Cư dân và các em nhỏ tại chung cư Belleza (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) đọc sách tại CLB Thanh thiếu niên. |
Đây có lẽ là chung cư hiếm hoi tại TP.HCM có phòng đọc sách dành cho cư dân, đặc biệt là các em nhỏ.
Từ sự đồng lòng
Phòng đọc sách của CLB Thanh thiếu niên tại chung cư Belleza rộng khoảng 48 m2, khang trang và đầy đủ tiện nghi với kệ sách, bàn, ghế, máy lạnh. Tất cả đều do cư dân ở đây đóng góp. Hiện kệ sách có hơn 2.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau, trong số đó chủ yếu là sách dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Nguồn sách ở đây cũng không phải mua mà đều do cư dân đóng góp.
Phòng đọc có tiền thân là “Tủ sách kết nối”, một ý tưởng của em Lê Phương Thảo Vy, lúc đó là học sinh lớp 9 (Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TPHCM).
Với ý tưởng độc đáo và thuyết phục, dự án của Thảo Vy đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ do Thành đoàn TP.HCM và Đường sách TP.HCM tổ chức năm 2019. Thông qua dự án của mình, Thảo Vy đã kết nối được những người dân sống cùng chung cư và tạo môi trường để hình thành thói quen đọc sách cho giới trẻ.
Theo Lê Phương Thảo Vy, sự thành công không phải vì chung cư có một tủ sách đẹp, mà nhờ tủ sách đã có một sợi dây vô hình gắn kết mọi người trong chung cư. Cuộc sống tại chung cư không chỉ hiện đại mà còn văn minh, ấm áp bởi những lời hay ý đẹp mà các cư dân nhí chia sẻ hàng ngày trên fanpage.
Ông Bùi Anh Phương, Trưởng Ban Quản trị chung cư Belleza, cho biết, năm 2019, “Tủ sách kết nối” có quy mô nhỏ, chỉ hơn 200 đầu sách, hầu hết là dành cho các em nhỏ trong chung cư.
Đến khi bé Thảo Vy cùng gia đình chuyển sang sinh sống ở nơi khác, lại do đợt dịch Covid-19 nên tủ sách phải dừng hoạt động. Cuối năm 2021, để đáp ứng nhu cầu đọc sách của các bé trong chung cư, phòng đọc sách được khôi phục, dưới sự giám sát của ban quản lý, ban quản trị và chi bộ Đảng tại chung cư.
“Chung cư là nơi sống khép kín, giao tiếp ít. Ngay tại chung cư Belleza, ngoài chủ hộ thì tỷ lệ người thuê cũng khá lớn, thậm chí có cả những người nước ngoài sinh sống. Ban đầu, để thành lập riêng một phòng đọc như vậy rất khó khăn, vì đụng đến lợi ích của các cư dân khác.
Chúng tôi phải thuyết phục và dàn hòa giữa các bên, đồng thời tạo group để vận động cư dân. Sau cùng, phòng đọc được ngăn riêng để tạo không gian yên tĩnh cho việc đọc. Đây là kết quả của sự đồng lòng giữa ban quản lý, ban quản trị và các cư dân”, ông Bùi Anh Phương cho biết.
Đáp ứng nhu cầu vui chơi và đọc sách
TP.HCM là một đô thị lớn, nhu cầu nhà ở ngày càng cao, rất nhiều chung cư đã mọc lên và hầu như tại chung cư nào cũng có không gian sinh hoạt cộng đồng dành cho cư dân.
Tuy nhiên, ở các không gian cộng đồng này hầu như vắng bóng các tủ sách. Khảo sát không gian sinh hoạt cộng đồng tại một số chung cư như: Ehome S Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh), Gia Hòa (TP Thủ Đức), Jamona Heights (quận 7), An Lộc 2 (TP Thủ Đức), City Gate (quận 8), Mỹ Đức (quận Bình Thạnh)… đều không có tủ sách hoặc phòng đọc.
Chị Thanh Thủy (ngụ ở chung cư Gia Hòa, TP Thủ Đức, TPHCM) kể, trong nhà chị có khá nhiều sách. Với mong muốn các em bé trong chung cư có sách đọc, chị từng lên group của chung cư thông báo đến cư dân về việc cho mượn sách từ tủ sách gia đình. Thời gian đầu, cũng có 2-3 người đến mượn sách về cho con đọc, nhưng rồi lượng người mượn sách vãn dần, đến nay thì không phụ huynh nào liên hệ với chị.
Từ câu chuyện của mình, chị Thanh Thủy bày tỏ: “Tôi nghĩ, nên có một tủ sách đặt tại chung cư, có điều kiện hơn thì xây dựng một phòng đọc sách riêng. Vào những ngày cuối tuần, nếu các em nhỏ không phải đi học, phụ huynh không phải đi làm thì vẫn có thể có một nơi sinh hoạt chung, bố mẹ đọc sách cùng con, các con đọc sách cùng các bạn. Điều này giúp tạo nên sự tương tác và kết nối giữa các cư dân, và các em nhỏ trong chung cư”.
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, việc xây dựng một tủ sách, kệ sách, góc sách tại chung cư, hay một không gian sống tập thể, rất tốt và cần thiết. Bởi vì, cũng như trong mỗi gia đình đều có một tủ sách, trong trường học cần có thư viện và những góc đọc sách gắn với lớp học, những nơi sinh hoạt tập thể của học sinh.
“Tủ sách, góc đọc sách trong một góc sinh hoạt của các em tại các chung cư cũng rất phù hợp. Vì đó là những nơi các em hàng ngày ra chơi, sinh hoạt. Như vậy, nếu có tủ sách, góc sách ở những nơi đó cũng là để đáp ứng cho nhu cầu vui chơi, đọc sách của các em”, ông Lê Hoàng nhấn mạnh.
Việc tổ chức góc đọc sách tại các chung cư phải do ban quản lý, tập thể quản lý chung cư chịu trách nhiệm. Nếu thấy cần thiết phải lập một tủ sách tại chung cư thì chính họ đứng ra thành lập. Ban quản lý cũng có thể nhờ một vài gia đình quan tâm đến việc đọc sách và có khả năng tổ chức tủ sách, đứng ra quản lý. Vấn đề là chúng ta quan tâm và duy trì việc đó như thế nào. Nếu tìm được những đầu sách phù hợp thì chắc chắn các em nhỏ sẽ xuống tìm đọc, góp phần hình thành niềm yêu thích đọc sách cho trẻ.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam