Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người trẻ ở TP.HCM nhớ những cung đường du lịch

Sau thời gian dài "chôn chân tại nhà", nhiều bạn trẻ đang khao khát được trở lại đi phượt, du lịch... để giải tỏa bớt căng thẳng và nỗi nhớ những cung đường, cảnh đẹp.

Nguoi tre TPHCM muon di du lich anh 1

Có chuyến đi được lên kế hoạch nhiều tháng, cũng có không ít lần bất chợt nổi hứng quyết định trong đêm... nhưng dù là tình huống nào thì khao khát đi du lịch, khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới của các bạn trẻ trong năm 2021 đều bị gián đoạn bởi dịch bệnh.

4 bạn trẻ ở TP.HCM chia sẻ với Zing cảm xúc sau quãng thời gian dài thiếu vắng những chuyến xê dịch.

"Du lịch là một bản nhạc chữa lành"

Ngọc Thuy (27 tuổi, Giám đốc sáng tạo)

Từ đầu năm, tôi đã dự tính đi nhiều nơi, cũng có nhiều cuộc hội ngộ còn dang dở chưa thực hiện được, như cái hẹn ở Thuỵ Sĩ với một người bạn từng học chung tại Singapore mà từ tháng 2 tôi đã nộp hồ sơ để làm visa. Hay như đám chị em chơi khá thân ở TP.HCM hẹn nhau về quê chúng nó ở Nghệ An để thăm trang trại, đi rừng, đi thác,... cả dự định cùng anh bạn thân đi Bình Định một chuyến.

Nhưng rồi vì dịch, 4 tháng trôi qua tôi không ra khỏi thành phố. Thời điểm ở trong phố thị tấp nập, nhìn người qua lại, cắm mặt bước về phía trước vội vàng cho đến những ngày giãn cách, đường phố vắng lặng, tiếng xe cấp cứu vang lên giữa không gian im bặt làm mọi thứ trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.

Với tôi, sự khác biệt lớn nhất của việc dịch chuyển là tự mình cảm nhận, tự mình suy nghĩ, tự mình ghi lại tất cả thành một thước phim cuộn tròn trong trí nhớ, đôi khi đánh động và thay đổi thế giới quan của con người.

Có một điều, sau những ngổn ngang suy nghĩ ấy, tôi chắc chắn rằng đi du lịch là một bản nhạc chữa lành, mỗi chuyến đi làm tan những màu xám xịt của cuộc sống, và chúng ta học được nhiều thứ từ những hành trình ấy.

Sau quãng thời gian vừa rồi, nhớ nhất ắt hẳn là Đà Lạt, phần vì tôi cũng có một homestay trên đó, phần khác là Đà Lạt gắn liền với nhiều kỷ niệm đẹp, nơi có những anh chị em "người trời" luôn tạo cảm giác an nhiên.

Tuy nhiên, sau khi được đi lại, tôi sẽ đi Bình Phước đầu tiên, về quê với ba mẹ và có hẹn leo núi Bà Rá cùng Ba.

"Tôi sẽ phóng xe lên Đà Lạt lập tức"

Trực Thăng (24 tuổi, Kỹ sư ống dẫn khí)

Công việc đòi hỏi tôi gần như phải ngồi yên một chỗ từ sáng đến tối. Một số các hoạt động thể chất như chạy bộ hay bơi lội cũng chỉ phần nào giúp tôi giải tỏa những căng thẳng về mặt cơ thể. Còn tâm trí tôi lúc nào cũng hướng về những chuyến đi, những khung cảnh đẹp mà mình nhìn thấy trên mỗi cung đường đi qua.

Suốt mấy tháng giãn cách, tôi cảm giác mình không thoải mái, khá bức bối như có một sợi xích trói lòng mình lại. Việc du lịch giống như tiếp thêm nguồn năng lượng cho tôi vậy. Nhưng hàng loạt chuyến đi tôi lên kế hoạch trong năm này đều đã hủy gần hết.

Ngày ngừng giãn cách, tôi đã tự "thưởng" cho mình một chuyến lòng vòng thành phố. 4 tháng chỉ đóng cửa ở nhà, tôi cũng thèm và nhớ da diết khung cảnh rực rỡ đèn xe của thành phố, như kiểu bạn bè hay nói "ở Sài Gòn nhưng vẫn nhớ Sài Gòn".

Nhiều dự định phượt khắp nơi của tôi trong năm nay đều dở dang hết, khi việc đi lại thuận tiện, sau khi về quê tôi sẽ phóng xe lên Đà Lạt lập tức, tôi nhớ nơi đây quá rồi. Những chuyến đi miền Trung, miền Bắc có lẽ tôi phải sắp xếp và tính toán để tìm đến trong thời gian gần nhất.

"Tôi đã tạm gác lại chuyến đi xuyên Việt của mình"

Anh Kiệt (25 tuổi, phóng viên)

Tôi là người thích khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới, từ lịch sử, văn hóa đến cả con người... Thế nên, mỗi năm tôi thường dành khoảng nửa tháng đi một chuyến dài bằng xe máy.

