao xuất phát từ cách làm tùy hứng của các ông bầu.

Đào tạo trẻ là cuộc chơi tốn kém, dài hơi, tốn vài trăm tỷ đào tạo chưa chắc có cầu thủ hay. Đào tạo ra cầu thủ rồi, bao nhiêu CLB đủ can đảm để đôn họ lên đá V.League? Những cầu thủ không được chơi V.League, liệu có đất để trau dồi mỗi năm như Hàn Quốc, Nhật Bản đang làm với các giải trẻ,...?

Trước khi cùng tuyển Việt Nam thua Nhật Bản, HLV Park đã có hơn 10 ngày làm việc cùng U23 Việt Nam - thời gian đủ dài để ông nhận định thế hệ tương lai tiềm năng đến đâu. Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu tranh vé đi World Cup 2026.

Nòng cốt của đội hình ấy là lứa 1999-2001, nơi hơn hai phần ba số cầu thủ ưu tú nhất còn chưa tìm được suất đá ở V.League. Số trận ở các giải trẻ quá ít, dẫn đến nhiều ngôi sao có nguy cơ bị thui chột vì không thi đấu.

“Tôi không nhìn thấy tiềm năng từ đội U22. Rất ít cầu thủ U22 được thi đấu tại V.League. Mà cầu thủ không chỉ trong thời gian ngắn, ta đưa được năng lực của họ đi lên được. Không được đá thì năng lực sẽ đi xuống. Ta muốn họ vô địch SEA Games, rất muốn nhưng làm sao năng lực của họ lên thì ta chưa trả lời được. Nhìn ĐTQG, ta đá với các đội châu Á, có một khoảng cách, có áp lực rất lớn. Ta không cho họ thi đấu V-League thì làm sao ta tăng cao được năng lực cho họ”, HLV Park nhấn mạnh.

Bóng đá Việt Nam không ăn may với thành công suốt 4 năm qua, nhưng đó là những chiến công mang dấu ấn của thời vận. Mà thời vận thì không phải lúc nào cũng đến. Một nền bóng đá giỏi đào tạo trẻ, chưa chắc đã sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi đồng loạt, nhưng xác suất có cầu thủ hay luôn cao hơn nền bóng đá chỉ sống nhờ hứng và lực của một vài CLB.

HLV Park hiểu rõ điều này. Cái ngưỡng của ĐTQG và năng lực có hạn của đội U22 báo hiệu thời vận thăng hoa của bóng đá Việt Nam sắp hết.

Chỉ có một hệ thống bài bản từ đầu vào, đào tạo đến đầu ra mới giúp bóng đá Việt Nam phát triển vững bền. Nhưng mong mỏi của HLV Park, có lẽ chưa thể thực hiện được ngay.

HLV Park trêu Công Phượng trong buổi tập trước trận gặp Saudi Arabia Ở buổi tập trên sân Mỹ Đình tối 14/11, huấn luyện viên Park Hang-seo có nhiều tình huống pha trò khiến các tuyển thủ Việt Nam bật cười.

Tiền vệ Saudi Arabia: 'Chúng tôi đã ngạc nhiên vì tuyển Việt Nam'

Dù tuyển Việt Nam đang không được đánh giá cao, tiền vệ Abdulellah Al-Malki của Saudi Arabia vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Đình Trọng không thể thi đấu trận Việt Nam - Saudi Arabia

Chấn thương của Trần Đình Trọng nặng hơn dự kiến, khiến anh không thể ra sân ở cuộc tiếp đón Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình.

Lamine Yamal toa sang hinh anh

Lamine Yamal tỏa sáng

0

Rạng sáng 12/12, Lamine Yamal kiến tạo bàn thắng ấn định thắng lợi 3-2 của Barcelona trước chủ nhà Dortmund ở vòng phân hạng Champions League.

Nam Nhi

Bạn có thể quan tâm