Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khổ sở vì sinh hoạt của hàng xóm chung cư

Tàn thuốc, nước bẩn đầy ban công cho đến chuyện tiếng ồn, sinh hoạt của thú cưng là những vấn đề gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều cư dân chung cư ở TP.HCM.


Hang xom tai chung cu thieu y thuc anh 1

Đã gần nửa năm từ ngày hàng xóm mới của chị Xuân Mai (cư dân City Garden, quận Bình Thạnh) chuyển đến, chị phải hạn chế cho hai con trai ra ban công chơi vào buổi chiều tối vì hàng xóm thường xuyên hút thuốc lá.

"Những ngày có gió mà mở cửa ban công thì xác định cả căn phòng chỉ ngửi mùi thuốc lá. Vì hàng xóm hút nhiều và liên tục nên tôi phải hạn chế sinh hoạt ở ban công để không phải hít khói gián tiếp", chị Xuân Mai bày tỏ.

Cư dân sống trong các căn hộ chung cư cao cấp được hưởng những đặc quyền sử dụng tiện nghi sang trọng, dịch vụ bảo trì miễn phí, bãi gửi ôtô rộng rãi,... Song, việc chọn ở chung cư cũng có mặt trái khi nhiều cư dân gặp phiền não từ cách sinh hoạt vô tư của hàng xóm.

Ban công thành nơi hứng vật thể lạ

Ban công tại các căn hộ chung cư cao tầng là kiến trúc giúp lấy ánh sáng, gió, tăng tính thẩm mỹ công trình. Tuy nhiên, thay vì là nơi để cư dân tận hưởng không khí trong lành, tập thể dục... thì nhiều người phải chấp nhận sống cảnh "ban công nhà mình nhưng là chỗ xả rác nhà người khác".

Chị Thái Hà (cư dân Masteri Thảo Điền, TP Thủ Đức) chia sẻ hai vợ chồng chị từng cãi nhau vì hiểu nhầm khi thấy tàn thuốc lá bay đầy ở ban công. Thực chất, đó đều là "sản phẩm" do hàng xóm ở tầng trên xả xuống.

Hang xom tai chung cu thieu y thuc anh 2

Thay vì là nơi để hít thở không khí trong lành, ban công lại trở thành cơn ác mộng của nhiều gia đình. Ảnh: Dailymail.

"Mấy hôm chồng tôi về thấy ban công toàn đầu lọc và tàn thuốc lá còn tưởng nhà có khách, hai vợ chồng hiểu nhầm nhau. Sau đó mới phát hiện là do tầng trên cứ vô tư thả xuống nhà mình", chị Hà cho biết.

Gia đình chị Hà có thói quen mở cửa ban công để có thêm không khí trong lành. Tuy nhiên, mỗi khi hàng xóm ra ban công hút thuốc, nhà chị bị ám mùi rất lâu. Người phụ nữ này đã lên hội nhóm để hỏi cách trồng các loại cây giảm bớt mùi hôi của thuốc lá, nhưng thực tế vẫn không cải thiện bao nhiêu.

Chị Hà không ít lần phản ánh với ban quản trị chung cư nhưng đều không nhận được trả lời giúp đỡ giải quyết vấn đề. Chị Hà và chồng từng có ý định sẽ dọn đi vì chị cho rằng tàn thuốc lá xả lung tung có thể gây cháy nổ.

Chị Thái Hà không phải là trường hợp hiếm hoi khi phải chịu đựng rác hay những vật khó chịu từ hàng xóm xả xuống ban công.

Gia đình anh Hải Dương (cư dân The Sun Avenue) cho biết do hàng xóm nuôi khá nhiều chim cảnh, việc tiếng ồn, mùi hôi, thậm chí nước vệ sinh chuồng cũng thường xuyên rỉ xuống ban công nhà anh.

Anh Dương chia sẻ người sống ở tầng trên có lúc treo cả lồng chim ra phía ngoài để xịt nước chùi rửa, nên không chỉ ban công nhà anh mà ban công tầng phía dưới cũng "hứng trọn".

"Có lần nước bẩn rỉ xuống đúng lúc vợ tôi đang phơi quần áo, cả người lẫn đồ đạc đều bẩn hết, nhà tôi rất bực mình. Nhiều lần tôi tìm cách nói chuyện với hàng xóm về vấn đề này nhưng người ta cứ ậm ừ rồi thôi", Anh Hải Dương bức xúc nói.

Anh Hải Dương chia sẻ gia đình anh đã không dưới 5 lần nói chuyện, phản ánh với hàng xóm nhưng tình hình không có dấu hiệu thay đổi. Người đàn ông này dự định làm việc với ban quản lý chung cư trong thời gian sớm nhất để giải quyết vấn đề.

Căng thẳng câu chuyện tiếng ồn

Những bức tường liền kề, các tòa nhà nhiều tầng có thể gây ra một số thách thức đối với những người tìm kiếm sự bình yên. Điều này phần nào giải thích lý do ô nhiễm tiếng ồn trở thành chủ đề nhức nhối trong các hội nhóm cư dân chung cư tại TP.HCM.

Yến Trang (cư dân Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) từng là người hàng xóm thân thiện. Trước đó, chị thường bận rộn với công việc của một nhân viên văn phòng nên hiếm hoi dành thời gian ở nhà. Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ ngày Trang mang bầu, sinh con đầu lòng.

Đối với Trang, áp lực nuôi dạy trẻ cũng không thể so sánh với áp lực do tiếng ồn từ tầng trên đem lại. Chị không biết họ đang sửa chữa nhà cửa hay làm gì mà dăm ba hôm lại ầm ầm lên một đợt. Nào là tiếng máy khoan, máy bào, tiếng gõ gõ, đập đập,... từ sáng đến tối. Mỗi lần như thế, cả nhà Trang lại rung lên như động đất.

