Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kết cục đẫm máu sau 5 năm lẩn trốn như 'bóng ma' của thủ lĩnh IS

Chiến dịch săn lùng Abu Bakr al-Baghdadi kéo dài nhiều năm với không ít những lần giết hụt khi trùm khủng bố này giữ bí mật tối đa hình ảnh và hành tung của mình.

Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã chứng kiến tổ chức cực đoan của ông ta giành lấy đỉnh cao quyền lực ở Trung Đông rồi lụi tàn trong khói lửa.

Suốt thời gian đó, Baghdadi giữ bí mật hành tung, hình ảnh, phát ngôn và vị trí của mình bí mật đến mức giới tình báo gọi hắn là "Bóng ma", theo AFP.

trum khung bo anh 1
Abu Bakr al-Baghdadi phát biểu tại Đại thánh đường Hồi giáo ở Mosul tháng 6/2014 tuyên bố thành lập"đế chế Hồi giáo". Ảnh: AFP.

Chiến lược gia và bạo chúa

"Baghdadi" có nghĩa là "người đến từ Baghdad", thủ đô của Iraq. Tuy nhiên, quê nhà thật sự của trùm khủng bố IS nằm tại thành phố Samarra, phía đông sông Tigris, một trong hai con sông lớn của nền văn minh Lưỡng Hà.

Tình báo Mỹ xác định tên thật của Baghdadi là Ibrahim Awad al-Badri, sinh vào năm 1971. Vì điểm số trong trường không đủ cao để học làm luật sư còn thị lực không đủ tốt để theo đuổi binh nghiệp, Ibrahim chọn học về Hồi giáo tại thủ đô.

Nhiều thông tin cho rằng Baghdadi có 5 người con. Vợ cũ của Baghdadi là Saja al-Dulaimi đang sống tại Lebanon. Bà mô tả chồng cũ của mình là "một người đàn ông bình thường, sống vì gia đình", không giỏi diễn thuyết và tốt bụng với trẻ con.

Nhiều nguồn tin cho biết sau Saja thì Baghdadi còn có đến 3 người vợ là Asma al-Kubaysi (người Iraq), Isra al-Qaysi (người Syria) và một người vợ trẻ đến từ một nước Vùng Vịnh.

Sau khi Mỹ xâm lược Iraq và lật đổ Saddam Hussein vào năm 2003, Baghdadi tự thành lập nhóm phiến quân nhưng không tổ chức vụ tấn công quy mô lớn nào. Hắn bị bắt giữ và giam tại trại Abu Ghraib của Mỹ vào tháng 2/2004. Baghdadi khi đó chỉ được tình báo Mỹ đánh giá là một phần tử thánh chiến không quá nguy hiểm.

Phải đến khi được chuyển đến Trại Bucca, nơi được mệnh danh là "trường đại học của chủ nghĩa thánh chiến", Baghdadi mới bắt đầu xây dựng những tham vọng và tạo dựng mối quan hệ với lực lượng cực đoan ở Iraq. Quân đội Mỹ trả tự do cho Baghdadi vào cuối năm 2004 vì không có đủ chứng cứ kết tội.

Hắn sau đó vào tù thêm một lần nữa rồi lại được thả ra vì thời điểm đó vẫn là một cái tên quá xa lạ đối với cộng đồng tình báo.

"Mọi người bất ngờ nhận ra rằng kẻ vô danh và rụt rè này thật ra là một chiến lược gia sắc bén", Sofia Amara, tác giả một phóng sự về Baghdadi, nhận định.

trum khung bo anh 2
Abu Bakr al-Baghdadi tái xuất vào tháng 4 trong một đoạn video kêu gọi IS tiếp tục thánh chiến. Ảnh: AP.

Năm 2005, Baghdadi thề trung thành với Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh khét tiếng tàn nhẫn của nhánh khủng bố al-Qaeda tại Iraq. Chỉ một năm sau, trong một chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ, "thầy" của Baghdadi bị tiêu diệt. Khi người kế nhiệm Zarqawi bị triệt tiêu vài năm sau, Baghdadi thâu tóm thành công chiếc ghế thủ lĩnh của nhóm.

Hắn đổi tên nhóm thành Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI), thu nạp nhiều nhóm cực đoan khác, rồi bành trướng phạm vi hoạt động sang Syria. Baghdadi còn thu nạp được nhiều cựu thành viên đảng Baath của Saddam Hussein. Hắn lợi dụng sự thù hằn trong hàng ngũ cựu tướng lĩnh và quân nhân Iraq đối với phương Tây, biến IS thành một tổ chức nguy hiểm với năng lực quân sự kết hợp cùng bộ máy truyền bá tư tưởng cực đoan mạnh mẽ.

