Tàu sân bay USS George H.W Bush
Tàu sân bay USS George H.W Bush của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Đây là hàng không mẫu hạm thứ 10 và là chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu sân bay Nimitz của Hải quân Mỹ. Con tàu mang tên vị Tổng thống thứ 41. Nó chính thức hoạt động trong biên chế hải quân ngày 10/1/2009 với biệt danh Avenger (Kẻ báo thù). Do sử dụng hai lò phản ứng hạt nhân nên phạm vi hoạt động của USS George H.W Bush và các tàu lớp Nimitz không bị giới hạn.
Hàng không mẫu hạm lớp Nimitz là loại tàu chiến đắt nhất hành tinh. Các tàu ra đời sau thường đắt hơn những tàu được đưa vào biên chế trước đó. Giá trung bình của mỗi hàng không mẫu hạm lớp Nimitz đạt 4,5 tỷ USD. Sau khi hoàn thiện, tàu USS George H.W Bush, chiến hạm cuối cùng của lớp, có giá 6,2 tỷ USD theo tỷ giá năm 2009.
Tàu dài 332,8 m, nơi rộng nhất đạt 76,8 m với tải trọng tối đa đạt 102.000 tấn. Nó có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa đạt 56 km/h. Các thanh nhiên liệu hạt nhân đủ giúp tàu hoạt động liên tục trong 20 tới 25 năm. Tàu là nơi làm việc của 3.200 thủy thủ và 2.480 thành viên các phi đội chiến đấu. Nó có khả năng chuyên chở 90 máy bay hoặc trực thăng cánh gập.
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor
Lầu Năm Góc bất ngờ sử dụng phản lực chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor trong chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ Syria. Đây là lần đầu tiên F-22 tham chiến dù người ta nhắc nhiều về nó từ chuyến bay thử nghiệm năm 1997 tới nay. Do "chim ăn thịt" sở hữu những công nghệ vượt trội nên Mỹ từ chối xuất khẩu nó cho các nước khác, bao gồm cả những đồng minh thân cận nhất.
Phản lực chiến đấu F-22 bắn pháo sáng. Ảnh: Air-attack.com |
F-22 Raptor cất cánh lần đầu tiên năm 1997. Chi phí nghiên cứu phát triển loại máy bay này liên tục bị đội lên do rào cản công nghệ, khiến nó vượt xa dự tính ban đầu của Mỹ. Cuối cùng, Không quân Mỹ sở hữu 187 phi cơ chiến đấu và 8 mẫu thử nghiệm sau khi bỏ ra 66,7 tỷ USD cho toàn bộ dự án. Nó khiến giá thành mỗi chiếc máy bay vào khoảng 350 triệu USD.
Tuy nhiên, F-22 liên tiếp gặp sự cố trong năm 2004, 2009, 2010 và năm 2012 khiến 4 chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn. Với số tiền đã bỏ ra, Lầu Năm Góc phải chi 364 triệu USD cho mỗi chiếc F-22 tính tới khi loại máy bay này ra trận lần đầu tiên.
Máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer
Máy bay ném bom siêu âm chiến lược B-1 Lancer của Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Không quân Mỹ tiếp tục gây ngạc nhiên khi đưa máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer tham gia chiến dịch tiêu diệt IS ở Syria. Đây là loại máy bay cánh cụp cánh xòe, sở hữu 4 động cơ phản lực đẩy, cho phép nó di chuyển với vận tốc nhanh gấp 2 lần tốc độ âm thanh trong các nhiệm vụ ném bom chiến lược.
B-1 cất cánh lần đầu trong những ngày cuối năm 1974. Không quân Mỹ hiện có 104 máy bay loại này, bao gồm 4 chiếc phiên bản B-1A và 100 chiếc B-1B. Theo tỷ giá năm 1998, mỗi chiếc B-1B Lancer trị giá 283,1 triệu USD. Nó sẽ tiếp tục hoạt động trong biên chế quân đội Mỹ tới năm 2030. Hiện tại, nó là máy bay cánh cụp cánh xòe hiếm hoi của không quân Mỹ.
Tiêm kích F/A-18 Hornet/Super Hornet
F/A-18 Hornet, phiên bản cải tiến là F/A-18 Super Hornet, là tiêm kích đa nhiệm siêu âm chuyên trách trên tàu sân bay Mỹ. Chúng có khả năng di chuyển với vận tốc gấp 1,8 lần tốc độ âm thanh. F/A-18 Hornet có 9 giá treo vũ khí dưới cánh và bụng trong khi F/A-18 Super Hornet lớn hơn nên có 11 giá treo.
Một chiếc F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay. Ảnh: Wikipedia |
Phản lực chiến đấu F/A-18 Hornet chính thức được giới thiệu trong năm 1983. Nó có 4 phiên bản bao gồm F/A-18A/B/C/D. Giá thành mỗi chiếc dao động từ 29 tới 57 triệu USD theo tỷ giá năm 2006. Người ta chế tạo 1.480 phi cơ chiến đấu loại này. Nó vẫn đóng vai trò tích cực trong đội hình tiêm kích tấn công trên các tàu sân bay của Mỹ.
Bên cạnh F/A-18 Hornet, không quân Mỹ tiếp tục mua thêm F/A-18 Super Hornet để tăng cường sức mạnh tấn công trên các tàu sân bay. Chúng lớn hơn F/A-18 Hornet nên có thêm 2 giá treo vũ khí dưới thân và cánh. Chính thức gia nhập biên chế Hải quân Mỹ từ năm 1995 tới nay, mỗi chiếc F/A-18E/F Super Hornet có giá thành 60,9 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, giá thành này chưa bao gồm kinh phí nghiên cứu và phát triển máy bay. Nếu tính tất cả các chi phí, Mỹ phải mua một chiếc F/A-18 Super Hornet với giá 80,4 triệu USD.
Phản lực chiến đấu F-15
Tạp chí Time cho biết, Mỹ đưa phản lực chiến đấu F-15 tham gia đợt không kích thứ 2 nhằm phá hủy các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Syria. Đây là loại máy bay tiêm kích siêu âm có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết, bất kể ngày đêm. Nó ra đời nhằm chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không. Phiên bản F-15 đầu tiên bay thử lần đầu năm 1972.
F-15 cất cánh. Ảnh: Wikipedia |
F-15 có nhiều biến thể bao gồm F-15A/B/C/D Eagle (Đại Bàng), F-15E/K Strike Eagle (Đại bàng tấn công) và F-15SE Silent Eagle (Đại bàng thầm lặng). Theo tỷ giá năm 1998, giá mỗi chiếc F-15A/B Eagle đạt 28 triệu USD, F-15C/D Eagle đạt 30 triệu USD. F-15E Strike Eagle có giá khoảng 36 triệu USD (giá chưa bao gồm các phi phí nghiên cứu) theo tỷ giá năm 2008 trong khi F-15K Strike Eagle có giá 100 triệu USD theo tỷ giá năm 2006.
Trong khi đó, F-15SE Silent Eagle thừa hưởng những cải tiến của những mẫu máy bay trước và sở hữu thêm công nghệ tàng hình, giúp giảm khả năng bị phát hiện trong tác chiến. Loại máy bay này vẫn đang trong chương trình thử nghiệm. Người ta chưa thể xác định chính xác giá thành của một chiếc F-15SE.