"Một tuần nay chúng tôi đã tính đến phương án đóng hẳn hệ thống nếu 1-2 tháng nữa vẫn chưa được mở lại. Chúng tôi không thể gồng thêm được nữa, nguồn tiền đã cạn, các cổ đông cũng khó cầm cự lâu hơn...", ông Lê Hoàng Việt - quản lý chuỗi karaoke Nnice - giãi bày với Zing.
Theo ông Hoàng Việt, toàn hệ thống Nnice trước đây có 8 chi nhánh ở TP.HCM, nhưng chỉ sau một đợt dịch mới nhất, 2 mặt bằng trên đường Điện Biên Phủ (quận 3) và Trần Hưng Đạo (quận 5) đã đóng cửa hoàn toàn.
Nếu qua tháng 1/2022, TP.HCM vẫn chưa cho phép dịch vụ karaoke mở lại, doanh nghiệp dự định trả tiếp một mặt bằng nữa ở đường Nguyễn Sơn (quận Tân Phú).
Chi nhánh signature của Nnice trên đường Điện Biên Phủ đã đóng hồi cuối tháng 6. Ảnh: NVCC. |
Chuỗi lớn tính chuyện giải thể
"Tiền thuê nhà là thu nhập chính của các chủ mặt bằng nên họ đang cân nhắc lấy lại nhà hoặc yêu cầu tăng tiền nhà. Hiện tại, chi phí thuê mặt bằng và lương nhân viên trung bình mỗi tháng cũng đã trên dưới 1 tỷ đồng", ông Hoàng Việt cho biết.
"Trong khi đó, nguồn tiền của chúng tôi đã cạn kiệt, các cổ đông phải vay mượn khắp nơi để cố gắng duy trì suốt thời gian qua", đại diện chuỗi karaoke Nnice tâm sự.
Chuỗi càng lớn, những chi phí phải gồng gánh lại càng cao. Ông Nguyễn Quế Sơn - quản lý chuỗi karaoke ICool - cho biết mỗi tháng doanh nghiệp phải chi khoảng 3 tỷ đồng cho 18 mặt bằng.
"Cơ sở ở vùng ven tốn khoảng 100-120 triệu đồng/tháng, nơi trung tâm 200-300 triệu đồng. Gần như đến hiện tại, chúng tôi phải đóng đủ toàn bộ tiền thuê mặt bằng, chưa kể tiền lãi ngân hàng không được giảm và các chi phí nhân sự, bảo trì, bảo dưỡng máy móc", ông Nguyễn Quế Sơn, quản lý chuỗi karaoke ICool, nói với Zing.
Cảm giác bị động khi không biết bao giờ chính quyền cho hoạt động khiến doanh nghiệp khó xây dựng kế hoạch kinh doanh và ứng xử với nhân viên.
Ông Lê Hoàng Việt, quản lý chuỗi karaoke Nnice
Tuy vậy, suốt 2 năm qua, doanh nghiệp này vẫn cố gắng vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau để duy trì các chi nhánh, bởi chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi cơ sở đều không nhỏ, bỏ mặt bằng nào cũng là một thiệt hại nặng nề.
Thực tế, theo khảo sát của Zing, chi phí đầu tư ban đầu cho một quán karaoke nhỏ dao động từ 5-10 tỷ đồng. Những cơ sở lớn với trang thiết bị và nội thất, thiết kế cao cấp có thể cần đến hơn 30 tỷ đồng. Đồng thời, hàng năm, khoản đầu tư mới để chỉnh trang phòng ốc, thiết bị lên đến khoảng 2 tỷ đồng.
Là mô hình ngốn vốn đầu tư nhất nhì trong các loại hình dịch vụ nhưng karaoke lại chịu tổn thất nặng nề nhất qua từng làn sóng Covid-19. Theo ông Nguyễn Quế Sơn, đến hết năm nay, nếu TP.HCM chưa cho mở lại, ICool sẽ cũng xem xét trả bớt một số mặt bằng.
Còn với ông Lê Hoàng Việt, cảm giác bị động khi không biết bao giờ chính quyền cho hoạt động khiến doanh nghiệp khó xây dựng kế hoạch kinh doanh và ứng xử với nhân viên.
Chờ TP ban hành bộ tiêu chí đánh giá để mở lại
Ngày 22/12, hệ thống karaoke Nnice đã gửi thư khẩn cầu xin mở lại đến UBND TP.HCM, Sở Y tế và Sở Văn hóa & Thể thao TP. Tuy nhiên đến nay, ông Việt cho biết chưa nhận được hồi âm từ các cơ quan.
"Tình hình dịch ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai hay Bình Dương tương đương TP.HCM, độ phủ vaccine cũng vậy nhưng họ đều đã cho mở karaoke, lý do gì TP chưa cho phép? Trong khi TP là trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước, tạo công ăn việc làm cho anh em?", đại diện Nnice đặt câu hỏi.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực karaoke, cuối năm thường là cao điểm vui chơi, giải trí, tổ chức tiệc tất niên của người dân, doanh nghiệp. Do đó, việc TP cho phép hoạt động trong giai đoạn này sẽ là cú hích cho ngành để nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là sớm được mở lại cho anh em có công việc, có thu nhập. Nếu không, ngành karaoke của TP sẽ không còn gì", ông Tạ Quang Hùng - Giám đốc marketing của hệ thống Kingdom - nhấn mạnh.
Các chuỗi karaoke ở TP.HCM sốt sắng chờ mở lại khi các địa phương lân cận đã cho karaoke hoạt động. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bà Nguyễn Linh - chủ quán karaoke Avatar trên đường Phạm Viết Chánh (quận 1) - cũng khẳng định: "Việc karaoke hoạt động sẽ giúp các dịch vụ, chuỗi cung ứng liên quan khác phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho rất nhiều lao động có việc làm thu nhập".
Trao đổi với Zing, ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - cho biết cách đây 2 tuần Sở đã có tờ trình chính thức cho UBND TP về bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch đối với ngành karaoke, làm cơ sở để cho phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên thời điểm đó, bộ tiêu chí chưa nhận được sự thống nhất của UBND TP và các ban, ngành.
"Với diễn biến dịch bệnh hiện nay, UBND TP đã chỉ đạo Sở VHTT tham mưu lại. Chúng tôi vừa hoàn thiện và trình UBND TP xem xét để các cơ sở karaoke sớm được mở lại", ông Võ Trọng Nam cho biết.