Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khánh Ly: ‘Tôi là người đàn bà bình thường như mọi người'

Chiều 12/6 ca sĩ Khánh Ly từ Mỹ về Việt Nam dự buổi ra mắt cuốn sách “Đằng sau những nụ cười” tại Hà Nội.

Buổi ra mắt sách cho thấy một Khánh Ly hơn 70 tuổi nhưng vẫn rất năng động, hài hước; một Khánh Ly không chỉ đắm đuối trong từng bản nhạc mà còn là một người mẹ, một người bạn giản dị, gần gũi, giàu yêu thương. Bà đã có cuộc nói chuyện thân tình, cởi mở với người hâm mộ.

- Lời đề từ ngay sau trang bìa cuốn sách:“Hình như chưa bao giờ mình nói yêu nhau. Nếu bây giờ em nói, có kịp không” là bà dành cho ai?

- Đó là những lời tôi viết cho chồng tôi.

 Bà có thể chia sẻ điều gì về người chồng đã ra đi?

-   Vợ chồng là duyên số. Hồi đó chúng tôi về với nhau như hai kẻ sắp chết đuối, nhìn nhau tưởng là mảnh ván trên biển, níu được ngày nào hay ngày đó. Được luôn càng tốt. Tôi tự nhận mang tính cách đàn ông nhưng trong cuộc sống hôn nhân tôi là người của gia đình đúng nghĩa. Công việc làm ăn thất bại, nợ nần, chẳng có ai mà nhờ cậy lúc đó mới thực sự cần có nhau, yêu thương, chia sẻ với nhau. Người ngoài dù có đối xử tệ với mình tới cỡ nào tôi cũng không quan tâm, nhưng trong gia đình là phải có bổn phận tốt với nhau, sống tử tế với nhau.

Nói về người mình yêu thì nói mãi không hết chuyện, khi chồng tôi đột ngột ra đi rồi trong lòng tôi lúc nào cũng có nỗi ân hận. Hơn 40 năm mở mắt ra chỉ thấy chồng, trước khi nhắm mắt cũng chỉ thấy chồng nhưng còn nhiều điều chưa làm được cho chồng, yêu và đền bù cho chồng chưa đủ.

Nhưng không thể ngồi mãi trong căn phòng mà đau buồn. Tôi có được giọng hát tuy không có gì xuất sắc nhưng nhờ tiếng hát tôi được đi nhiều nơi, đi đến gần những cảnh đời khốn khó, những cuộc sống không may. Tôi muốn dành những ngày tháng còn lại để làm những điều mình chưa làm được trong đời. Chồng tôi muốn tôi làm điều đó.

Tôi trở về Hà Nội sau 60 năm, ở tuổi như thế này, mọi người thường nói còn làm gì được nữa. Nhưng tuổi tác chỉ là con số mà thôi. Quan trọng là trái tim, cảm xúc với cuộc đời còn không? Mình có đi tới hay không?

- Bà tự nhận mình là “đàn ông”?

-  Tôi là người ngang bướng, cứng cỏi, chả ngán ai nhưng cũng là người đàn bà bình thường với những vui buồn, giận dữ, yêu thương, ghen tuông, khóc cười như bất kỳ ai trong cuộc sống đời thường. Ngày xưa cuộc sống rất khó khăn, chạy ăn từng bữa, tôi vừa đi hát vừa chăm con. Tôi đặt con cái lên trên tất cả mọi lựa chọn. 

Hình ảnh Khánh Ly với độc giả trong buổi giao lưu.

 Tình bạn cao cả với Trịnh Công Sơn khiến bà hát những bài hát của ông như hát về chính mình?

-   Không chỉ tôi mà ca sĩ nào, người nghe nhạc nào cũng đều tìm thấy sự đồng cảm từ những bài hát của Trịnh Công Sơn. Ông viết về những thân phận cuộc đời, ai cũng thấy như nói về mình, như thể bài hát đó dành cho mình. Tôi thích cái đẹp, tôi yêu nhạc Trịnh Công Sơn vì nhạc ông quá đẹp, quá hay. Tìm được một người viết hay như vậy khó lắm. Trải nghiệm nhiều tôi càng thẩm thấu những ca từ ông viết.

 Xuyên suốt cuốn sách bà luôn tự giễu mình là người “ít học”?

- Tôi học hành dở dang, vài năm trường ta vài năm trường tây. Trường học chẳng dạy tôi điều gì. Gia đình chẳng dạy tôi điều gì. Nên tôi tự dạy tôi năm 16 tuổi. Tôi đi hát vì thích hát, không bao giờ nghĩ sẽ trở thành ca sĩ.  Ngoài ý thích được hát tôi không biết mình phải làm gì. Tôi sống lang thang giữa đám bạn bè tốt bụng, nay đứa này cho bịch gạo mai đứa kia cho chai nước mắm. Tôi như một thằng con trai giữa đám bạn trai. Trịnh Công Sơn xuất hiện, thắp cho tôi một đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài bảy dặm. Ông tập nhạc cho tôi, hát cho tôi nghe. Từ Trịnh Công Sơn tôi đã thành danh. 

Tôi không thích gọi tôi là diva hay danh ca. Tôi thường nói với người dẫn chương trình rằng cứ gọi tôi là Khánh Ly, thế là đủ.

- “Đằng sau những nụ cười” là nỗi cô đơn?

- Cười dù sao vẫn hơn là khóc.  Nhưng nhiều khi cười mà nước mắt vẫn chảy ra. Qua từng trang viết tôi chia sẻ một phần cuộc đời của mình. Tôi thành thực ghi chép những điều mắt thấy tai nghe, những câu chuyện nhỏ, thường nhật mà một người phụ nữ bình thường… ít học như tôi đã và đang trải qua.

Người ca sĩ, ngay khi cất tiếng hát, định mệnh đã nằm sẵn ở đó, trong tiếng hát. Tiếng hát vui. Cuộc sống tràn trề hoan lạc. Tiếng hát buồn. Dù cho cố cười cũng không ngăn đươc tiếng thở dài không chờ đợi.

 

Một hôm tôi hỏi Sơn: "Sống trong đời sống mình cần phải có gì? Làm gì?" Sơn cười ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn: Cần có một tấm lòng. Tôi nhìn Sơn: "Một tấm lòng?". Ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu củi quế, giữa thời giá trị của một con người được đánh giá bởi áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn... Một tấm lòng để làm gì? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. "Sống trong đời, ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi”. Tôi nhìn sững Sơn không nhớ bao lâu, nhưng chắc là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh, nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gầy trên những sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào không hay, gió từ sông Hương thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu rọi vào cõi u tối, ngu muội. 

(Trích Cần có một tấm lòng)


Phan Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm