Trong ít ngày, liên tiếp 2 sao Việt bức xúc việc bị lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội là công cụ để họ phát triển công việc nhưng cũng đem đến giới nghệ sĩ không ít phiền toái, đặc biệt người nổi tiếng nữ. Trong đó, chủ đề họ hay vướng phải nhất là lộ hình ảnh, clip nhạy cảm hoặc mang thai với đại gia.
Người nổi tiếng nữ trở thành “con mồi”
Một ngày, bỗng tên của Phương Mỹ Chi bị réo gọi khắp các nền tảng. Lý do là sự xuất hiện của một clip nóng và cô gái trong đoạn clip đó được nhận xét có điểm giống Phương Mỹ Chi. Vậy là hàng loạt bài đăng, bình luận nhắc tên nữ ca sĩ sinh năm 2003 xuất hiện. Nhiều tài khoản không cần xác thực đó có phải Phương Mỹ Chi hay không đã đưa ra những bình luận nhạy cảm về nữ ca sĩ.
Ít giờ sau khi vướng ồn ào “trên trời rơi xuống”, Phương Mỹ Chi lên tiếng. Nữ ca sĩ phản hồi: “Hôm nay Chi nhận được nhiều thông tin sai lệch và vô căn cứ gây ảnh hưởng đến hình ảnh của mình và tâm lý khán giả yêu thương Chi. Chi xin khẳng định tất cả thông tin trên đều hoàn toàn bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự”.
Kiểu tin đồn giống Phương Mỹ Chi, Ninh Dương Lan Ngọc cũng từng là nạn nhân. Bởi thế khi ồn ào nổ ra với Phương Mỹ Chi, quản lý của Lan Ngọc bày tỏ sự cảm thông và thấu hiểu. Hơn ai hết, anh hiểu cảm giác lúc này của Phương Mỹ Chi khi bỗng dưng bị nhắc tên vào tin đồn mà cô không liên quan.
Đầu năm 2021, nhiều trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh nhạy cảm cắt ra từ video của một trang web phim 18+ rồi gán tên Ninh Dương Lan Ngọc kèm theo thông tin nghề nghiệp của cô. Thời điểm đó, quản lý của Lan Ngọc khẳng định với Tri thức (Znews) cô gái trong vụ việc không phải nữ diễn viên.
Lan Ngọc nhiều lần vướng các tin tức sai lệch. Ảnh: FBNV. |
Chưa hết rắc rối, năm 2022, Lan Ngọc tiếp tục bị đồn ký hợp đồng livestream với một công ty chuyên đưa người sang các nước như Malaysia và Philippines xuất khẩu lao động. Một lần nữa, quản lý của Ninh Dương Lan Ngọc phải lên tiếng khẳng định nữ diễn viên đã bị cá nhân hoặc tổ chức nào đó mạo danh.
Tin giả được tạo ra với mục đích vu khống, coi thường người khác đang gây thiệt hại trên diện rộng cho người nổi tiếng.
Tình trạng mạo danh trên mạng xã hội đã đẩy nhiều sao nữ vào rắc rối. Mai Phương Thúy mới đây cũng phải lên tiếng vấn đề này. Lý do là một kênh để tên hoa hậu và liên tục đăng các video hướng tới nội dung Mai Phương Thúy đã có con với đại gia.
Chia sẻ với Tri thức (Znews) vào 11/12, quản lý của Mai Phương Thúy cho biết suốt thời gian qua hoa hậu không vui vì bị mạo danh. Người đẹp chưa có con và đang tìm cách xử lý tài khoản mạo danh, lan truyền thông tin sai lệch.
Rolling Stone viết điều đáng sợ nhất về tin giả là nó có thể lan truyền nhanh chóng qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, khiến việc phân biệt nó với các nguồn tin tức hợp pháp trở nên khó khăn. Tác động của tin giả vì thế có thể rất sâu rộng.
Cũng vì có gương mặt được cho là tương đồng với một người nữ trong clip nóng, Thu Quỳnh đã trở thành tâm điểm mạng xã hội, tương tự Phương Mỹ Chi. Trong khi đó, Hoa hậu Tiểu Vy từng lên tiếng phủ nhận tin đồn hẹn hò ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Tại sao mọi người dễ dàng tin vào fake news?
