Căn nguyên của căn bệnh quái ác mà thánh Johan đang phải đối chọi có thể đến từ chứng nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dẫn dắt Barca. Năm 1991, ông từng phải tiến hành phẫu thuật tim, mở một đường dẫn phụ để đảm bảo cung cấp máu bình thường cho tim. Tin vui cho người hâm mộ bóng đá là thánh Johan hoàn toàn bình tĩnh trước cú sốc và có năng lượng tinh thần cực tốt để sẵn sàng chữa bệnh.
Johan Cruyff là một trong những huyền thoại của thế giới bóng đá. Dù không sở hữu bộ sưu tập danh hiệu cá nhân và tập thể quá đồ sộ, di sản triết lý bóng đá của ông có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến sự cách tân của bóng đá hiện đại nói chung, thành công tột đỉnh của Barcelona trong mười năm qua nói riêng.
Johan Cruyff từng nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dẫn dắt Barca. Ảnh: Fourfourtwo. |
Barcelona trải qua cơn khát danh hiệu trong nhiều năm, cho đến khi Johan Cruyff lên nắm chiếc ghế HLV trưởng ở sân Nou Camp năm 1988. Trước khi Cruyff đến, Barca cũng sở hữu nhiều cá nhân xuất sắc, nhưng không thể tạo nên một đội bóng đủ sức cạnh tranh với Real Madrid (khi đó đang được độc tài Franco ủng hộ). Cruyff lẽ ra có thể chọn Real, nhưng cuối cùng ông chọn Barca – một đội bóng mà 13 năm chưa vô địch quốc gia lần nào.
19h giờ tối ngày 28/4/1988, khách sạn Hesperia ở trung tâm Barcelona xôn xao vì buổi họp bất thường của 21 cầu thủ Barca cùng với HLV trưởng khi đó là cố HLV Luis Aragones. Buổi họp gây sự chú ý đặc biệt của dư luận, đội trưởng Alexanko vạch trần bộ mặt của chủ tịch Josep Lluis Nunez: “Ông ta đã lừa phỉnh chúng tôi bằng những thủ đoạn đê hèn. Mặc dù yêu cầu từ chức là quyền của riêng các hội viên, nhưng chúng tôi yêu cầu ông ta làm việc đó ngay lập tức”.
Scandal ở khách sạn Hesperia khiến Barca chạm đến đáy của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ mùa giải 1941/1942. Để giành lại lợi thế trước cuộc bầu cử chủ tịch diễn ra vào tháng 6 năm đó, Chủ tịch Nunez quyết chơi một canh bạc tất tay.
Sáu ngày sau, 4/5/1988, ông bổ nhiệm Johan Cruyff ngồi vào chiếc ghế nóng ở sân Nou Camp. Mười bốn năm trước đó, Barca trải qua cơn hạn hán danh hiệu khi đoạt được duy nhất một chiếc Cúp. Và tám năm sau từ ngày Cruyff lên nắm quyền ở sân Nou Camp cho đến khi ông bị sa thải, Barca giành tổng cộng 11 danh hiệu. Cruyff trên cương vị cầu thủ từng cứu Barca khỏi sự suy thoái hồi cuối thập niên 70, và ông lại làm điều ấy một lần nữa trên cương vị huấn luyện viên.
Công việc đầu tiên Johan Cruyff làm sau khi tiếp quản Barca là xây dựng lại đội bóng. Mười lăm cầu thủ phải xách vali rời đội, trong đó có những kẻ nổi loạn như Bernd Schuster, Victor Munoz và Ramon Caldere. Mười hai nhân tố mới được đem về, trong đó có Txiki Berigistain, Jose Mari Bakero, Julio Salinas, Eusebio – những mảnh ghép quan trọng nhất của “Đội hình trong mơ”.
Eusebio hồi tưởng: “Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi được một người như Johan Cruyff coi trọng. Kể từ khi Cruyff còn là cầu thủ, ông ấy đã chứng minh năng lực thay đổi dòng chảy lịch sử của bóng đá Tây Ban Nha và tinh thần Barcelona. Ông ấy khiến cho sự nghiệp của tôi sang trang mới ở tuổi 23. Ông tạo dựng thành công và nền tảng cho đội bóng bằng những con người trẻ, khao khát chiến thắng và tâm lý không bị đè nặng bởi quãng thời gian trắng tay của CLB”.
