Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Jose Mourinho - người đặc biệt hay kẻ khủng bố văn hóa

Phong cách hắc ám của Mourinho có thể giúp ông thành công trong ngắn hạn, nhưng khi buộc phải xây dựng đội bóng với hình ảnh đẹp và một triều đại lâu dài, Mourinho sẽ thất bại.

Từ “chúng tôi” từng được nhà kinh tế học Richard Reich nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo Reich, từ “chúng tôi” mà nhân viên sử dụng để nói về công ty mình làm việc là một tài sản vô giá. Người nhân viên bày tỏ sự tin tưởng và trung thành, mong muốn gắn kết và xây dựng công ty như tổ ấm thứ hai của họ. Ngược lại, nếu nhân viên sử dụng quá nhiều từ “tôi”, đây chính là biểu hiện của sự chia rẽ, là mầm mống của những bất đồng không thể hàn gắn.

Jose Mourinho chịu áp lực rất lớn khi Chelsea đứng thứ 15 sau 10 vòng đầu Premier League. Ảnh: Sky Sports.

Quãng ngày giông tố vừa qua, Mourinho đã dùng từ “tôi” quá nhiều. Người được cho là luôn ưỡn ngực đỡ mọi đường tên, mũi đạn cho học trò bỗng chốc quay lưng lại, chĩa giáo về phía họ. Mourinho và Chelsea đang khủng hoảng vì điều ấy.

Trong cuốn tự truyện “Dẫn đầu” mới phát hành cách đây chưa lâu, Sir Alex thường xuyên nhắc đến cụm từ “các cầu thủ United”. Huấn luyện viên huyền thoại của MU không muốn học trò chỉ là những kẻ làm thuê có tài. Ông yêu cầu các cầu thủ luôn ý thức được việc thi đấu vì màu cờ sắc áo. Đổi lại, họ sẽ được vinh danh như một phần tất yếu của câu lạc bộ.

Ferguson thường xuyên hướng sự chú ý của giới mộ điệu vào việc ông gây dựng MU như một thực thể sống, một câu chuyện kể sinh động với chiều sâu cảm xúc. Ông nói nhiều về học trò của Sir Matt Busby, về Geogre Best, Denis Law, Bobby Charlton, về việc xây dựng lại đội bóng từ thảm họa Munich và sứ mệnh của các cầu thủ khoác lên mình màu áo "Quỷ đỏ".

Thật may mắn cho Sir Alex vì các học trò của ông cũng luôn dành một vị trí trang trọng trong trái tim cho câu lạc bộ. Sau khi MU đoạt chức vô địch Ngoại hạng Anh năm 1997, Nicky Butt cùng anh em nhà Neville và Ryan Giggs trong lúc giao lưu với các fan cạnh tượng đài Busby bên ngoài SVĐ Old Trafford từng tuyên bố: “Chúng tôi biết tất cả phải đoàn kết để sánh vai cùng các huyền thoại MU".

14 năm sau khi rời khỏi Old Trafford, huyền thoại Peter Schmeichel chia sẻ với ITV rằng, ông vẫn luôn cảm thấy mình thuộc về đội bóng.  Schmeichel thường xuyên dùng từ “chúng tôi” khi nói về MU, dù anh sinh ra ở Đan Mạch và trưởng thành ở đội bóng Brondby.

Jose Mourinho đối diện nguy cơ mất việc ở Chelsea rất cao. Ảnh: Guardian.

Trong  lần thứ hai quay trở lại nước Anh, nhiệm vụ Abramovich đặt ra cho Mourinho nặng nề hơn nhiều. Ông chủ Chelsea muốn cấp dưới xây dựng Chelsea thành một đội bóng có hình ảnh đẹp, tức là cao hơn cả “lối đá đẹp”. Nhưng đây là điều không thể với Mourinho. Ông ưa thích nghịch cảnh, không có thì phải tạo ra nó. Ông thích đối đầu với truyền thông. Truyền thông không ưa ông thì không bao giờ đội bóng có hình ảnh đẹp.

Bí quyết của "Người đặc biệt" thực ra chỉ là tạo nghịch cảnh, gây sức ép và không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích. Ông tạo cho học trò cảm giác kẻ thù là cả thế giới, bủa vây tứ phía, phải nỗ lực hết khả năng để chống lại thế giới. Hệ quả là cầu thủ ra sân luôn trong tâm thế dựa chân tường, trạng thái tâm lý rất căng thẳng.

Trải qua thời gian, học trò của Mourinho bắt đầu thấy xấu hổ vì “nghịch cảnh” mà ông thầy của mình tạo ra. Họ không muốn bị nhìn nhận như kẻ thù làm xấu xí bộ mặt của thế giới bóng đá.  Nghịch cảnh Mourinho khiến tâm lý cầu thủ luôn căng lên, mà muốn đá hay đá đẹp phải có tâm lý tự tin để trình diễn. Và thế là khi buộc phải chơi tấn công, áp đặt trận đấu, buộc phải xây dựng hình ảnh đẹp đẽ, Chelsea sẽ vỡ vụn.

Trong ngắn hạn, phong cách “hắc ám” sẽ giúp ông đạt được những mưu đồ hắc ám. Nhưng triết lý ấy không thể giúp ông xây dựng một triều đại vững bền. Khát khao chơi bóng đá đẹp nhưng lại dùng thủ đoạn để chiến thắng biến Chelsea trở thành một mớ hỗn loạn.

Trong quá khứ, cầu thủ Real Madrid đã từng phát ngán những trò trẻ con, những màn đầu độc không khí phòng thay đồ, những cách tiếp cận hết sức giả tạo của Mourinho. Hội chứng mùa thứ ba không phải là điều gì khó lý giải, nó là hệ quả từ sự hắc ám trong phong cách huấn luyện của ông.

Nhiều huấn luyện viên mang phong cách của nhà quản lý đích thực, hiểu bản chất của con người và luôn làm phong phú thêm truyền thống vững bền như Sir Alex Ferguson. Một số huấn luyện viên coi cầu thủ như con đẻ, giương mình ra chắn mọi bão táp để bảo vệ cho những đứa con như Arsene Wenger. Số khác thích cảm hóa cầu thủ bằng năng lượng tinh thần, không cần gồng mình hay “làm màu” thái quá, như Ancelotti, Del Bosque.

Mourinho không thuộc tất cả các nhóm vừa nêu. Ông là một kẻ khủng bố nền tảng văn hóa của đội bóng. Ông chìm trong hố đen của bản ngã, quá giả tạo và ích kỷ, cái tôi quá lớn để có thể xây dựng được một triều đại lâu dài.

Thua trận thứ 5 ở NH Anh, Mourinho có nguy cơ bị sa thải

Chelsea thua 1-2 trên sân của West Ham ở vòng 10 Premier League. Đội đương kim vô địch thủng lưới ở phút 17 và chơi thiếu người sau khi Matic nhận thẻ đỏ cuối hiệp 1.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm