Hai làng Tà Pình và Động Hía của tác giả Bắc Thôn là một cuốn truyện như thế.
Năm ấy, tôi khoảng 11 tuổi. Một buổi chiều đi chăn trâu về, chị tôi đang đứng đợi cạnh chân cầu thang. Chị chìa cho tôi một quyển truyện, Hai làng Tà Pình và Động Hía. Mắt tôi sáng lên, quên cả mệt nhọc và nóng bức của buổi chiều hè. Tôi ngồi bệt xuống bậc cầu thang nhà sàn, lật giở từng trang sách. Có những cơn gió mát thổi ra từ đó.
“Tà Pình và Động Hía cũng như vậy. Hai làng cách nhau nào có bao xa. Chỉ bốn khoảnh đồi cỏ là đến. Một con ngựa của người Tà Pình thả ra ăn cỏ thuận chân hoặc chú ngựa mải ăn một tí, chỉ một tí thôi là nhảng vó sang đất Động Hía của người Mán”.
Tôi mơ màng nhìn lên đỉnh núi trước nhà. Chỗ tôi ở là thung lũng. Những nếp nhà sàn người Tày dựng bên những thửa ruộng bậc thang. Bên kia thung lũng là những dãy núi. Bố tôi bảo người Mán (người Dao) ở lưng chừng núi. Người Mèo (người Mông) ở trên đỉnh núi. Không biết trên dãy núi trước nhà tôi có hai làng giống như Tà Pình và Động Hía không nhỉ? Phải rồi! Lớp tôi có một bạn người Dao. Ngày mai, tôi phải hỏi bạn ấy mới được.
Buổi sáng, tôi đến lớp thật sớm. Triệu Là Pham vừa đến, tôi vội kéo ra góc sân.
- Cạnh làng bạn có làng người Mèo nào không?
- Không! Sao bạn lại hỏi thế?
- Tớ tưởng cũng có như trong cuốn truyện này!
- Truyện gì? Tớ đọc với!
Pham kéo tôi ngồi xuống. Cả hai chúi đầu vào trang sách.
- Tớ cũng nuôi một con chim như Vừ A Sình.
- Tớ tưởng bạn giống Triệu Đại Kim chứ?
- Ừ! Tớ là người Mán, tớ giống Triệu Đại Kim chứ. Nhưng tớ cũng nuôi chim. Giá mà hai làng Tà Pình không và Động Hía không thù nhau thì tốt nhỉ. Trẻ con hai làng sẽ được chơi với nhau thoải mái. Ban đêm, Vừ A Sình không phải lén lút đến ruộng dưa xem trộm trẻ con Tà Pình tập văn nghệ. Vừ A Sình với Triệu Đại Mã thoải mái đến nhà nhau chơi.
- Nhưng Triệu Đại Mã vẫn chơi với Vừ A Sình mà. Đây này.
“- Tao là Triệu Đại Mã, con Triệu Đại Kim
- Tao Vừ A Sình, con Vừ A Dếnh. Mày có chơi với tao không?
- Tao chơi chứ. Cán bộ cụ Hồ bảo người Mèo người Mán là anh em mà”
- Ừ. Nhưng trống vào lớp rồi kìa. Chiều tớ sang nhà bạn đọc tiếp nhé.
Buổi chiều, vừa đi chăn trâu về, tôi lại giở sách ra đọc.
“Giờ phút ấy cũng không ngờ là giây phút cuối cùng của đôi bạn thiếu niên. Lúc Sình vừa tới cửa rừng thì Triệu Đại Mã cũng bắt đầu quay đầu chạy. Nhưng muộn quá rồi. Cậu vừa cất chân lên thì theo đấy là hai quả đạn súng cối cày xuống đất, bốc lên hai cột khói. Tiếng núi vang vào vách núi ầm ầm. Mã ngã gục xuống đám khói ấy”
Nước mắt tôi tràn ra giàn giụa trên má. Thương Mã quá. Tôi ôm cuốn sách vào ngực mình đang nhoi nhói. Vừa lúc ấy, Pham sang:
- Sao bạn khóc?
- Triệu Đại Mã chết rồi!
- Sao chết? Người Mèo giết à?
- Không! Tây giết đấy. Tây đi càn quét, phá làng. Mã chạy sang báo cho làng Tà Pình biết để đi trốn. Thế nhưng Mã không trốn kịp, bị pháo bắn trúng rồi.
Pham ngồi thẫn thờ bên tôi. Mắt nó cũng đỏ hoe. Tôi biết nó cũng như tôi đang chìm đắm trong truyện. Triệu Đại Mã can đảm quá. Ước gì Mã không chết...
Tác phẩm Hai làng Tà Pình và Động Hía của nhà văn Bắc Thôn. |
Hơn hai mươi năm sau, tôi dạy học ở một xã giáp biên. Sau buổi khai giảng, tôi sắp xếp cho các em học sinh vào các phòng ở. Đây là vùng núi cao hiểm trở, nhiều em học sinh không thể đến trường và về nhà trong ngày. Các em phải ăn ở bán trú tại trường, đến cuối tuần mới về nhà. Phân chỗ ở xong, tôi quay trở lại phòng thì có hai em học sinh đến tìm:
- Thầy ơi! Em không ở đâu. Em về thôi.
- Sao lại thế?
- Em không ở với các bạn người Mông đâu! Các bạn ấy cũng không thích chúng em. Em ở với các bạn người Dao em thôi!
Thì ra là vậy. Tôi vẫn nghe đồng nghiệp kể rằng các em học sinh dân tộc Dao không chịu ở với các em dân tộc Mông, phải xếp các em cùng dân tộc ở cùng với nhau. Vì thế có những phòng lên đến ba mươi em nhưng có phòng chỉ có gần mười em. Tôi đành để hai em học sinh ở tạm cùng các bạn người Dao.
Buổi chiều, tôi tổ chức một buổi sinh hoạt cho học sinh bán trú. Sau phần chơi trò chơi và hát tập thể, tôi đọc cho các em nghe Hai làng Tà Pình và Động Hía. Câu chuyện kết thúc rồi mà các em học sinh vẫn ngồi im phăng phắc. Hình như các em cũng có cảm xúc giống tôi năm nào. Tôi nhìn quanh một lượt. Một cậu học trò rụt rè đứng dậy:
- Thưa thầy! Em sai rồi ạ! Em sẽ sang ở với các bạn người Mông ở phòng 4.
- Các bạn phòng 4 có đồng ý không?
- Có ạ, có ạ!
Tôi khẽ thở phào. Sự hiểu biết, đồng cảm sẽ giúp con người yêu thương nhiều hơn. Tôi thầm cảm ơn “Hai làng Tà Pình và Động Hía” đã giúp tôi giải quyết một tình huống khó. Tôi nghĩ đến Sình và Mã. Sự hi sinh của Mã thật là cao cả. Hai làng không còn thù hận. Hai làng đã là anh em. Triệu Đại Mã sẽ sống mãi trong lòng người dân hai làng và câu chuyện ấy đã theo tôi lớn lên.
“Nấm mồ Triệu Đại Mã chôn ngay đầu động. Người Mèo cũng thường đến thăm cậu”.