Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dàn phi cơ uy lực trên tàu sân bay Mỹ

Ngoài phi đội phản lực chiến đấu trên tàu sân bay F/A-18, hàng không mẫu hạm Mỹ còn mang theo nhiều phi cơ khác mỗi khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài.

Phản lực cơ chiến đấu F/A-18 là vũ khí uy lực nhất của tàu sân bay Mỹ, bao gồm cả USS George H.W. Bush, đang hỗ trợ chiến dịch tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria. Phi đội chiến đấu trên các tàu thường gồm tiêm kích phản lực chuyên dụng trên tàu sân bay F/A-18A/B/C/D Hornet và F/A-18E/F Super Hornet.

F/A-18 Hornet và Super Hornet có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm, tấn công mục tiêu trên không và dưới mặt đất với vận tốc siêu âm. Nó là phiên bản cải tiến, được nâng cấp và hoàn thiện hơn so với F/A-18 Hornet.

Ngoài máy bay tấn công, các tàu sân bay lớp Nimitz còn sở hữu phi cơ tác chiến điện tử EA-6B Prowler. Chúng chịu trách nhiệm vụ gây nhiễu điện tử, làm mù hệ thống radar của đối phương, đảm bảo an toàn cho phi đội máy bay tấn công của Mỹ. Ngoài ra, EA-6B Prowler còn mang theo các loại tên lửa chuyên dụng nhằm phá vỡ hệ thống thông tin liên lạc và lưới điện của kẻ địch.

Máy bay cảnh báo sớm trên không E-2 Hawkeye có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Radar lớn trên lưng cùng hệ thống thông tin liên lạc vượt trội giúp chúng thực hiện nhiệm vụ chỉ huy trên không trong các cuộc không kích mang yếu tố chiến thuật.

Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các tàu sân bay, Hải quân Mỹ sử dụng máy bay phản lực săn ngầm S-3 Viking. Loại máy bay này vượt trội hơn các loại trực thăng săn ngầm về tốc độ và phạm vi hoạt động. S-3 Viking làm việc tốt trong mọi điều kiện thời tiết cùng cơ chế tiếp nhiên liệu trên không giúp chúng bay xa hơn trong trường hợp cần thiết.

Mặt sàn của tàu sân bay lớp Nimitz có kích thước cực lớn nên nhiều loại trực thăng của Mỹ có thể hạ cánh trên đó dễ dàng. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ chọn SH-60 Seahawk để biên chế cho các hàng không mẫu hạm. Mẫu trực thăng đa nhiệm chuyên trách trên biển có khả năng chống ngầm, chống hạm, thực hiện chiến dịch đặc biệt của hải quân, tìm kiếm cứu nạn, vận tải hạng nhẹ và hỗ trợ y tế. Chúng đóng góp lớn vào khả năng cơ động trên các tàu sân bay Mỹ.

Ngoài ra, tàu sân bay Mỹ còn mang theo máy bay vận tải hạng nhẹ C-2 Greyhound, chuyên đưa người và hàng hóa xuống tàu và mang thiết bị hỏng về đất liền để sửa chữa. Sự hiện diện của những chiếc C-2 Greyhound giúp giảm thiểu đáng kể thời gian di chuyển giữa đất liền và sân bay nổi. Chúng đảm bảo sự hỗ trợ tối ưu cho hạm đội tàu tấn công do tàu sân bay dẫn đầu.

Trước khi F/A-18 Hornet chiếm vị thế số một trên các tàu sân bay, F-14 Tomcat từng đảm nhận vai trò tấn công chủ lực trong các chiến dịch của Mỹ. Tiêm kích siêu âm cánh cụp cánh xòe của Mỹ có khả năng tấn công các mục tiêu trên không và mặt đất. Chúng thay thế vai trò của F-4 Phantom II trên các tàu sân bay Mỹ. Chiếc F-14 cuối cùng rời khỏi biên chế chiến đấu của Hải quân Mỹ vào năm 2006.

Hồng Duy

Ảnh: Wikipedia

Bạn có thể quan tâm