Chẳng hạn như năm 2016 thì lòng vòng các tỉnh đồng bằng sông Hồng, năm 2017 thì đi từ TP.HCM đến Quảng Bình, năm 2018 đi Hà Giang, Tà Xùa và Hạ Long đến năm 2019 thì chinh phục cực Tây.

Ngoài ra, tôi cũng thường có những chuyến đi ngắn từ 3-5 ngày đến các tỉnh như Lâm Đồng, Vũng Tàu, Ninh Thuận và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi gần nhất của tôi là đến Rạch Giá và Đất Mũi Cà Mau vào tháng 10/2020.

Năm 2021, tôi muốn chạy xe máy từ Nam ra Bắc, nhưng dịch bệnh ập đến bất ngờ, tôi đã phải gác lại chuyến đi xuyên Việt của mình.

Ngày trước, tôi chỉ nghĩ việc chinh phục các miền đất mới, hoàn thành ước mơ đến tất cả tỉnh thành của Việt Nam là điều quan trọng nhất. Nhưng sau khi trở về, tôi nhận ra ý nghĩa thật sự của chuyến đi là có thể quan sát cuộc sống thường nhật của người dân và nét văn hóa của từng vùng miền.

Chưa kể, tôi quen nhiều người bạn mới cùng đam mê xê dịch, học cách giao tiếp với người bản xứ hay trưởng thành hơn nhờ xử lý nhiều vấn đề khi lái xe đường dài.

Thời gian vừa rồi, ở TP.HCM làm việc nhưng lúc nào tôi cũng cồn cào nhớ Huế vì có nhiều kỷ niệm gắn liền với vùng đất này. Sau khi được đi lại và thu xếp công việc thì tôi sẽ lên đường lái xe máy xuyên Việt trong 25 ngày, chắc chắn sẽ ghé Huế. Còn địa điểm tôi muốn đến nhất và cũng là nơi kết thúc chuyến hành trình là Cao Bằng.

Muốn đi du lịch cùng gia đình

Ngọc Thuận (26 tuổi, Chuyên viên sản xuất chương trình)

Từ năm ngoái, tôi đã lên lên hàng loạt kế hoạch cho những chuyến đi năm nay, cả trong lẫn ngoài nước như Sapa, Hà Nội, Hà Giang, Ninh Bình cho đến Chiang Mai (Thái Lan) hay Singapore, Hong Kong. Vậy mà dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ.

Chuyến đi gần nhất của tôi là vào tháng 4 đến Côn Đảo. Thật ra, cảm giác rất lâu rồi không được đi du lịch đây đó nghỉ ngơi cũng khá buồn, nhưng nỗi sợ dịch hiện vẫn lớn hơn cơn thèm đi. Với tôi, khi nào an toàn trở lại, mọi người đều khỏe mạnh thì mình đi cũng không vội.

Ngày trước, mỗi năm tôi thường có kế hoạch đi nước ngoài cùng với gia đình. Từ thời điểm dịch năm ngoái là tôi chỉ đi trong nước, thời gian ngắn hơn, như một cách giải toả sau khi làm việc chứ không mang tính khám phá hưởng thụ nhiều như đi nước ngoài. Mọi thứ ổn định lại, tôi muốn đi du lịch với cả gia đình, có ba mẹ và em gái.

Bây giờ, nhớ nhất chắc có lẽ là Chiang Mai, tôi có quãng thời gian ở đây rất vui vẻ và đặc biệt. Nếu mở các chuyến bay thương mại như ngày trước chắc tôi sẽ đi Chiang Mai ngay lập tức. Còn sắp tới thì sẽ lên Đà Lạt trước cho thỏa niềm đam mê xê dịch.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Người trẻ ở TP.HCM cắt giảm chi tiêu hậu giãn cách

Giữ thói quen tiết kiệm dù đã hết giãn cách, không ít bạn trẻ lên kế hoạch chi tiêu, nấu ăn tại gia. Một số khác còn thanh lý đồ để kiếm chút tiền tiêu xài.

Đạp xe lên ngôi ở TP.HCM sau giãn cách

Tranh thủ đường vắng, nhiều người đạp xe đi thể dục, đi chơi trong thành phố. Những ai không sở hữu xe có thể thuê với mức giá từ 50.000 đồng/buổi.

Người trẻ ở TP.HCM thay đổi thói quen khi trở lại làm việc

Đeo khẩu trang thường xuyên, nấu cơm ở nhà mang đi làm, xa rời những buổi cà phê là nhịp sống mới mà nhiều bạn trẻ tại TP.HCM lựa chọn khi quay lại với công việc sau giãn cách.

Da co hon 17.000 Zalo OA ho tro CQNN va khoi tien ich chuyen doi so hinh anh

Đã có hơn 17.000 Zalo OA hỗ trợ CQNN và khối tiện ích chuyển đổi số

0

Nhằm thúc đẩy hiệu quả của công tác chuyển đổi số, tính đến hết năm 2024, tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức (Official Account) của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thịnh Vũ

Bạn có thể quan tâm