Mặc cho sự kêu gào của Chủ tịch Nunez, Cruyff quyết định giữ lại đội trưởng Alexanko – kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn Hesperia. Cruyff giải thích cho quyết định gây ra sự giận dữ của ngài chủ tịch: “Alexanko là người phát ngôn của các cầu thủ. Anh ta không nỡ để đồng đội chịu thiệt thòi nên đã làm tròn bổn phận của mình. Đó là phẩm chất đáng quý. Ngài biết đấy, người ta thường đoạt mạng sứ giả đưa thư. Nhưng nếu là vua, tôi không làm thế. Quan điểm của tôi rõ ràng rồi đấy. Quỷ tha ma bắt ngài đi, ngài chủ tịch”.
Cruyff cách tân Barca và đem đến những luồng sinh khí mới cho đội bóng này. Ảnh: Fourfourtwo. |
Cách điều hành của Nunez với đội bóng cũng buộc phải thay đổi khi Cruyff ra tối hậu thư: “Tôi là HLV, là ông chủ trên sân bóng. Nếu muốn nói chuyện với tôi, tôi sẽ đến văn phòng để gặp ngài. Mong ngài đừng viếng thăm phòng thay đồ của đội”.
Sau khi đã ổn định nội bộ, bước tiếp theo mà Johan Cruyff làm là định hình lối chơi. El Flaco (chàng gầy – biệt danh của Johan Cruyff) có buổi họp chiến thuật đầu tiên vào đầu tháng 7 năm 1988, sau khi tập hợp trong tay đầy đủ các nhân tố cần thiết.
Eusebio kể lại bằng sự ngưỡng mộ: “Chúng tôi đều bất ngờ với buổi họp ấy. Cruyff vẽ ra một sơ đồ có ba hậu vệ, bốn tiền vệ sắp sếp thành hai hàng đôi, hai hộ công hỗ trợ cho tiền đạo cắm. Chúng tôi nhìn nhau rồi tự hỏi: “Cái quái gì thế này”. Thời đó, sơ đồ 3-5-2 và 4-4-2 đang rất thịnh hành. Chúng tôi không thể tin nổi vào mắt mình là có nhiều cầu thủ tấn công như thế, và số cầu thủ phòng ngự lại được giảm tối thiểu”. Johan Cruyff tự mình sáng tạo ra phong cách chơi bóng mới ở Tây Ban Nha. Sơ đồ 3-4-3, biến thể của sơ đồ 4-3-3, chính thức được ra đời.
Cruyff giải thích về sơ đồ rất dị thường mà ông vừa sáng tạo: “Nếu bạn để bốn hậu vệ kèm cặp hai tiền đạo đối phương, đấy quả là một sự lãng phí. Trong khi đó ở phía trên, bạn chỉ có sáu cầu thủ để đối chọi với tám cầu thủ của đối phương. Chiến thắng là điều bất khả thi. Vậy nên tôi quyết định đẩy một hậu vệ lên làm tiền vệ. Một trong ba hậu vệ phải là cầu thủ đa năng, có thể đá cả hậu vệ biên để di chuyển như một hậu vệ biên khi cần”.
“Tôi bị chỉ trích vì sơ đồ ba hậu vệ, nhưng đó là những điều ngu ngốc nhất tôi từng nghe thấy. Những gì chúng ta cần là lấp đầy những khoảng trống ở khu vực giữa sân với nhiều cầu thủ nhất có thể. Tôi thích giành chiến thắng với tỷ số 5-4 hơn là thắng 1-0 nhạt nhẽo”. Johan Cruyff chưa bao giờ quá chú tâm đến khâu phòng ngự.
Giá trị cốt lõi trong triết lý của Cruyff là quyền kiểm soát bóng, điều đã làm nên thương hiệu của Barca. Cruyff chia sẻ: “Khi một cầu thủ có bóng, những người còn lại phải di chuyển linh hoạt hết sức có thể. Bạn có bóng, đối thủ không thể ghi bàn. Sự di chuyển của các cầu thủ sẽ quyết định điểm đến của trái bóng. Nếu bạn di chuyển tốt, bạn sẽ biến áp lực của đối thủ thành cơ hội của mình. Trái bóng sẽ đến bất kỳ nơi nào bạn muốn”.
