Chiều 14/10, chị Thùy Trang dắt con trai ra hàng cây ngay sảnh chung cư hóng mát. Cũng đã 4 tháng rồi cả hai mẹ con chị Trang mới được tự tin ra khỏi căn hộ nên cậu bé 2 tuổi lúc đầu cứ đòi mẹ bế, không chịu đặt chân xuống đất.
Thời điểm bùng phát dịch đợt 4 ở TP.HCM, chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân) từng ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 và cư dân nơi đây phải trải qua thời gian dài cách ly y tế.
Khuôn viên Ehome 3 sau 2 tuần bình thường mới, nhịp sống nơi đây chưa nhiều thay đổi. Các cửa hàng nội khu nhiều nơi vẫn đóng cửa im lìm, hồ bơi chưa được phép hoạt động. Khu vực bóng chuyền, vui chơi trẻ em vắng bóng người.
"Cư dân ai xuống đường cũng cầm chai cồn. Nhận hàng ở sảnh chung cư là xịt khuẩn ngay. Người dân ở đây sợ dịch quá rồi", anh N.H., cư dân chung cư chia sẻ.
Giải tỏa tâm lý sau nhiều ngày ở nhà
Mất 15 phút động viên thì con trai chị Thùy Trang mới bắt đầu nhìn ngó xung quanh rồi chậm rãi từng bước một trong khi khẩu trang vẫn kín mít trên mũi. Lúc đã quen dần, em hào hứng hơn, vui vẻ nô đùa quanh khuôn viên.
"Mấy tháng trong nhà con hay khóc nhè, cáu gắt. Nay được ra ngoài tâm trạng thằng bé bối rối chưa quen nhưng sau thì vui vẻ hơn hẳn", chị Trang cười nói.
Không riêng con trai, cả gia đình chị Trang cũng ở yên trong nhà từ cuối tháng 5 đến nay. Chỉ là tuần trở lại đây, mọi thứ mới có nhiều thay đổi.
Chị Trang và các con dạo mát trong khuôn viên chung cư sau giãn cách. Ảnh: A.N. |
Chị Trang cùng chồng và em trai chuyển đồ đạc từ căn hộ đang thuê sang một căn mới mua ngay tại chung cư hôm 11/10, việc mà nhiều tháng nay không thể làm được. Chồng chị cũng đã quay lại công ty sau nhiều tháng nghỉ việc không lương, việc đi chợ mua sắm thực phẩm cũng dễ dàng hơn.
"Được hít thở khí trời tôi thấy trong người thư thái, giảm âu lo. Tôi cũng lựa lúc nào vắng người mới cho con xuống dạo. Chồng đi làm có thêm thu nhập nên không khí gia đình cũng vui vẻ hơn", chị Trang cho hay.
Còn Đặng Ngọc Minh (21 tuổi, sinh viên Đại học Sài Gòn) kể lại giữa tháng 6, chung cư thông báo phong tỏa. Đây là thời điểm chung cư Ehome 3 là ổ dịch mới phát hiện tại TP.HCM. Cả gia đình Minh phải cách ly tại nhà 2 đợt liên tiếp. Thời gian tiếp theo, cả nhà chỉ ở yên trong nhà khi TP.HCM áp dụng liên tiếp các chỉ thị về giãn cách xã hội.
Lúc này, mua thực phẩm khó khăn, chàng trai đăng ký thành một tình nguyện viên giao nhận thực phẩm cho cư dân. 3 tuần liên tiếp, cậu nhận hàng hóa ngay sảnh chung cư rồi giao tận nơi cho các căn hộ.
Thường xuyên tiếp xúc với F1, Minh không lo ngại nhiễm bệnh nhưng sợ sẽ lây cho cháu nhỏ ở nhà. Cậu cho biết đây là khoảng thời gian dài nhất chưa được về thăm nhà và cũng nhiều biến cố với bản thân mình.
Sau giãn cách, Minh như "chim sổ lồng". Việc đầu tiên cậu làm là lái xe tới tiệm gần nhà cắt tóc rồi chạy bộ một vòng quanh chung cư.
Chưa thể đi làm thêm và đến trường học trực tiếp, nhưng Minh cảm nhận mọi thứ đang dần tốt lên. Cậu đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, hy vọng Tết Nguyên đán này dịch bệnh sẽ được kiểm soát để có thể về thăm bố mẹ ở Hà Tĩnh.
Ngọc Minh thoải mái đi lại trong khuôn viên chung cư thay vì chỉ ở nhà như trước. Ảnh: A.N. |
Cách căn hộ của Minh không xa, bà Trần Thị Hồng (67 tuổi, cư dân Ehome 3) chậm chạp di chuyển từ thang máy ra sảnh để nhận hàng từ shipper. Bà đeo hai lớp khẩu trang, tay cầm bình nước sát khuẩn, nhận gói hàng gồm rau, thịt, cá từ cô con gái ở quận 6 gửi tới.
Vì dị ứng thuốc, bà Hồng 2 lần tới bệnh viện nhưng vẫn không thuộc diện được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Điều này làm tâm lý bất an, khi phải trải qua nhiều đợt cách ly và nhiều hàng xóm nhiễm bệnh.
