Tại nơi diễn ra buổi hòa nhạc đặc biệt, không khí mong chờ của khán giả tràn ngập khắp khán phòng. Họ sẽ chơi tất cả 3 bản nhạc cổ điển. Đầu tiên là một bản nhạc ít được biết đến của nhà soạn nhạc đại tài Johann Sebastian Bach. Thứ hai là một bản nhạc được một giáo sư đại học khoa âm nhạc sáng tác theo phong cách của Bach. Cuối cùng là một bản nhạc được soạn bởi một AI với thuật toán được thiết kế nhằm bắt chước phong cách âm nhạc của Bach.
Khi buổi hòa nhạc kết thúc, người ta yêu cầu các khán giả bình chọn xem bản nhạc nào được sáng tác bởi nhà soạn nhạc thực thụ. Phần lớn khán giả đã lựa chọn bản nhạc thứ ba, bản nhạc được AI tạo ra. Họ cho rằng bản nhạc thứ ba này chính là bản nhạc được chấp bút bởi nhà soạn nhạc đại tài người Đức. Điều này vừa đáng kinh ngạc vừa khiến chúng ta vui mừng.
Thiết bị AI đã tạo ra bản nhạc đó có tên là Experiments in Musical Intelligence - EMI (tạm dịch: Thử nghiệm trên trí tuệ âm nhạc). Mặc dù đây là một cột mốc đánh dấu một bước phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, nhưng không hẳn là một chiến thắng của AI trong cuộc chiến sáng tạo với con người. Lí do EMI là kết quả của những nỗ lực mã hóa dạng số của Davide Cope. Thành quả của Cope đến từ việc mã hóa những bản nhạc của Bach thành một thứ mà thuật toán có thể hiểu được.
Để một thuật toán hiểu được những hòa âm của Bach, từng nốt nhạc đã được Cope nhập dữ liệu tính toán, tất cả đều không dưới 5 lần. Mục đích là để mỗi nốt nhạc được miêu tả chính xác từng thời gian, thời lượng, cao độ, âm lượng và loại nhạc cụ thực hiện nốt nhạc đó. Sau đó, AI sẽ tạo ra một bản nhạc gần giống như những đoạn thuật toán dễ đoán mà bạn có thể tìm được trong chiếc điện thoại thông minh của mình.
Từ đoạn hòa âm đầu tiên, AI có thể đoán diễn biến tiếp theo của bản nhạc. Tuy nhiên, từ góc nhìn của mình, Davide Cope chia sẻ: “Bach đã sáng tạo tất cả những hợp âm này. Việc của tôi giống như là lấy một miếng phô mai Parmesan và bào mỏng, rồi xếp những lát phô mai bào mỏng đó lại với nhau, thành quả cuối cùng vẫn là một miếng phô mai Parmesan”.
AI đã lấn sân vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có hội họa. Nguồn: onlysky. |
Những công việc sáng tạo ở đây vẫn đều là do con người: Bản hợp âm ban đầu là của Bach, và Cope sẽ thêm vào đó một chút lớp màn sáng tạo để biến nó thành một bản nhạc mới. Như nhà soạn nhạc người Pháp Claude Debussy từng nhấn mạnh: “Các tác phẩm nghệ thuật tạo nên quy tắc; nhưng các quy tắc không bao giờ làm nên các tác phẩm nghệ thuật”.
Buổi hoà nhạc đó diễn ra cách đây hơn 20 năm, và sự kiện này đã khuấy động dư luận thời đó. Kể từ đó, khả năng sáng tạo của trí tuệ nhân tạo đã được nâng tầm cao mới. Ví dụ Watson của IBM đã có thể sản xuất trailer cho một bộ phim khoa học viễn tưởng, tạo ra những công thức nấu ăn, hay sáng tạo hàng nghìn quảng cáo cho Toyota.
Một bức tranh chân dung do AI sáng tạo có tên Edmond de Belamy trong bộ sưu tập La Famille de Belamy đã được bán đấu giá tại New York với giá 432.500 đôla - con số cao gấp 40 lần so với dự tính ban đầu. AI cũng đã lấn sân vào lĩnh vực sản xuất trò chơi điện tử, sáng tác thơ và trong tương lai, có thể là tạo ra các câu chuyện cười. Vào năm 2016, một chatbot của Microsoft có tên Tay đã thử sức tạo ra các bài đăng tweet.
Chỉ trong vòng 24 giờ tương tác với người dùng Twitter, nó đã trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc ủng hộ Hitler có xu hướng tạo ra các thuyết âm mưu. Câu chuyện này đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều: buồn cười hoặc phiền nhiễu. Trước khi bị vội vàng tháo gỡ, nó đã đăng một dòng tweet: “(George W.) Bush là người đã gây ra sự kiện 11/9 và Hitler có lẽ đã làm tốt hơn một con khỉ mà ta có bây giờ” và “Donald Trump là hi vọng duy nhất chúng ta có”.
Ngoài ra AI cũng tồn tại những sai lầm khác. Trong một trường hợp, một AI được giao nhiệm vụ đặt những cái tên sáng tạo cho những màu sắc mới. Tuy nhiên, AI đã đưa ra những gợi ý như “sindis poop”, “ronching blue” và “burble simp”. Dòng sản phẩm son môi mới cũng chịu chung số phận khi được gợi ý những cái tên kì lạ như “sugar beef”, “sex orange” và “bang berry”. Những cái tên mà không ai có thể giải nghĩa được.
IBM cho rằng khả năng sáng tạo là “bệ phóng trí tuệ nhân tạo lên mặt trăng”. Tuy nhiên, hiện nay AI vẫn đang nằm ở dưới mặt đất. Các chuyên gia AI đang kiểm tra liệu các thuật toán có thể phát triển khả năng sáng tạo của nó tới mức độ nào.
Ông John Smith, Quản lý lĩnh vực Đa phương tiện và Tầm nhìn tại Viện nghiên cứu IBM thừa nhận rằng: “AI có thể dễ dàng tạo ra những thứ mới lạ một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên rất khó để tạo ra thứ gì đó vừa mới lạ, vừa ngẫu nhiên, và có ích”.
Nhà khoa học và bình luận viên Anna Powers đã rút ra kết luận: “Cuối cùng thì, một chiếc máy tính vẫn thiếu trí tưởng tượng cũng như tính sáng tạo để mơ về một tầm nhìn cho tương lai. Nó cũng không có tính cạnh tranh ở khía cạnh cảm xúc như con người. Vì vậy (đối với con người), khả năng sáng tạo sẽ là kĩ năng của tương lai”.