Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kẻ đánh cắp sự tập trung của chúng ta

Nếu không được quản lý tốt, những sự sao lãng là hệ quả của AI sẽ phá hủy khả năng tư duy của chúng ta.

AI khiến chúng ta bị chìm đắm trong những ứng dụng điện tử và không thể tập trung hoàn toàn vào công việc. Nguồn: iotforall.

Điện thoại thông minh là sản phẩm tiêu dùng thành công nhất trong lịch sử. Đối với cuộc đua phát triển của nhân loại, nó có vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và sự vận hành các mối quan hệ xã hội. Điện thoại thông minh giúp cho các thị trường kinh tế ngày càng hiệu quả và bù đắp cho cơ sở hạ tầng nghèo nàn tại các quốc gia đang phát triển.

Tờ báo The Economist đã gọi tên điện thoại thông minh là “thiết bị phát triển hiệu quả nhất đang tồn tại”. Điện thoại thông minh cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cá nhân. Điện thoại kết nối những người cùng mối quan tâm và sở thích trên thế giới. Những ứng dụng tiết kiệm sức lao động giúp chúng ta không bị lãng phí hàng giờ để mua sắm, đến ngân hàng và đặt trước kì nghỉ như trước đây.

Điện thoại truyền tải nguồn thông tin giá trị như các công thức nấu ăn, bản đồ, dự báo thời tiết…, đó mới chỉ là một số ví dụ. Vậy, tại sao những nhà hoạch định chính sách lại chỉ ra những mối đe dọa từ điện thoại thông minh? Tại sao nhiều người trong chúng ta lại rùng mình nghĩ rằng chúng ta đang là nô lệ của chiếc điện thoại thông minh?

Vấn đề ở đây chính là sự sao lãng. Nếu không được quản lý tốt, những sự sao lãng là hệ quả của AI sẽ phá hủy khả năng tư duy của chúng ta. Những ứng dụng tiết kiệm sức lao động giúp chúng ta làm việc năng suất hơn, nhưng bởi các bài đăng mạng xã hội cá nhân hay các tin tức được ngụy trang cho mối liên kết với những ứng dụng này khiến chúng ta không thể thoát khỏi những ảnh hưởng ngầm của chúng.

Điện thoại thông minh và mạng xã hội đã góp phần tạo ra một “nền kinh tế sức chú ý”. Các nền tảng Internet miễn phí được tạo ra nhằm thu hút sự chú ý của bạn và tạo ra giá trị cho những nhà quảng cáo. Nếu như bạn không trả tiền cho một sản phẩm, thì theo lời họ, bạn chính một sản phẩm.

Thậm chí ngay cả khi chúng ta rời văn phòng và trở về nhà, chúng ta cũng vẫn không tránh khỏi những điều cản trở và gây sao lãng. Cùng những email công việc luôn luôn thường trực, chúng ta còn có Facebook, Instagram, YouTube, các mạng xã hội và ứng dụng giải trí khác. Khi chúng ta bật thiết bị lên, những thủ thuật tâm lý được tạo thành những thuật toán để thu hút sự chú ý của chúng ta.

Cảm giác thỏa mãn (vâng, đó chính là mặt tối của dopamine) được giải phóng trong não bộ có thể khiến chúng ta bị chìm đắm trong những ứng dụng điện tử. Kết quả là một trạng thái “chú ý một phần liên tục” khiến chúng ta không thể tập trung hoàn toàn vào công việc.

Màn hình điện thoại của bạn luôn luôn có những icon thông báo cập nhật hay tin nhắn. Đặc tính ngầm này của điện thoại đòi hỏi chúng ta phải đáp lại, dựa theo một khái niệm được gọi là “phần thưởng có thể thay đổi”. Thủ thuật tâm lý này tương tự cách chúng ta bị nghiện cờ bạc vậy. Khi bạn nhấn vào icon thông báo, hay kéo màn hình xuống để làm mới nội dung, cảm giác thỏa mãn đó giống cảm giác mong đợi sau khi một kẻ bài bạc giật tay cầm của một chiếc máy đánh bạc ở Las Vegas.

Bạn không hề biết liệu mình có phát hiện thêm một email thú vị, một nút “like” từ một người bạn cũ, hay một lời hồi đáp trên Twitter từ người nổi tiếng không (bingo!) - hoặc có thể chẳng có gì cả. Vì bạn không biết liệu thông báo trên điện thoại mang lại cho bạn niềm vui hay sự thất vọng, nên nó khiến bạn liên tục kiểm tra nhiều hơn.

Các hệ thống AI được điều chỉnh cho phù hợp với từng người. Một báo cáo nội bộ bị rò rỉ của Facebook đã nói đến phương thức họ dùng để xác định khi nào một người cảm thấy “không an toàn”, “vô dụng” và cần “tăng cường sự tự tin”. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng kể cả khi không được bật, điện thoại cũng vẫn khiến bạn mất tập trung. Sự hiện diện của chiếc điện thoại ở trên bàn, trên ghế sofa lọt vào tầm mắt của bạn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực nhận thức của bạn.

Ngày nay, thế giới đang dần tỉnh thức trước kẻ đánh cắp sự tập trung khổng lồ này. Một điều khá nực cười là những người gióng lên hồi chuông tỉnh thức về tên trộm này lại chính là một nhóm những cựu doanh nhân và kĩ sư đã làm việc tại Thung lũng Silicon. Justin Rosenstein đã tự cấm mình không được dùng Snapchat (một ứng dụng mà ông ví như heroin) và hạn chế sử dụng Facebook.

Ông đã đưa ra cảnh báo về mối nguy hiểm khi bị lôi cuốn bởi những nút “like”, ông miêu tả nó như “một âm thanh trong trẻo từ niềm thỏa mãn giả tạo”. Là người đã sáng tạo ra nút “like” vào năm 2007 khi ông còn đang làm việc tại Facebook, thật ngạc nhiên khi chính ông lại có mối lo lắng này. Rosenstein cảnh báo rằng: “Mọi người bị mất tập trung mọi lúc”.

Chắc hẳn đó là lý do một trong những nhà sáng lập Facebook, tỷ phú Sean Parker đã công khai chỉ trích doanh nghiệp này, cho rằng nó đang cố ý tạo ra một sản phẩm gây nghiện, khai thác “một lỗ hổng trong tâm lý con người”.

James Williams, cựu quản lý chiến lược của Google mô tả mạng xã hội như “một hình thức kiểm soát sự chú ý lớn nhất, tiêu chuẩn nhất, trọng tâm nhất trong lịch sử loài người”. Williams đã rời Google năm 2016 sau khi ông nhận thấy mình đang bị bao vây bởi những thiết bị công nghệ luôn thu hút sự chú ý của ông, nó khiến ông quên mất những vấn đề thực sự đáng quan tâm.

Khi nhìn vào chiếc điện thoại của mình, ông nghĩ: “Đáng lý công nghệ nên hoạt động trái ngược với cách mà nó đang làm, không phải sao?”. Hiện nay ông đang theo học chương trình tiến sĩ về đạo đức trong ngành thiết kế kĩ thuật số tạo ảnh hưởng tại Trường Đại học Oxford.

Greg Orme / Tân Việt Books - NXB Dân Trí

SÁCH HAY