Với 18 chi nhánh karaoke trên địa bàn TP.HCM, chuỗi ICool vẫn phải chi trả khoảng 3 tỷ đồng tiền mặt bằng cho mỗi tháng đóng cửa.
"Cơ sở ở vùng ven tốn khoảng 100-120 triệu đồng/tháng, nơi trung tâm 200-300 triệu đồng. Gần như đến hiện tại, chúng tôi phải đóng đủ toàn bộ tiền thuê mặt bằng, chưa kể tiền lãi ngân hàng không được giảm và các chi phí nhân sự, bảo trì, bảo dưỡng máy móc", ông Nguyễn Quế Sơn, quản lý chuỗi karaoke ICool, nói với Zing.
Theo ông, vốn đầu tư cho mỗi cơ sở đều không nhỏ, do đó bỏ cơ sở nào cũng là một thiệt hại nặng nề. Vậy nên thời gian qua, chuỗi ICool vẫn cố gắng vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau để duy trì đủ các chi nhánh. Dù vậy, đến hết năm nay, nếu TP chưa cho mở lại, hệ thống sẽ phải xem xét trả bớt một số mặt bằng.
Còn xét riêng vấn đề nhân sự, cả hệ thống khoảng 700 nhân viên nay chỉ còn chưa đến 100 người.
Sau thời gian dài phải cầm cự bằng nhiều nguồn thu khác, các chuỗi karaoke đều mong ngóng ngày mở lại. Ảnh: Lan Anh. |
Gặp quá nhiều khó khăn, ngày 22/12 hệ thống karaoke Nnice đã gửi thư khẩn cầu xin mở lại đến UBND TP.HCM, Sở Y tế và Sở Văn hóa & Thể thao Thành phố.
"Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, tỉ lệ phủ vaccine cao, hầu hết hoạt động kinh doanh khác đã được khôi phục, Nnice khẩn thiết kính đề nghị TP cho phép các doanh nghiệp karaoke được sớm mở cửa hoạt động trở lại", thư khẩn cầu nêu rõ.
Doanh nghiệp cho biết sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, một số cơ sở đã lần lượt giải thể, khiến người lao động mất việc, đời sống kiệt quệ.
"Doanh nghiệp kiệt quệ vì thua lỗ kéo dài và hoàn toàn thất thu gần cả năm nay, lại phải vay mượn để duy trì trả tiền thuê địa điểm, trợ cấp người lao động, trả nợ lãi vay ngân hàng. Nếu tình trạng này còn kéo dài chắc chắn các doanh nghiệp trong chuỗi Nnice nợ nần chồng chất, rơi vào cảnh cùng kiệt, phá sản", Nnice nhấn mạnh.
Đại diện các chuỗi karaoke đều khẳng định bộ tiêu chí với ngành karaoke đã được ban hành từ lâu và các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ công văn cho phép từ phía TP.
Trong khi đó, chia sẻ với Zing, ông Tạ Quang Hùng - Giám đốc marketing của hệ thống Kingdom - cũng cho hay cả chuỗi chỉ còn sót lại một chi nhánh karaoke cuối cùng.
"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là sớm được mở lại cho anh em có công việc, có thu nhập. Nếu không, ngành karaoke sẽ không còn gì", ông Hùng nói.