"Tôi mượn sẵn 20 triệu từ người thân để rủi mắc bệnh còn có tiền cầm theo chữa trị. Con trai tôi mới chạy xe lại 3 hôm nay. Về nhà con hạn chế tiếp xúc với vợ chồng tôi để tránh lây nhiễm", bà Hồng tâm sự.
Nỗi sợ nhiễm bệnh là tâm trạng chung của nhiều cư dân lớn tuổi tại Ehome 3. Trải qua nhiều ngày ở yên trong nhà, chứng kiến sự ra đi vì bệnh của hàng xóm khiến tâm lý họ có lúc mệt mỏi, lo âu nặng.
Cậu con trai út đã chạy xe trở lại, việc giao nhận hàng dễ dàng hơn, đọc báo thấy số ca tử vong đã giảm xuống dưới 3 con số là liều thuốc giải tỏa tâm lý cho bà Hồng.
Sửa sang tiệm, buôn bán lại
Hậu giãn cách, điều khác biệt tại chung cư mà nhiều người cảm nhận được là âm thanh leng keng của các vật dụng làm bếp, mùi thơm dậy của thịt, cá khi một số cửa hàng mở cửa lại.
Tiếng máy khoan đục từ các tiệm đang sửa chữa chờ ngày khai trương và tiếng nói cười của một số em bé đạp xe đạp trong nội khu cũng xuất hiện lại sau nhiều tháng im lìm.
Công viên nội khu của chung cư Ehome 3 vắng người đến tập luyện. Ảnh: A.N. |
Anh Nguyễn Luân (43 tuổi) một tuần nay đều dậy từ rạng sáng, đi chợ đầu mối mua nguyên liệu để chuẩn bị làm lẩu và món nướng. Vợ chồng anh thuê một căn hộ dưới tầng trệt chung cư buôn bán đã 8 năm nay. Sau thời gian dài nghỉ dịch thì quán rục rịch mở cửa lại theo hình thức bán mang về.
Từng chứng kiến hàng xóm, cũng là khách hàng quen của quán ra đi trong đại dịch, để lại hai con nhỏ, anh Luân chỉ biết thở dài. Những nỗi buồn gác lại một bên, anh Luân và vợ nấu nướng, giao hàng để hồi phục lại kinh tế gia đình, cũng là để khỏa lấp đi những mất mát từ dịch bệnh.
"Sau 30/4 nghe thông tin một số ca bệnh ở chung cư, tôi vẫn còn nghĩ chỉ cách ly 14 ngày rồi mọi thứ lại bắt đầu. Ai dè đến bây giờ là 5 tháng trời. Quá sức tưởng tượng với gia đình", anh Luân bày tỏ.
Bàn ghế không dọn ra vì chưa thể bán tại chỗ, nhưng được ra ngoài đi chợ, loay hoay nấu nướng từ sáng tới chiều khiến anh Luân thấy mình còn nhiều hy vọng.
Đối diện căn hộ anh Luân, chị Trương Kim Loan (53 tuổi) bán nước giải khát cho cư dân nhiều năm nay. Trước dịch bệnh, chị đặt 3 chiếc bàn nhỏ trước tiệm để cư dân vừa uống nước vừa tán gẫu. Người nào cần chị sẽ đạp xe giao nước đến từng căn hộ.
Dịch bệnh khiến mọi hoạt động phải tạm ngưng. Hơn một tuần này, chị Loan mới mở bán lại. Chị báo tin với khách quen cho biết tiệm chỉ bán mang đi hoặc sẽ giao tới từng tòa nhà.
Chị Loan kể buôn bán chỉ được 30% so với trước. Khi trước dịch, 3 chiếc bàn nhỏ của chị lúc nào cũng có người, rôm rả tiếng cười nói. Nay mọi thứ trầm lắng hơn. Người phụ nữ này hy vọng mọi thứ sớm trở lại như trước.
Anh Trần Chí Hiếu tính toán sửa sang lại căn hộ để chuẩn bị mở quán cà phê. Ảnh: A.N |
Anh Trần Chí Hiếu là chủ căn hộ hơn 130 m2 ở tầng trệt của một block chung cư Ehome 3. Trước dịch, anh cho một người thuê mặt bằng để mở phòng gym với giá 18 triệu đồng/tháng. Khi phòng tập phải đóng cửa, anh Hiếu giảm một nửa tiền thuê cho khách.
Sáng 13/10, khách hàng đã trả mặt bằng và chuyển dần đồ đạc đi. Anh Hiếu thuê thợ sơn sửa lại ngôi nhà để chuẩn bị mở quán cà phê.
"Sau dịch thuê thợ khó, không có người làm. Quán thì chưa biết bao giờ cho bán tại chỗ nên cứ sửa từ từ", anh Hiếu nói.
Cả hai vợ chồng bị ngừng việc, tiền thuê nhà giảm nên kinh tế gia đình eo hẹp hơn, nhưng điều anh Hiếu thấy vui nhất là cả gia đình đều khỏe mạnh, mọi người đã được tiêm vaccine. Anh hy vọng cuộc sống sớm trở lại để buôn bán làm ăn, bù cho gần nửa năm trời ở yên tại chỗ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.