Phản lực chiến đấu F-16 Fighting Falcon
Phản lực chiến đấu F-16. Ảnh: Wikipedia |
F-16 là tiêm kích đa nhiệm, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Với nhiều nét đột phá trong thiết kế, F-16 nhanh chóng chứng tỏ vai trò trong không quân Mỹ. 25 quốc gia trên thế giới đã mua F-16. Suốt hơn 40 năm qua, Mỹ đã chế tạo trên 4.540 mẫu phi cơ loại này.
Ngoài thiết kế ưu việt và khả năng tấn công ấn tượng, giá thành rẻ là một trong những yếu tố giúp F-16 trở thành vũ khí mà các nước ưa chuộng. Những phi cơ F-16A/B có giá 14,6 triệu USD trong khi F-16C/D có giá 18,8 triệu USD. Đây là loại phản lực chiến đấu bán chạy nhất của phương Tây.
Máy bay không người lái Predator
Mô phỏng máy bay không người lái MQ-1 Predator bắn tên lửa đối đất. Ảnh: Flick |
Predator, mẫu máy bay không người lái phổ biến của Mỹ, đang tích cực tham gia các hoạt động chống khủng bố ở châu Á và châu Phi. Thay vì trực tiếp tham chiến, phi công có thể điều khiển Predator từ khoảng cách hàng ngàn km thông qua hệ thống vệ tinh quân sự của Mỹ. Với những vũ khí mà Predator mang theo, nó là sát thủ đáng gờm đối với các tổ chức khủng bố.
Máy bay không người lái Predator cất cánh lần đầu năm 1994 và người ta sản xuất chúng từ năm 1995 tới nay. 360 máy bay Predator, bao gồm 285 phiên bản RQ-1 và 75 phiên bản MQ-1. Theo tỷ giá năm 2011, mỗi phi cơ RQ-1 có giá thành 2,38 triệu USD trong khi mỗi chiếc MQ-1 có giá 4,03 triệu USD. AGM-114 Hellfire, tên lửa không đối đất phổ biến của máy bay không người lái Predator có giá 110.000 USD/quả.
Tên lửa hành trình Tomahawk
Tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ chiến hạm. Ảnh: Wikipedia |
Tomahawk là một trong những tên lửa hành trình tầm xa tối tân nhất thế giới. Nó có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm, với vận tốc cận âm. Tên lửa dễ dàng tấn công mục tiêu theo lộ trình, di chuyển không theo quỹ đạo cố định để tránh radar và hệ thống phòng không đối phương. Trong phần lớn lộ trình, Tomahawk bay thấp để đối phương không thể phát hiện.
Tên lửa hành trình của Mỹ tấn công mục tiêu với sai số cực thấp, chỉ khoảng trên dưới 3 m với đầu đạn chứa 450 kg thuốc nổ có sức công phá lớn. Nó bắt đầu xuất hiện trong chiến tranh Kosovo năm 1999 và vẫn đang thể hiện sức mạnh. Hiện tại, giá thành mỗi quả Tomahawk (Block IV) lên tới 1,59 triệu USD theo tỷ giá năm 2014.
Tàu khu trục USS Arleigh Burke (DDG-51)
Tàu khu trục USS Arleigh Burke (DDG-51) của Hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
USS Arleigh Burke là chiến hạm thuộc lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cùng tên của Hải quân Mỹ. Nó là tàu đầu tiên thuộc lớp này, chính thức phục vụ hải quân từ năm 1991. Tàu được trang bị 90 ống phóng thẳng đứng, cho phép nó triển khai nhiều loại tên lửa dẫn đường, bao gồm tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk.
Sau khi hoàn tất, khu trục hạm USS Arleigh Burke có giá 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ phải chi thêm 778 triệu USD cho vũ khí để tàu có thể chiến đấu. Hải quân Mỹ đặt mua 75 tàu lớp Arleigh Burke nhưng mới chỉ nhận 62 chiếc. Hiện nay, Mỹ cũng đang đầu tư kinh phí để phát triển tàu khu trục lớp Zumwalt, loại chiến hạm hiện đại hơn các tàu lớp Arleigh Burke.
Tàu tuần dương USS Philippine Sea (CG-58)
Tàu tuần dương USS Philippine Sea. Ảnh: Hải quân Mỹ |
USS Philippine Sea là chiến hạm thuộc lớp tàu tuần dương Ticonderoga của Hải quân Mỹ. Nó chính thức vào biên chế hải quân ngày 18/3/1989. Tàu sở hữu hệ thống vũ khí khủng với 122 ống phóng, cho phép nó triển khai các loại tên lửa như BGM-109 Tomahawk. Khoang chứa trên tàu đủ chỗ cho 2 trực thăng Sikorsky SH-60B hoặc MH-60R Seahawk LAMPS III.
Theo trang web Navysite.de, USS Philippine Sea có giá thành khoảng một tỷ USD. Tuy nhiên, hệ thống radar, dò ngầm, chiến tranh điện tử, máy tính và vũ khí ngốn thêm của Hải quân Mỹ khoảng 250 triệu USD cho mỗi tàu. Chúng vẫn là một phần của Hải quân Mỹ tới năm 2045.