Đồng thời, Johan Cruyff cũng tiết lộ: “Khi có bóng, bạn phải làm cho sân đấu lớn nhất có thể. Khi mất bóng, phải làm cho sân đấu nhỏ nhất có thể. Nghệ thuật đơn giản là mở rộng tối đa không gian chơi bóng của mình và bóp chết tối đa không gian chơi bóng của đối phương”.
Nghe qua thì có vẻ hơi vô lý vì sân bóng không thể mở rộng, nhưng kỳ thực, Cruyff đang muốn nói đến yếu tố cự ly đội hình. Cụ thể hơn, Cruyff muốn khi có bóng, đội hình phải trải rộng ra khắp mặt sân. Mục đích của việc này là khiến cho đội hình của đối thủ giãn rộng theo. Một đội bóng tổ chức hàng thủ theo kiểu một-kèm-một quá nhiều hoặc kém tổ chức sẽ dễ dàng bị kéo rộng, từ đó khoảng trống sẽ lộ ra.
Ngược lại, khi phòng thủ, mục đích là để lộ ra càng ít khoảng trống càng tốt, đồng nghĩa với việc phải co lại thành một khối chắc chắn. Cruyff nhấn mạnh: “Ronald Koeman và Pep Guardiola phòng ngự rất kém. Nhưng họ lại là trái tim của hàng phòng ngự. Vấn đề ở đây là phòng ngự trong phạm vi bao nhiêu mét. Nếu tôi phòng ngự trong phạm vi lớn, tôi sẽ là người tệ nhất, và ngược lại”. Quan điểm này của Cruyff về sau được Pep Guardiola vận dụng triệt để nhằm xây dựng Barca mới.
Sau một thời gian dẫn dắt Barca, Cruyff nhận ra một vấn đề lớn. Ông có trong tay quá ít cầu thủ nghệ sĩ với kỹ năng xử lý bóng thượng thừa, đủ để có thể vận hành trơn tru lối chơi mới mà ông vừa vạch ra. Vấn đề tái thiết lò đào tạo La Masia là vô cùng cấp bách.
Thật ngạc nhiên khi biết rằng cái nôi sản sinh ra những Messi, Xavi hay Iniesta từng lựa chọn cầu thủ không phải dựa trên kỹ năng mà dựa trên vóc dáng. Năm 1986, một cậu thiếu niên 15 tuổi đăng ký thi vào lò La Masia nhưng bị đánh trượt vì các tuyển trạch viên chỉ giữ lại những người cao trên mét tám. Cậu thiếu niên ấy hét lên giận dữ: “Tôi sẽ cao trên mét tám. Tôi sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”. Cậu ấy là Pep Guardiola.
Triết lý bóng đá của Johan Cruyff giúp những cầu thủ nhỏ con như Iniesta, Xavi hay Messi có cơ hội thể hiện tài năng ở Barca. Ảnh: Zimbio. |
Cruyff đến Barca và xóa bỏ quy định kỳ cục ấy, vì nó không phù hợp với triết lý mới của ông. Cruyff khẳng định: “Tôi có trong tay những chàng trai thấp bé nhẹ cân như Albert Ferrer, Sergi hay Guillermo Amor. À, Pep là ngoại lệ. Thể chất của họ không hơn người, nhưng trí tuệ của họ lại thuộc diện ưu tú. Họ là thiên tài trong việc kiểm soát bóng. Tôi luôn tâm niệm lò La Masia phải thu hút tài năng trẻ trên khắp thế giới chứ không chỉ ở địa phương”.
Tất cả đội trẻ của Barca, từ đội U8 đến Barca B đều bắt đầu học theo những nguyên lý của sơ đồ 3-4-3 và nghệ thuật kiểm soát bóng. Hệ thống đào tạo trẻ mà Cruyff mong chờ cuối cùng cũng thành hiện thực. Albert Ferrer, Sergi và Amor – những sản phẩm “cây nhà lá vườn” của lò La Masia thi đấu tổng cộng trên 1.000 trận cho Los Blaugrana (biệt danh của CLB Barcelona). Điểm chung là họ đều cao dưới 1m80. Pep Guardiola, một sản phẩm khác của lò La Masia, cao trên mét tám nhưng thân hình khá mỏng cơm. Ông khoác áo CLB 384 lần.
