Mã Vân hay Jack Ma là cái tên quá nổi tiếng trên khắp thế giới. Người đàn ông được mệnh danh là “Bill Gates của Trung Quốc” không chỉ là cha đẻ của đế chế thương mại điện tử khổng lồ Alibaba mà còn là người giàu nhất Trung Quốc, người luôn nằm trong danh sách những tỷ phú của thế giới.
Được sự đồng ý của đơn vị phát hành, Zing.vn xin giới thiệu cùng độc giả một số đoạn trích trong cuốn sách Mã Vân – triết lý sống của tôi (bản dịch của Nguyễn Tiến Đạt).
Độc giả có thể tìm ra câu trả lời cho lý do người đàn ông có dáng người gầy gò, tướng mạo xấu xí, kết quả môn Toán bết bát, hai lần thi trượt đại học đó đạt được những thành công đáng nể như vậy.
Tây Du Ký là một tác phẩm kinh điển được rất nhiều độc giả yêu thích, người ta say sưa với vô vàn tình tiết đặc sắc trong cuốn tiểu thuyết bất hủ này. Mã Vân cũng thích đọc Tây Du Ký, nhưng điều mà anh chú ý không đơn thuần là tình tiết câu chuyện, mà là những đạo lý sâu xa bên trong.
Mã Vân phân tích: “Đường Tăng là nhà lãnh đạo giỏi, ngài biết Tôn Ngộ Không phải quản chặt, vì vậy sẽ niệm vòng kim cô; Trư Bát Giới nhiều tật xấu, nhưng không bao giờ phạm sai lầm lớn, nên thi thoảng phê bình là được; riêng Sa Tăng thi thoảng cần động viên, khích lệ. Và như vậy, một ”dream team” đã được hình thành.”
Dù là ông chủ một doanh nghiệp về Internet nhưng Jack Ma lại "mù" IT. |
Ông chủ công ty Internet nhưng "mù" IT
Mã Vân nhận thấy một lãnh đạo giỏi chưa chắc đã là cốt cán công nghệ hoặc tinh thông nghiệp vụ, anh nói: “Người thông minh cần một lãnh đạo ngốc. Khi đội ngũ toàn là những nhà khoa học thì để nông dân làm lãnh đạo là phù hợp nhất, vì phương hướng tư duy không giống nhau, cách nhìn nhận vấn đề từ những góc độ khác nhau sẽ đem lại thành công.”
Mã Vân giỏi hoạch định chiến lược, nhưng lại mù tịt về công nghệ thông tin. Với tư cách là ông chủ của Alibaba – được định nghĩa như một doanh nghiệp Internet mang tính chất công nghệ, Mã Vân từng nói rằng anh không hề cảm thấy áp lực. Một tờ báo đã nhận xét về Mã Vân như sau: “Anh ta là một nhân tài IT nhưng lại không hiểu gì về IT; là một anh hùng Internet nhưng lại không hiểu gì về Internet.”
Rốt cuộc Mã Vân ”mù tịt” về công nghệ tới mức nào? Nếu như không tham khảo câu chuyện kỳ lạ dưới đây thì chúng ta sẽ khó có thể đưa ra những đánh giá cụ thể và trực quan nhất:
Một hôm, phóng viên được mời đến phòng làm việc của Mã Vân để phỏng vấn, có lẽ xuất phát từ yêu cầu của chủ đề thảo luận hôm đó nên Mã Vân mở laptop, chuẩn bị trình chiếu tài liệu. Nhưng loay hoay hồi lâu mà anh vẫn chẳng thể nào mở được, cực chẳng đã, ông chủ Alibaba đành gọi điện nhờ thư ký riêng vào chữa cháy.
Phóng viên cứ tưởng Mã Vân đã gặp phải một vấn đề kỹ thuật hóc búa, bèn đứng cạnh kiên nhẫn chờ thư ký giải quyết. Nhưng thư ký chỉ thoáng chốc đã tìm ra tài liệu đó. Khi ngó xuống màn hình máy tính, phóng viên mới phát hiện thứ Mã Vân muốn tìm chẳng qua là một file word không thể thông dụng hơn.
Phóng viên cực kỳ kinh ngạc, một vấn đề đơn giản mà ngay cả lão nông tri điền vừa tập tành máy tính cũng có thể giải quyết, vậy mà Mã Vân đành bó tay? Nhưng sự thật là vậy, “hoàn toàn mù tịt về máy tính” là từ miêu tả chính xác nhất về nhân vật làm mưa làm gió của ngành internet Trung Quốc cũng như thế giới – Mã Vân.
Trong ấn tượng của đại đa số mọi người, những nhân viên kỹ thuật trong giới IT thường đầy “tuyệt chiêu”, ngay cả một kỹ sư IT gà mờ nhất cũng thừa khả năng giải quyết những vấn đề nan giải liên quan đến máy tính mà người bình thường chẳng thể xử lý được. Nhưng Mã Vân – ngôi sao của giới IT lại chỉ biết làm hai việc liên quan đến Internet, như chính anh nói thì “một là lướt web, hai là gửi email. Ngoài ra mù tịt hết! Ngay cả việc xem VCD trên máy vi tính cũng chịu chết.”
