Thành phố kết thúc giãn cách xã hội, Quách Trung Kiên (28 tuổi, quận 10) đã có những buổi gặp gỡ bạn bè đầu tiên sau hơn 3 tháng tự cách ly ở nhà. Họ cùng nhau uống cà phê, đi dạo quanh con phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây vốn là những gì anh mong chờ bấy lâu.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kiên mong có thể giảm tần suất ăn uống ở ngoài lại. “Tôi học cách lập kế hoạch chi tiêu, tự nấu ăn và lên danh sách mua những thứ thật sự cần thiết”, Kiên kể.
Đi siêu thị, nấu ăn tại nhà
Trước dịch, Kiên tiêu 1 triệu/tuần, nay anh chỉ gói gọn mọi chi phí trong tầm 500.000 đồng cho việc đi siêu thị.
"Nấu ăn tại nhà vừa sạch sẽ vừa rẻ. Nó cũng làm tâm trạng tôi thư giãn hơn rất nhiều", Kiên nói về lợi ích của nấu ăn tại nhà.
Thậm chí, dù đam mê tập tạ, Kiên chưa chắc sẽ bỏ tiền ra đóng phí phòng gym trong thời gian tới. Anh duy trì tập luyện khi ở nhà. Ngoài vấn đề tiền bạc, Kiên còn lo sợ việc đến nơi đông người dễ tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Kiên chọn đi siêu thị mua đồ nấu ăn mỗi ngày thay vì đặt đồ ship về. Ảnh: NVCC. |
Từ ngày vào TP.HCM làm việc, Lương Hồng Ngân (27 tuổi, quận 1) dần hình thành thói quen đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao hàng. Phần nào, nó giúp chị tiết kiệm thời gian và công sức nấu nướng.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, Ngân chỉ làm việc tại nhà. Chị nhận thấy mình có thêm nhiều khung giờ trống mỗi ngày, chị tập nấu nướng nhiều hơn. Từ các món ăn vặt đến các món chính, làm bánh, nước sốt, Ngân đều có thể tìm thấy hướng dẫn khá chi tiết trên các trang YouTube như Vành Khuyên Lê, Bếp Cô Minh,...
“Tôi từng tốn khá nhiều tiền vào thú vui đi cà phê, ăn nhà hàng. Giờ tôi cân đối lại ngân sách và chỉ đi siêu thị mỗi tuần một lần để mua đồ về nhà nấu. Mùa dịch này đã dạy tôi khá nhiều điều, nhất là cách giữ tiền bạc và tiêu xài hợp lý hơn”, Ngân chia sẻ.
Tổng kết mùa giãn cách, tâm trạng của Ngân phấn khởi hơn hẳn khi thấy túi tiền rủng rỉnh. Số tiền dư ra này được chị dự định để dành phòng những trường hợp khẩn cấp.
Những nhà hàng sang trọng, quán cà phê có cách bài trí đẹp là địa điểm Hồng Ngân thường lui tới. Ảnh: NVCC. |
Hạn chế shopping, thanh lý quần áo
Thảo My (21 tuổi, quận Phú Nhuận) được công ty ra quyết định làm việc tại nhà trong mùa dịch. Cô bạn dọn về ở cùng gia đình nên không cảm thấy quá áp lực chuyện thắt chặt chi tiêu.
Cứ ngỡ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền, My choáng ngợp khi nhìn số dư ngân hàng vào cuối tháng. Hóa ra, cô bạn vẫn âm thầm “đốt” tiền cho những trang thương mại điện tử để sắm quần áo mới.
“Các hãng giảm giá mạnh trong dịch nên tôi tranh thủ ‘cà thẻ’, tính đến nay tôi đã đủ đồ mặc đến mùa đông năm sau. Nghĩ lại tôi thấy hối hận quá”, My thở dài.
Bài học cô bạn rút ra ở đây là “đừng thấy sale off mà mờ mắt”. Từ giờ cho đến hết tháng 12, My sẽ cắt giảm nhu cầu shopping.
Thảo My hối hận vì tiêu xài quá trớn vào quần áo. Ảnh: NVCC. |
Tầm giai đoạn này trong năm, Mai Ngân (24 tuổi, quận Tân Bình) thường tranh thủ mua đồ Tết. Theo quan niệm của cô, đây là chiến lược thông minh. Không chỉ sắm quần áo với mức giá rẻ hơn 10-50%, Ngân còn tránh được việc chen lấn khổ sở những ngày cuối năm.
Song, sau dịch Ngân đã thay đổi cách nhìn nhận: “Tôi thiết nghĩ không có nhiều chỗ đi vào Tết năm tới, nên nếu phải chọn tôi sẽ cắt giảm vấn đề ăn mặc. Đồ mua từ đầu năm nay vẫn còn mới do chẳng đi chơi được nhiều. Kế hoạch đi du lịch cũng vì dịch mà hủy vào phút chót”.
Mặt khác, cô còn tiết kiệm kha khá chi phí nhờ vào cắt giảm thói quen uống trà sữa. Hơn ba tháng nay, Ngân mua trà gói và sữa đặc từ một shop trên mạng rồi tự pha chế ở nhà. Cô gái này tự tin có thể sống thoải mái dẫu dịch kéo dài.
Với tính chất công việc thuộc lĩnh vực làm phim, Minh Khang (27 tuổi, quận 5) hầu như không thể gặp gỡ khách hàng, khảo sát địa điểm quay và đến studio trong giai đoạn giãn cách. Thu nhập của anh bị giảm đi đáng kể.
Mai Ngân không tính sắm đồ mặc Tết năm nay. Ảnh: NVCC. |
Trước đó, Khang thường đi mua sắm quần áo. Trung bình, mỗi lần như vậy tốn của anh từ 1-3 triệu đồng. Chưa kể, Khang có thói quen dùng đồ hiệu đắt đỏ. Những chiếc áo, đôi giày “săn” từ nước ngoài với giá 5-10 triệu là chuyện bình thường như cơm bữa với chàng trai 27 tuổi này.
Do thu nhập hạn chế, Khang xóa những ứng dụng mua hàng online trên điện thoại. Anh còn tạo một trang mạng riêng để thanh lý bớt các món đồ đã lâu không dùng đến. Chẳng hạn, đồ có giá gốc 1 triệu được Khang bán nhanh với mức 200.000-500.000 đồng.
Tủ đồ vơi đi ít nhiều nhưng Khang nhận thấy được sự thay đổi tích cực ở bản thân. Anh hy vọng mình duy trì thói quen thắt chặt chi tiêu dù hết dịch.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.