Năm 2013, Baghdadi tách khỏi al-Qaeda và mở đầu cho sự hình thành của tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Các tay súng IS tiến đánh liên tiếp nhiều thành phố Iraq, đẩy lùi quân chính phủ dễ dàng. Tháng 6/2014, Baghdadi tự xưng là "caliph" (lãnh đạo tối cao của tín đồ Hồi giáo toàn cầu) của cái gọi là "đế chế Hồi giáo" mà IS thiết lập, trải dài từ ngoại ô Baghdad đến phía đông Syria.

Tuyên bố khét tiếng của Baghdadi được ghi hình ngay giữa Đại thánh đường Hồi giáo al-Nuri ở Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq. Tổ chức khủng bố dưới sự lãnh đạo của ông ta nắm quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ với gần 7 triệu người, áp đặt luật lệ hà khắc, tự vận hành bộ máy chính quyền và kinh tế độc lập.

Chiến dịch "săn người" quốc tế

Baghdadi là bộ não đứng sau sự tàn độc khét tiếng trong các vụ khủng bố của IS, biến nhóm trở thành tổ chức cực đoan với quyền lực và lãnh thổ kiểm soát ở quy mô chưa từng có tiền lệ.

Điều này khiến việc truy lùng để bắt giữ hoặc tiêu diệt Baghdadi trở thành ưu tiên hàng đầu của các nước. Baghdadi là mục tiêu của chiến dịch "săn người" với quy mô toàn cầu suốt gần 5 năm qua. Mỹ đã treo thưởng đến 25 triệu USD cho ai đoạt mạng tên trùm khủng bố.

Lựa chọn sống ẩn dật, giữ bí mật tung tích giúp Baghdadi lẩn trốn thành công suốt nhiều năm. Sau khi Baghdadi tự xưng là Caliph, mạng lưới truyền thông của IS chỉ phát tán những đoạn ghi âm gồm chỉ thị hay lời kêu gọi từ thủ lĩnh tối cao.

Baghdadi không lộ diện, khiến tình báo gặp nhiều khó khăn trong việc xác thực bề ngoài của hắn đã thay đổi như thế nào. Chiến thuật này được duy trì kể cả khi IS đánh mất hai thành trì lớn nhất của chúng là Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria, từ đó bị đẩy vào cảnh phân tán.

Trong suốt 5 năm cuộc chiến chống khủng bố diễn ra tại Iraq và Syria, đã nhiều lần các lực lượng quốc tế tưởng rằng mình đã giết được Baghdadi hoặc làm cho tên trùm bị thương nặng. Mọi tuyên bố sau đó đều được tiếp nối bằng sự hoài nghi rằng tên trùm vẫn nhởn nhơ trốn tránh công lý.

trum khung bo anh 3
Hiện trường địa điểm trực thăng Mỹ tấn công ở làng Barisha, tỉnh Idlib, đêm 26/10. Chiến dịch sau đó được thông báo đã tiêu diệt Baghdadi. Ảnh: Getty.

Chỉ đến khi thành trì cuối cùng tại Baghouz bị đánh bại, Baghdadi mới quyết định lộ diện một lần nữa. Trong đoạn video được IS đăng tải vào tháng 4, một người đàn ông được cho là Baghdadi đã kêu gọi những phần tử ủng hộ "báo thù" cho mọi tổn thất của IS.

"Thượng đế lệnh cho chúng ta thánh chiến. Ông không ra lệnh phải chiến thắng", hắn tuyên bố.

Nhiều nguồn tin khi đó cho rằng thủ lĩnh IS đang ẩn náu trong Badia. Sa mạc này trải dài từ lãnh thổ phía đông Iraq đến tỉnh Homs ở miền Tây Syria, nhiều phần tiếp giáp với tỉnh Idlib mà các lực lượng chống Tổng thống Bashar al-Assad đang bám trụ.

Ngày 27/10, thông tin Baghdadi bị tiêu diệt thành công một lần nữa xuất hiện. Tổng thống Donald Trump tuyên bố trùm khủng bố "chết như một con chó và một tên hèn nhát" trong đường hầm ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, cách quê nhà tại Samarra gần 1.000 km.

Tên trùm khủng bố đã tự kích nổ áo khoác bom khi bị đặc nhiệm Mỹ truy đuổi đến cùng đường. Quả bom mà Baghdadi kích nổ đã giết luôn cả 3 đứa con của ông. Lầu Năm Góc khẳng định kết quả xét nghiệm ADN cho thấy mục tiêu chính xác là Baghdadi.

TT Trump: Thủ lĩnh IS bị chó nghiệp vụ Mỹ đuổi tới ngõ cụt

Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức cuộc họp báo tại Nhà Trắng, tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS - Abu Bakr al-Baghdadi trong một chiến dịch ở bắc Syria.

Thủ lĩnh tối cao IS 'chết trong cuộc đột kích' của Mỹ

Các nguồn tin quân sự cho biết ông trùm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm