"Chất độc càng khác thường, càng mạnh và dễ phát tán thì càng khó bị phát hiện", Olif Drummer, nhà nghiên cứu độc học tại Viện Pháp y Victoria của Australia, trả lời trên AP.
Các chuyên gia cho biết vụ sát hại tại sân bay ở Kuala Lumpur khá kỳ lạ nhưng không phải là không thể xảy ra. Câu hỏi đặt ra là chất độc nào có thể được dùng để tiêu diệt nạn nhân nhanh chóng mà không làm ảnh hưởng tới người sử dụng cũng như những người gần đó.
"Đó không phải là loại chất độc có thể được điều chế trong phòng khách sạn. Hung thủ phải cực kì hiểu biết về hóa học thì mới thực hiện được một vụ tấn công như vậy", Bruce Goldberger, nhà nghiên cứu độc học hàng đầu, trưởng khoa pháp y tại Đại học Florida, cho biết.
Kim Jong Nam, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, được các sĩ quan cảnh sát Nhật Bản hộ tống tại sân bay Narita, Nhật Bản, ngày 4/5/2001. Ảnh: AP. |
Ông cho biết khí độc hoặc chất ricin, một chất gây chết người được tìm thấy trong hạt thầu dầu, có thể đã được sử dụng. Một hợp chất opioid mạnh cũng có thể gây ra vụ giết người, mặc dù nó có thể làm tê liệt nạn nhân ngay lập tức.
"Giết người bằng thuốc độc là cách dễ dàng nhất để thoát tội", John Trestrail, nhà giám định chất độc học pháp y, nhận định. Ông cho biết mặc dù giết người bằng độc tố ít phổ biến hơn so với tấn công bằng dao hoặc súng, các nghiên cứu của ông cho thấy những kẻ đầu độc thường ra tay nhiều lần.
"Những người này thường thoát tội hết lần này đến lần khác cho đến khi người phát hiện thấy sự bất thường. Sau đó, thi thể được khai quật và sự thật được phơi bày", ông nói.