Nhà báo Oriol Domenech của tờ Mundo Deportivo, người từng có sáu năm thi đấu ở đội trẻ Barca, nhớ lại: “Những cầu thủ thấp bé nhẹ cân như tôi được trao nhiều cơ hội. Cruyff là người mở đầu cho chính sách tuyển mộ cả những cầu thủ có chiều cao khiêm tốn. Nếu ông ấy không đến Barca, chắc chắn sẽ không có Iniesta, Xavi hay Messi”.
“Xem Messi chơi bóng ở trận chung kết Champions League 2014/2015 với Juventus, Johan Cruyff như được sống lại thời trai trẻ và triết lý bóng đá do chính ông sáng tạo ra”.
Messi ở trận đấu ấy chơi rất thấp, lùi rất sâu. Sau đó, khi toàn đội dâng cao, Messi mới dâng cao rồi chơi ở cánh, di chuyển vào giữa và nhiều khi đá trung phong. Cruyff thời còn là cầu thủ của Ajax Amsterdam cũng chơi tiền đạo nhưng khi sang Barca, ông chơi cực rộng trong vai trò cầu thủ tấn công đa năng.
Sự đa năng, hoán đổi vị trí, tư duy chiến thuật, khả năng gây sức ép ngay trên phần sân đối phương và những cầu thủ nhỏ con nhưng sở hữu kỹ thuật cá nhân siêu hạng như Xavi, Iniesta hay Messi chính là sản phẩm từ ý tưởng của thiên tài Johan Cruyff.
Huyền thoại người Hà Lan giành 11 danh hiệu cùng Barca, nhưng ông không phải là HLV thành công nhất trong lịch sử đội bóng này (xét trên khía cạnh thành tích). Người học trò xuất sắc của Cruyff - Pep Guardiola kế thừa triết lý của ông, trọng dụng hơn nữa những nhân tài của lò La Masia đồng thời nâng việc kiểm soát thế trận (không phải kiểm soát bóng như người ta vẫn lầm tưởng, rất nhiều đội kiểm soát bóng nhưng không kiểm soát được thế trận) lên thành ưu tiên hàng đầu, thậm chí vươn tới tầm nghệ thuật.
Cái tên Pep Guardiola gắn liền với thời kỳ thành công rực rỡ nhất trong lịch sử Barca (14 danh hiệu trong vòng bốn năm). Không dừng lại ở đó, chiến tích vô tiền khoáng hậu (giành hai chức vô địch EURO (2008 và 2012), một chức vô địch World Cup (2010) của ĐT Tây Ban Nha cũng có đóng góp lớn của Pep. Chính HLV Vicente del Bosque đã thừa nhận, ông xây dựng lối chơi của Tây Ban Nha dựa trên phong cách tiki-taka của Barca.
Tuy nhiên, có hai lầm tưởng phổ biến đến mức quy luật về Pep và Barca dưới thời Pep: Thứ nhất, Pep là người sáng tạo ra lối chơi đã làm cả châu Âu khiếp sợ trong suốt nửa thập kỷ. Thứ hai, Barca chơi thứ bóng đá mà người ta hay gọi bằng cái tên “tiqui-taca”.
Thực tế, Pep không phải là người sáng tạo ra lối chơi ấy, ông đi vay mượn kiến thức ở khắp nơi, nhưng dĩ nhiên là nâng nó lên một tầm vóc mới, vay mượn theo kiểu hiếm thấy. Lối chơi của Barca dưới thời Pep càng không phải là tiqui-taca mà người ta đã nghiễm nhiên mặc định cho nó.
“Thánh” Johan Cruyff có một tình yêu đặc biệt đối với xứ Catalunya. Ông đã định cư ở đây, dẫn dắt đội tuyển Catalunya, đồng thời đặt tên con trai mình là Jordi, giống tên vị thánh bảo trợ của cộng đồng tự trị lớn nhất Tây Ban Nha.
Tư tưởng, triết lý của Cruyff là sơ khởi cho thành công rực rỡ của Barca trong vòng mười năm trở lại đây, đồng thời là tiền đề cho sự cách tân của bóng đá hiện đại. Johan Cruyff thực sự là một vị thánh của thế giới bóng đá.