Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bành trướng khắp Trung Đông sau khi tách khỏi al-Qaeda năm 2013. Ảnh: NewYork Post |
Kể từ khi chiếm đóng một phần lãnh thổ Iraq năm 2013, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vốn là một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda, đã mở rộng phạm vi hoạt động khắp khu vực Trung Đông. Một số phần tử cực đoan tại bán đảo Sinai, nơi xuất hiện các chiến binh chống đối chính phủ Ai Cập, đã thề sẽ trung thành với IS. Nhiều nhóm phiến quân liên kết với IS cũng xuất hiện ở Algeria và Tunisia.
"Thực tế cho thấy IS đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với các chiến binh", Colin Clarke, một nhà phân tích tại hãng tư vấn Rand của Mỹ, nhận xét.
Trong khi đó, theo Matthew Levitt, một chuyên gia phân tích tại Viện Chính sách Cận Đông có trụ sở ở Washington, mô hình mở rộng của IS vô cùng đơn giản. Tổ chức này không cần áp đặt sự kiểm soát từ trung tâm lên các thành viên.
"IS áp dụng mô hình phân cấp, không cần thiết lập các đoàn hay tạo một cuộc nổi dậy toàn diện trước khi thực hiện hàng loạt vụ hành quyết", chuyên gia Levitt nhận định.
Cuối tháng 1/2014, IS chiếm đóng các thị trấn và thành phố ở tỉnh Anbar, một khu vực của người Sunni ở phía tây Iraq. Trong tháng 6/2014, nhóm mở rộng địa bàn sang Mosul và các khu vực khác của Iraq, đồng thời áp đặt hình thức hà khắc của luật Hồi giáo và chiến thuật tàn bạo. "Hành động của IS thể hiện tham vọng toàn cầu, vượt xa al-Qaeda", nhà phân tích Clarke nói.
|
|
Đồ họa: US Today |
Mới đây, hôm 16/2, quốc gia Trung Đông Ai Cập phải phát động cuộc không kích nhằm vào IS tại Libya sau khi tổ chức này tung đoạn băng ghi cảnh chặt đầu một nhóm người Công giáo gốc Ai Cập.
Trong tháng 2/2015, quân đội Mỹ đã giết chết một cựu lãnh đạo Taliban ở miền nam Afghanistan – kẻ đã thề trung thành với IS vào nhiều tuần trước đó. Lầu Năm Góc nhận định, sự hiện diện của IS ở Afghanistan tuy mới, nhưng đã chứng minh những tham vọng toàn cầu của chúng.
Không kích là chưa đủ
Khói bốc lên không trung tại Kobani, khi nhìn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau một đợt không kích của liên minh nhằm vào các mục tiêu IS. Ảnh: Reuters |
Chiến dịch ném bom do Mỹ dẫn đầu từ mùa hè năm 2014 đã cản trở sự bành trướng của IS tại Iraq song chưa thể ngăn chặn khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng và quá trình tuyển quân của IS trên khắp khu vực Trung Đông.
Theo Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, máy bay của liên quân đã tấn công hơn 4.800 mục tiêu của IS ở Syria và Iraq trong 6 tháng qua, phá hủy các phương tiện di chuyển, xe tăng, nhiều vị trí chiến đầu và trại huấn luyện.
Lầu Năm Góc khẳng định các cuộc không kích của liên quân đã làm suy yếu cơ cấu lãnh đạo của IS. Tuy nhiên, giới phân tích và quan chức quân sự thừa nhận, để đánh bại IS, liên quân cần triển khai lực lượng mặt đất, bên cạnh các cuộc không kích như hiện nay.
Nhà Trắng cho biết họ sẽ không triển khai lực lượng chiến đấu mặt đất tới Iraq hoặc Syria, nhưng sẽ sử dụng các lực lượng địa phương trong khu vực để đối phó với các mối đe dọa.
Lầu Năm Góc đã gửi cố vấn của họ tới Iraq. Cơ quan này cho biết, họ sẽ đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh của Iraq, đồng thời xây dựng một lực lượng ôn hòa tại Syria.
"Trọng tâm của chúng tôi lúc này là xây dựng sức mạnh chiến đấu của các lực lượng này", chuẩn đô đốc John Kirby, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Tuy nhiên, các quan chức của bộ này không khẳng định lực lượng an ninh của Iraq sẽ giành lại quyền kiểm soát các thành phố chiến lược như Mosul từ tay IS.
Trong khi đó, nhiều quan chức quân sự và giới phân tích nhận định, để đánh bại IS, liên quân sẽ phải mất thời gian và cần tập trung nguồn lực vào khu vực mấu chốt là chiến trường Iraq và Syria, bất chấp việc các tay súng của IS xuất hiện ngày càng nhiều ở những nơi khác.