Không những thế, Mã Vân còn kiên quyết duy trì “trình độ” của mình, không hề có “ý thức cầu tiến” trên phương diện công nghệ thông tin, thậm chí anh còn nói rằng: “Việc giữ vững trình độ gà mờ là rất tuyệt vời!” theo lời Mã Vân tự nhận thì từ nhỏ anh đã không phải là người thông minh: “Thực ra tôi đần lắm, não bé tí, chỉ có thể nghĩ từng vấn đề một, cậu nêu ba vấn đề cùng một lúc, tôi xử lý không kịp!”
Nhưng điều đó không thể ngăn cản Mã Vân dẫn dắt đội ngũ của mình tạo nên kỳ tích, bởi vì theo quan điểm của anh: “Xây dựng một đội ngũ tài hoa quan trọng hơn việc có một nhà lãnh đạo tài hoa.” Giống như một con tàu hành trình trên biển cả, chỉ mình vị thuyền trưởng giàu kinh nghiệm và am hiểu kỹ thuật là không đủ, còn cần một dàn thủy thủ xuất sắc nữa.
Trên phương diện lãnh đạo, Mã Vân có bí quyết của riêng mình, đó là đóng vai “gã khờ” trong giới công nghệ thông tin. Rất nhiều công nghệ hay sản phẩm của Alibaba đều hoàn tất quá trình test nhờ “gã khờ” Mã Vân. Anh nói: “Chỉ cần Mã Vân không biết sử dụng thì 80% số người ngoài xã hội cũng không biết sử dụng!” Có thể thấy, mỗi sản phẩm của Alibaba đều phải qua ải của anh mới đạt yêu cầu, bằng không sẽ uổng công vô ích.
Trong quá trình tham gia chương trình “Đối thoại” của đài CCTV, Long Vĩnh Đồ – người từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc, Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã bình luận về Mã Vân như sau: “Người ngoại đạo cũng có thể lãnh đạo người trong nghề, nhưng tiền đề là bạn phải tôn trọng người trong nghề. Nếu bản thân không hiểu nhưng lại không biết tự nhìn nhận mình, vậy mọi chuyện sẽ vô cùng rắc rối. Riêng điều này Mã Vân đã làm rất tốt.”
Mã Vân đánh giá rất cao về triết lý quản trị con người của Đường Tăng. |
Triết lý quản trị của Đường Tăng
Mã Vân đặt tên cho đội ngũ của mình là “thầy trò Đường Tăng”: “Một nhà lãnh đạo như Đường Tăng sẽ luôn kiên trì với mục tiêu của mình; Tôn Ngộ Không tuy tự phụ nhưng lại rất cần cù, năng lực tốt; Trư Bát Giới tuy hơi lười, nhưng lại có tinh thần tích cực, lạc quan; Sa Tăng chưa bao giờ nhắc tới lý tưởng, chỉ tập trung làm việc chuyên cần. Do đó, bốn người họ đã tạo ra một đội ngũ hoàn hảo.”
Có lẽ chính quan điểm khác người của Mã Vân đã giúp đội ngũ của anh vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của ngành Internet. Xét cho cùng, thành công của Mã Vân cũng xuất phát từ việc tuy gà mờ về IT, nhưng anh rất tôn trọng ý kiến của chuyên gia và các nhân tài.
Mã Vân cho rằng trên phương diện nhân tài, cái gọi là tinh anh chưa hẳn đã phù hợp với doanh nghiệp, thực ra ngay cả những người bình thường cũng có thể làm nên những điều phi thường khi biết chung lưng đấu cật. Anh từng nói rằng: “Một người lãnh đạo giỏi chưa chắc đã giống như tôi, một người biết ăn nói, biết diễn thuyết. Người lãnh đạo phải kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình.
Khi sang Tây Trúc thỉnh kinh, người lãnh đạo phải không quản ngại nguy nan, dám nói rằng các bạn có thể quay về, nhưng tôi vẫn cứ đi, đó mới là người lãnh đạo. Vì vậy, tôi thấy tất cả các đơn vị đều cần phải có một nhà lãnh đạo như Đường Tăng.
Bạn đừng nghĩ anh ấy không khéo ăn nói, nói không hay bằng Mã Vân, nhưng thực ra lại lợi hại hơn Mã Vân rất nhiều đấy, chẳng qua bạn không nhận ra mà thôi!
Tôn Ngộ Không rất có năng lực nhưng lại hay mắc sai lầm, những người như vậy đơn vị nào cũng có, đúng không? Nếu toàn là Tôn Ngộ Không thì công ty không thể vận hành; Trư Bát Giới lười làm tham ăn nhưng rất hài hước, tập thể cần những người như thế; Sa hòa thượng cần cù chăm chỉ, anh ấy nói: ‘Cậu đừng bàn về lý tưởng, mục tiêu phấn đấu làm gì! Mỗi ngày tôi cứ làm việc 8 tiếng, sáng đi, tối về.’ Người như vậy cũng không thể thiếu.
Bốn thầy trò Đường Tăng trải qua chín chín tám mươi mốt kiếp nạn, đến Tây Thiên lấy được chân kinh, đội ngũ như vậy có ở khắp nơi. Mỗi người đều có cá tính của mình, điểm mấu chốt là người lãnh đạo phải làm thế nào để đội ngũ đó phát huy tác dụng, đó mới là đội ngũ đi thỉnh kinh chân chính.”