"Điều tệ nhất là em bé nhà tôi chỉ mới 4 tháng tuổi. Ai đang nuôi con sẽ hiểu cảm giác bé đang chơi nhưng tiếng ồn to quá làm giật mình, khóc thét lên. Tôi còn bực mình hơn khi mãi mới dỗ được con ngủ thì lại 'đùng, đùng, đùng,...', bé mở mắt dậy nhìn ngơ ngác", chị Trang than phiền.

Gia đình chị chỉ có vợ chồng và con trai, ấy vậy mà đôi khi nói chuyện còn không nghe rõ vì những tiếng ồn giáng xuống đầu. Có những hôm, Trang và ông xã gây gổ nhau đến nửa đêm. Họ từng suy nghĩ về chuyện trả nhà, dọn đi nơi khác, hoặc thậm chí là mua nhà mặt đất mà ở cho đỡ phiền hà.

Hang xom tai chung cu thieu y thuc anh 3

Chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng vì tiếng ồn từ hàng xóm. Ảnh: The Sleep Charity.

Trao đổi với Zing, Yến Trang nói: "Những hộ đi làm, đi học cả ngày thì không bị ảnh hưởng gì bởi họ không ở nhà chịu những tiếng ồn đó. Nhưng còn những gia đình có em bé mới sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi thì sao? Đến giờ nghỉ trưa còn không có. Nhiều hôm vừa nằm xuống chợp mắt tôi đã nghe tiếng rầm rầm, xem đồng hồ còn chưa đến 13h30".

Rơi vào trường hợp oái oăm hơn, Hải Nguyễn (cư dân Saigon Royal, quận 4) lại thường bị đánh thức nửa đêm bởi tiếng karaoke. Anh cho biết tình trạng này đã kéo dài vài tháng liền khi hàng xóm cho thuê căn hộ theo dịch vụ lưu trú Airbnb.

Hải dọn về nơi này đã hơn 2 năm. Khu chung cư cao cấp nằm trên trục đại lộ Đông Tây có tầm nhìn hướng thẳng sang quận 1, ngay sát công viên khiến anh cảm thấy rất ưng ý. Anh trả mức thuê khá đắt đỏ, đổi lại mong muốn được tận hưởng các tiện ích và gặp gỡ hàng xóm thân thiện, văn minh.

"Nếu trong giờ hành chính, hàng xóm thi công tôi không nói, còn đây là căn hộ cho thuê dạng Airbnb. Khách chỉ ở lại 1-2 ngày để mở tiệc, ăn nhậu và hát hò thâu đêm. Vì không phải dân chung cư nên họ không quan tâm đến an ninh của tập thể", anh Hải tâm sự.

Bức xúc nhưng giải quyết không được, người đàn ông này phải tìm đến thuốc an thần để ngủ vào mỗi đêm. Đăng tải câu chuyện này vào group cư dân, anh bất ngờ vì gặp nhiều người đồng cảnh ngộ. Dù gọi điện báo bảo vệ lên kiểm tra, nhắc nhở và lập biên bản vài lần, mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Ngược lại, Phương Nghi (cư dân Sunrise City View, quận 7) là nhân vật bị hàng xóm than phiền vì tiếng ồn. Là mẹ của một cậu con trai 2 tuổi, Phương Nghi quần quật mỗi ngày vì cậu bé hầu như không bao giờ đứng yên, múa tay múa chân, chạy nhảy liên tục.

Ban đầu, chị không nghĩ một đứa bé như thế lại mang đến sự phiền phức và khó chịu cho hàng xóm tầng dưới. Cho đến ngày hàng xóm chị gõ cửa vào 23h đêm để khiển trách.

Những lần sau, họ ủy thác bảo vệ lên nói chuyện, gọi điện thoại nhắc nhở. Nghi thấy không thoải mái khi làm phiền người khác.

"Thậm chí lỡ làm rớt gì nặng, tôi cũng giật mình thon thót. Kể cả việc kéo ghế như bình thường, tôi cũng phải nhấc lên. Còn con trai, tôi la nó suốt nhưng cũng tội quá. Trẻ con mà cấm đoán nó vui đùa, tôi sợ ảnh hưởng đến sự phát triển", chị Nghi tâm sự.

Để hạn chế những hành động có thể gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, ban quản lý của nhiều khu chung cư xây dựng quy định, khuôn mẫu ứng xử văn hóa phù hợp tại nơi công cộng. Song song đó, nhiều người cũng cho rằng ngoài quy định, mỗi cá nhân cần có ý thức và trách nhiệm để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho chính mình và hàng xóm xung quanh.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Chuyến buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM hoạt động sau giãn cách

Sáng 16/10, tuyến buýt đường sông số 1 từ trung tâm quận 1 đi TP Thủ Đức hoạt động trở lại sau 4 tháng tạm dừng, mỗi ngày 12 chuyến, không quá 50% số ghế.

Người trẻ ở TP.HCM nhớ những cung đường du lịch

Sau thời gian dài "chôn chân tại nhà", nhiều bạn trẻ đang khao khát được trở lại đi phượt, du lịch... để giải tỏa bớt căng thẳng và nỗi nhớ những cung đường, cảnh đẹp.

Cuộc sống bình thường mới ở chung cư từng là ổ dịch của TP.HCM

Hậu giãn cách, ông Trần Chí Hiếu sửa sang lại căn hộ tầng trệt chung cư Ehome 3 chuẩn bị mở quán cà phê. Anh Ngọc Minh thoải mái chạy bộ trong nội khu sau nhiều tháng ở nhà.

Đông Dương - Thịnh Vũ

Bạn có thể quan tâm