Theo Sports Chosun, vì tin tức giả hầu hết chứa nội dung khiêu khích và tiêu cực. Do đó, những người nổi tiếng không tránh khỏi việc bị tổn hại hình ảnh, uy tín. Và quan trọng hơn, họ chịu đựng sự căng thẳng và áp lực tột độ do những thông tin sai lệch.
Giám đốc điều hành của công ty giải trí trao đổi với Sports Chosun: “Tất nhiên, tin giả gây khó khăn cho các công ty. Nhưng nghệ sĩ còn mệt mỏi hơn. Họ suy yếu về mặt tinh thần và liên tục căng thẳng do tin tức giả. Có những trường hợp thậm chí phải nhập viện điều trị”.
Kênh giả mạo Mai Phương Thúy thậm chí có lượt theo dõi, tương tác lớn hơn cả kênh chính chủ. |
Theo Sports Chosun, thiệt hại do tin giả gây ra rất nghiêm trọng nhưng các nghệ sĩ, công ty quản lý chưa có cách nào thích hợp để phản ứng nhanh chóng với tin giả. Lý do là không thể dễ dàng xác định được kẻ phát tán.
Với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện truyền thông xã hội, giờ đây những tin đồn và thông tin sai lệch có thể lan truyền chóng mặt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người bị nhắc tên.
Trước câu hỏi: “Tại sao tin giả có thể đánh lừa nhiều người như vậy?”, tờ Hankyung phân tích, từ góc độ tâm lý học, điều này có thể được giải thích bằng “thiên kiến xác nhận” và “lý thuyết chân lý mặc định”. Mọi người có xu hướng chấp nhận thông tin họ gặp lần đầu tiên.
“Ngoài ra, khi bắt đầu tiếp nhận thông tin từ một quan điểm nào đó, suy nghĩ của bạn ngày càng nghiêng về quan điểm đó hơn. Khi lượng thông tin càng nhiều, khả năng phán đoán của mọi người trở nên mờ nhạt và xu hướng chấp nhận thông tin không chính xác cũng tăng lên. Ở góc độ tâm lý học này, có thể coi các tền tảng truyền thông là có điều kiện tối ưu để phát tán tin giả, lừa gạt người dân”, Hankyung viết.
Tin về người nổi tiếng và đặc biệt chủ đề nhạy cảm như clip nóng, sinh con lại càng có tốc độ lan truyền chóng mặt hơn cả. Tin giả đang lan rộng khắp thế giới, làm tổn thương nhiều người vào thời điểm này. Hankyung nhận định để lọc ra thông tin sai lệch, khả năng xem xét các thông tin khác nhau từ góc độ phản biện là rất quan trọng.
Các nền tảng mạng xã hội cũng được cho là chưa có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật, theo BBC. Chính các nghệ sĩ cũng chỉ trích các nền tảng khi họ làm ngơ trước vấn nạn tin giả.
BBC trích dẫn chia sẻ của Katy Perry: "Tôi thích chia sẻ âm nhạc và cuộc sống với các bạn trên Instagram, Facebook, nhưng tôi không thể ngồi yên khi những nền tảng này nhắm mắt làm ngơ trước các nhóm và bài đăng lan truyền thông tin sai lệch đáng ghét, cố ý gây hiểu lầm".
Những người nổi tiếng khác cũng đồng tình, chẳng hạn nữ diễn viên Jennifer Lawrence, Leonardo DiCaprio, Ashton Kutcher hay Kim Kardashian.
Leonardo DiCaprio cho biết: "Đây sẽ là cơ hội để các nền tảng hợp tác với tổ chức và cộng đồng nói chung để biến chúng trở thành nơi an toàn hơn cho mọi người".
Chuyên mục Giải trí giới thiệu Cuốn sách về mặt trái của mạng xã hội
Công nghệ là tiền đề và động lực chính thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, bản thân công nghệ cũng có những mặt trái không thể phủ nhận. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ mà các tác giả có thể khai thác.
Qua cuốn The Twittering Machine, Richard Seymour đã phân tích kỹ lưỡng về những tác động tàn phá của “ngành công nghiệp mạng xã hội” đến đời sống cá nhân của con người. Tác giả chỉ ra cách các thông báo (notification) trên mạng xã hội đều hướng đến việc duy trì các chu kỳ tương tác dễ gây nghiện và trầm cảm.